13/10/2020 07:33 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chúng ta đang ở giữa những ngày đầy thao thức âu lo của năm 2020, khi cơn bão số 6 bắt đầu tràn vào miền Trung từ vài hôm trước.
Giữa những dòng tin tức u ám về cơn bão số 6 ấy, tôi bỗng chú ý đến những bức ảnh và clip ghi lại câu chuyện ở cầu Rồng (Đà Nẵng) vào trưa 11/10. Đó là thời điểm bão bắt đầu ảnh hưởng tới thành phố, với mưa to gây ngập cục bộ, cây đổ và gió giật liên hồi.
Như nội dung clip, gió giật mạnh nên người đi xe máy qua cầu Rồng, dọc tuyến đường Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo... rất khó khăn. Kèm với mưa to, nhiều người đã phải xuống xe, dắt bộ qua cầu.
Để rồi, khi thấy thảm cảnh của những người đi xe máy này, một số ô tô trên cầu đã được tài xế chủ động đi chậm lại, che chắn gió lớn thổi từ hướng cửa biển vào giúp người đi xe máy qua cầu an toàn hơn. Trong số đó, có cả những chiếc xe 7 chỗ đã “dìu” tới 3 - 4 xe máy.
Và như lời kể, hình ảnh ô tô “dìu” người đi xe máy, xe đạp qua cầu Rồng ở Đà Nẵng vẫn thường xuất hiện mỗi khi gặp mưa to, gió lớn hay trong mùa bão. Đó là một “hình ảnh biết nói” nhưng lại đủ thay cho mọi ngôn từ mà chúng ta vẫn được nghe về sự đồng cảm cộng khổ của của người dân miền Trung trong cơn bão dữ.
Và nếu ai nghĩ đơn giản rằng việc thường xuyên hứng chịu thiên tai khiến cho sự chia sẻ với nhau trong cơn hoạn nạn gần như trở thành đặc tính của người miền Trung thì đã lầm. Hãy nhớ tới một clip tương tự, từng khiến cộng đồng mạng... phát sốt vào năm 2016, khi một chiếc ô tô cũng chủ động đi chậm, che gió để giúp đỡ một người đi xe máy đang loạng choạng trong mưa bão trên cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh).
4 năm qua, cách ô tô “dìu” xe máy qua cầu như vậy hẳn cũng không còn quá xa lạ với cộng đồng như trước. Nhưng chắc chắn, đó là những hình ảnh dung dị, tự nhiên, đậm chất đời thường - tới mức không một nhà biên kịch nào có thể nghĩ ra.
Những hình ảnh ấy có thể không khiến chúng ta chú ý, vui mừng và hân hoan như thông tin về 9 thuyền viên trên chiếc tàu chìm ở Quảng Trị vừa được cứu thoát bằng trực thăng cứu hộ - cũng trong cơn bão số 6 này. Nhưng ở góc độ nhỏ, chúng lại đủ khiến ta vui, xúc động và tin tưởng vào lòng tốt của những người bình thường trong những việc tưởng như bình thường.
***
Thật ra, nếu đọc lại những gì từng diễn ra quanh những trận bão đổ bộ vào Việt Nam, chúng ta sẽ gặp không ít câu chuyện về lòng tốt theo cách ấy.
Đó có thể là chuyện những khách sạn, nhà nghỉ mở rộng cửa đón những người có nhà cửa tạm bợ, ở nơi xung yếu vào tránh bão. Là những cụ gia vô gia cư co ro bên vỉa hè được ai đó tặng đồ ăn. Là những người sẵn sàng bỏ tiền ra lấy hộ gánh rau khi người bán hàng chạy bão hay chuyện người đi đường xúm vào “giải cứu” chiếc ô tô bị cây đổ đè lên bên đường.
Tại sao trong những ngày mưa bão, chúng ta luôn có những câu chuyện tử tế xuất hiện và được lan truyền như thế?
Có lẽ, bão là thời điểm con người phải đối diện nhiều hơn với những nghịch cảnh. Mọi "sân, si" trong cuộc sống đều được xếp sang một bên. Khi ấy, cả cộng đồng sẽ dễ dàng đồng lòng để giúp nhau vượt qua bão dữ.
Và sâu xa hơn, từ cả ngàn năm nay, câu chuyện về bão lũ đã vô cùng quen thuộc với mỗi cư dân Việt Nam. Quen thuộc, nhưng vẫn khiến người ta ám ảnh. Bao giờ, những dòng tin ấy cũng dồn dập đến sau từng cơn bão, với những con số tăng dần về thiệt hại vật chất cũng như tính mạng của người dân ở mỗi địa phương, như những gì đang diễn ra trong cơn bão số 6, với hơn 30 người mất tích cùng hàng ngàn ngôi nhà bị phá hủy. Để rồi, dù có là người bình tĩnh và điềm đạm đến mấy, cũng đến lúc chúng ta phải quặn lòng thương cảm với những đồng bào đang gặp nạn.
Trong thiên tai, điều gì cũng có thể xảy ra. Bão lũ sẽ còn lặp lại, như một chu trình tất yếu do những đặc thù về địa lý và địa hình của Việt Nam. Nhưng, cứ thế, dù có được ghi nhận và chia sẻ hay không, chúng ta vẫn sẽ không thiếu những tấm lòng để san sẻ và giúp đỡ nhau. Những tấm lòng ấy luôn nhiều hơn những sự thờ ơ, vô cảm...
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất