25/02/2019 19:34 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Với nhà Thục, trên cương vị Trấn Bắc tướng quân, công trạng của Ngụy Diên gần như không hề kém cạnh người phụ trách biên giới phía Đông là Trấn Đông tướng quân Triệu Vân và người bình định Nam Trung là Thừa tướng Gia Cát Lượng. Vậy, ai là người đẩy ông vào kết cục thảm khốc lúc cuối đời?
Chịu ảnh hưởng từ ngòi bút của La Quán Trung, rất nhiều người cho rằng Gia Cát Lượng luôn giữ định kiến, thậm chí là đố kị với viên hổ tướng này. Nhưng thực tế khác hẳn vậy.
Quân công lừng lẫy, kiêu ngạo hơn người
Trước khi tham gia Bắc phạt, Ngụy Diên là viên biên tướng quan trọng bậc nhất của nhà Thục với 15 năm trấn giữ khu vực Hán Trung. Nhưng, trong giai đoạn chấp chính của Gia Cát Lượng, ông chính là người được giao phó nhiều trọng trách để thể hiện tài năng, đồng thời liên tục được vị Thừa tướng của Thục Hán gia phong, thăng chức theo công trạng.
Nhờ Khổng Minh, Ngụy Diên lần đầu được phong tước hầu (Đô đình hầu). Trong lần Bắc phạt đầu tiên năm 227, Ngụy Diên lĩnh chức Đốc tiền bộ (Tư lệnh tiên phong của chiến dịch), kiêm Thừa tướng Tư mã (Tham mưu trưởng trong soái phủ của Khổng Minh), lại kiêm Thứ sử Lương châu, là nhân vật hết sức quan trọng của cả chiến dịch.
Trong lần Bắc phạt năm 230, Ngụy Diên xâm nhập Khương Trung, ở Dương Khê đã xuất sắc đánh bại Hậu tướng quân Phí Diệu cùng Thứ sử Ung châu Quách Hoài, hai mãnh tướng của nước Ngụy. Ngay lập tức Ngụy Diên được thăng làm Tiền quân sư Chinh Tây đại tướng quân, ban Giả tiết (có thể thay mặt thiên tử ban bố hiệu lệnh, tiết chế quân đội, bổ nhiệm bãi miễn đại quan). Tước vị của Diên cũng lên liền hai bậc, thành Nam Trịnh hầu (là Huyện hầu, tước hầu cao nhất, trên Hương hầu và Đình hầu). Có thể nói tại thời điểm này, cả quân hàm, tước vị của Ngụy Diên đều rất cao chỉ dưới một mình Gia Cát Lượng, trong hàng ngũ đại thần.
Tiếp đó, trong chiến dịch Bắc phạt lần thứ năm, Diên lại phối hợp cùng Cao Tường, Ngô Ban chia cắt và đánh bại hoàn toàn đại quân của Tư Mã Ý và Quách Hoài, khiến cho Tư Mã Ý từ đó về sau không dám ra mặt đối trận với quân Thục nữa. Một trong “Ngũ tử lương tướng” của Ngụy là Trương Cáp cũng bỏ mạng trong chiến dịch này. Ngụy Diên từ việc cầm “Giả tiết” đã được nâng lên thành “Sử trì tiết” (có quyền tiền trảm hậu tấu các quan viên lương dưới hai ngàn thạch), có thể nói là quyền uy tột đỉnh.
Dù vậy, cá tính nóng nảy, thiếu kiềm chế khiến Ngụy Diên thường xuyên gây hấn với các Thục tướng.
Tam Quốc Chí chép rằng Ngụy Diên “có tính kiêu căng”, cho nên người khác đa phần đều né tránh, chỉ có Trưởng sử Dương Nghi không nhường nhịn. Vì vậy hai người thường xuyên mâu thuẫn. Phí Y truyện còn kể, “mỗi lúc ngồi bàn bạc xảy ra tranh cãi, Diên giơ đao dọa giết Nghi, còn Nghi cũng tức giận phát khóc”. Gia Cát Lượng rất khổ tâm vì tiếc sự tài cán của Dương Nghi và sự kiêu dũng của Ngụy Diên, phải luôn can ngăn khuyên giải.
Chuyện Diên hiềm khích với Dương Nghi lớn đến mức ngay cả Tôn Quyền của Đông Ngô cũng biết. Ngô chủ thậm chí còn cảnh báo với Phí Y “nếu một mai không có Gia Cát Lượng, tất thành họa loạn”. Chưa hết, ngoài Dương Nghi, Ngụy Diên cũng từng có bất hòa lớn với Xa kỵ tướng quân Lưu Diễm - để rồi Khổng Minh là người đứng ra trách mắng Lưu Diễm vì tội “nói năng ngông cuồng”.
Như thế, với việc trọng dụng và bênh vực Ngụy Diên, có thể thấy Gia Cát Lượng mới là người nâng đỡ viên đại tướng nhiều cá tính này. Và bi kịch chỉ đến với Ngụy Diên, khi Khổng Minh qua đời năm 234, trong đợt Bắc phạt cuối cùng.
Chân tướng “mưu phản”
Chính sử chép, trước khi mất, Gia Cát Lượng đã bí mật họp cùng ba nhân vật quan trọng trong quân lúc bấy giờ là Trưởng sử Dương Nghi, Tư mã Phí Y, Hộ quân Khương Duy để xác định hướng rút lui. Kết luận được đưa ra: sau khi Lượng mất, quân Thục triệt thoái về Hán Trung, Ngụy Diên sẽ đoạn hậu.
Phí Y là người lãnh nhiệm vụ đến tiền tuyến để thông báo cho Ngụy Diên. Tuy nhiên, Ngụy Diên không đồng ý rút quân mà chỉ muốn để một bộ phận sĩ tốt đưa thi hài Khổng Minh về Thục, còn mình sẽ tiếp tục nhận trọng trách phạt Ngụy. Biết tin Dương Nghi nắm quyền, ông càng nổi giận, khẳng định “không thể làm thuộc hạ, đoạn hậu cho Dương Nghi”.
Theo đúng kế hoạch, Dương Nghi bắt đầu rút quân. Ngụy Diên tức giận nên đi đường tắt để giành quay về Nam trước, lại còn đốt sạch đường sạn đạo, gây khó khăn cho quân Dương Nghi. Diên và Nghi thi nhau dâng biểu lên Hậu chủ tố cáo lẫn nhau là phản nghịch. Trong triều đình, các đại thần Tưởng Uyển và Đổng Doãn đều có ý nghi ngờ Diên và ủng hộ Nghi.
Ngụy Diên chặn đánh Dương Nghi ở Nam Cốc khẩu. Lúc này Thảo khấu tướng quân Vương Bình đứng về phía Dương Nghi, lại trách mắng Ngụy Diên trước ba quân về việc không tuân theo ý chỉ của Khổng Minh. Quân Ngụy Diên biết Diên sai nên tản mác bỏ chạy hết, Diên bị Mã Đại chém đầu.
Nếu mưu phản, Ngụy Diên rõ ràng phải chạy về hướng Bắc để đầu hàng Tư Mã Ý rồi quay lại đánh Thục, chứ không phải chạy về hướng Nam với lực lượng yếu mỏng để rồi bị quân Thục tiêu diệt dễ dàng. Đây cũng là khẳng định của Trần Thọ, khi trong Ngụy Diên truyện và Hậu chủ truyện của Tam quốc chí, ông cho rằng đây chỉ là một vụ “tranh quyền” giữa Diên và Nghi mà thôi.
Thực tế, Ngụy Diên dám chặn đường đại quân về Nam là vì trong tay cũng nắm một phần binh lực, nhưng cuối cùng chỉ còn lại vài thân tín đi theo. Người vạch rõ sai lầm trước toàn quân, tước đi tính chính danh trong hành động của Diên là Vương Bình. Người trực tiếp đuổi theo chém đầu Ngụy Diên ở Hán Trung là Mã Đại. Kẻ giết ba họ nhà Ngụy Diên sau sự cố này là Dương Nghi.
Vương Bình, Mã Đại là theo lệnh Dương Nghi mà làm. Dương Nghi hành động mà không bị câu thúc hay truy cứu, tức là đã được triều đình Thục Hán “bật đèn xanh”. Hậu chủ Lưu Thiện mặc nhiên đồng ý tội danh của Ngụy Diên, là có sự tác động từ Tưởng Uyển và Đổng Doãn. Tất cả đều góp phần vào kết cục cay đắng của viên hổ tướng này.
Nhưng sâu xa, chính Ngụy Diên là người tự chuốc họa vào mình. Sai lầm lớn nhất của ông chính là kháng lệnh. Bởi kháng lệnh, nên khi bị Vương Bình quát mắng thì “sĩ chúng biết lỗi ở Diên, chẳng ai theo mệnh” (Tam quốc chí). Cũng chính vì bỏ chức trách đoạn hậu mà chủ động về Nam trước, nên các đại thần bên cạnh Hậu chủ như Tưởng Uyển và Đổng Doãn cũng không thể không ngờ vực Diên.
Chưa kể, trong cơn bột phát, Diên còn phá đường sạn đạo ngăn quân của Dương Nghi về Nam. Đã kháng lệnh, lại muốn chặn đường lui của đại quân rồi tự mình dẫn quân về hướng Thành Đô, ai dám đảm bảo Diên không làm bậy? Như sử liệu, Hậu chủ thậm chí đã phái Tưởng Uyển thống lĩnh Túc vệ quân chạy lên Bắc để đề phòng những khả năng xấu hơn.
Có thể vào thời điểm ấy, nếu có trọng thần đứng ra điều trần và giải thích cho quyết tâm Bắc phạt của Diên, bi kịch đã không xảy ra. Nhưng cuối cùng không có ai làm điều đó. Một phần, bình thời Diên nóng nảy kiêu căng, ai cũng phải nhịn nên mọi người có ấn tượng xấu và xa lánh. Phần khác, những Thục tướng như Dương Nghi, vốn tích lũy mâu thuẫn lớn với Diên nên không dễ bỏ qua cơ hội trị tội ông.
Một đời quả cảm, luôn xông pha lập công trên tuyến đầu, vậy nhưng viên hổ tướng xuất sắc nhất trong giai đoạn Bắc phạt của nhà Thục lại rước họa vào thân bởi cá tính nóng nảy, ngạo mạn và sự bột phát đáng chê trách như thế.
Hư cấu quá đáng của La Quán Trung Tam quốc diễn nghĩa đã gán cho Ngụy Diên ý đồ phản Thục, thêm thắt nhiều tình tiết trước và sau khi Khổng Minh qua đời để chứng minh cho điều này. Trên thực tế, không hề có chuyện Khổng Minh giao túi gấm cho Dương Nghi, không có bằng chứng nói Diên muốn hàng Ngụy, Mã Đại cũng không hề ám phục trong quân Ngụy Diên để thừa cơ chém đầu Diên. Như nhận xét của nhiều học giả, dưới ngòi bút La Quán Trung, Ngụy Diên chính là nhân vật phải chịu nhiều bất công nhất. |
Nguyễn Đỗ Thuyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất