10/12/2018 19:08 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Diễn ra 11 năm sau trận Xích Bích, chiến dịch Tương - Phàn là chiến dịch thứ hai và cũng là chiến dịch cuối cùng của thời Tam quốc có sự góp mặt đầy đủ của ba nhà Tào - Tôn - Lưu. Để rồi ngàn năm sau, những tồn nghi từ trận chiến ấy vẫn là nguồn cơn của bao tranh luận và tiếc nuối.
Xem chuyên mục "Mọt sách, mọt sử, mọt phim" tại đây.
Việc Quan Vũ tiến hành Bắc phạt có phải là quá nóng vội? Tại sao ông lại đơn độc tác chiến mà không nhận được bất kỳ sự chi viện nào từ Thành Đô? Để Vũ giữ Kinh Châu có phải là sai lầm của Lưu Bị?
Tất cả những câu hỏi đó có thể trả lời một cách thấu đáo nếu như bắt đầu từ hai vấn đề căn bản nhất: Ai là người ra quyết định đánh Tương - Phàn? Chiến dịch có nên được phát động hay không?
Tiền đề của Long Trung sách
Trong Tam quốc diễn nghĩa hồi 73, khi biết tin Tào - Tôn liên minh định đánh Kinh Châu, Gia Cát Lượng đã hiến kế: sai Quan Vũ cất quân đến đánh Phàn Thành trước, để “quân giặc khiếp đảm, tự nhiên phải tan vỡ”. Từ đó, Lưu Bị sai Phí Thi đến Kinh Châu ra lệnh đánh Phàn Thành.
Sự thật, Tam quốc chí có chép việc Phí Thi đến gặp Quan Vũ để truyền lệnh bái Vũ làm Tiền tướng quân. Nhưng không sử liệu nào nhắc đến việc ông được giao đánh Phàn Thành. Hơn nữa, bây giờ Tôn - Tào cũng chưa hề liên minh.
Tuy nhiên, điều đó cũng không đồng nghĩa với việc Quan Vũ tự tiện đánh Tương - Phàn. Cần nhớ, khi được Lưu Bị bái làm Tiền tướng quân, Quan Vũ cũng đồng thời nhận tiết việt. Tiết là cờ, việt là lưỡi rìu, tiết việt là tín vật biểu thị quyền hành mà vua ban cho thuộc hạ, đặc biệt là quyền hành về mặt quân sự. Nói một cách dân dã, Quan Vũ đã được “bật đèn xanh” để toàn quyền quyết định mọi việc tại Kinh Châu, trong đó bao gồm cả việc Bắc phạt hay không.
Thực chất, Quan Vũ cũng khá thận trọng trong việc Bắc phạt. Một năm trước đó, ông có cơ hội vô cùng tốt để tiến binh, khi Hầu Âm của Ngụy bất ngờ tạo phản ở Uyển thành thuộc quận Nam Dương. Quận Nam Dương và Giang Lăng của Quan Vũ ngăn cách với nhau bởi Tương Dương, nếu phối hợp tấn công cùng bọn Hầu Âm, Tương Dương sẽ rơi vào thế lưỡng đầu thọ địch. Nhưng Quan Vũ không xuất binh, kết quả Hầu Âm bị Tào Nhân đánh dẹp.
Dù nhiều người tiếc nuối, nhưng lý do của sự thận trọng này khá đơn giản: Lưu Bị bấy giờ đang đánh Hán Trung. Chiến trận ở Hán Trung chưa ngã ngũ, Kinh Châu thời thời khắc khắc phải chuẩn bị sẵn sàng chi viện quân lương cho chiến trường phía Tây. Thực chất, sau khi chiếm được Ích Châu năm 214, quân Thục chưa khi nào được nghỉ ngơi: năm 216, Trương Phi giao chiến với Trương Cáp ở Ba Tây; năm 217, Trương Phi và Ngô Lan tiến đánh Cố Sơn; năm 218, Lưu Bị đánh ải Dương Bình; năm 219, Lưu Bị giành Hán Trung.
Càng quan trọng hơn, Hán Trung vốn là yết hầu của Ích Châu. Từ Hán Trung, quân Tào có thể đánh đến Thành Đô, cũng có thể vòng sang Ba Tây, cắt đứt đường liên lạc giữa Kinh Châu và Xuyên Thục. Mất sự cứu viện từ Ích Châu, dù có hạ được Tương Dương, Quan Vũ vẫn khó trụ nổi khi Tào quân đồng loạt dồn về từ 2 phía.
Phải tới thời điểm Lưu Bị lấy được Hán Trung, tiếp đó là Phòng Lăng, Tân Thành, Thượng Dung, cơ hội Bắc phạt từ Kinh Châu mới rõ ràng. Ba quận này nằm ở giữa Hán Trung và Nam Dương. Nếu Quan Vũ hạ được Tương - Phàn, toàn bộ từ Hán Trung đến Kinh Châu sẽ nối thành một dải, Kinh Ích đầu đuôi tương liên, chính là tiền đề của Long Trung sách.
Từ đó có thể thấy Lưu Bị ban tiết việt cho Quan Vũ hoàn toàn có tính toán. Thực tế, thời gian Quan Vũ đánh Tương - Phàn đủ dài để tin tức có thể truyền đến Thành Đô. Nhưng sử liệu không hề đề cập gì đến việc Lưu Bị phản đối. Điều này cho thấy nội bộ phía Thục mặc định đồng ý với chủ trương của Vũ.
Tiên phát chế nhân
Nhưng, việc Quan Vũ phát động chiến dịch Tương - Phàn còn bắt nguồn từ những toan tính từ phía Ngụy.
Sau thất bại tại Hán Trung, nếu muốn tấn công vào Thục, Tào Tháo sẽ buộc phải đi xuyên qua Tần Lĩnh bằng sạn đạo như Tý Ngọ hoặc Bao Tà, Thảng Lạc. Điều này rất khó khả thi, bởi chưa nói đến việc quân Thục chỉ cần rất ít binh lực mai phục cũng đủ để đánh bại quân Tào, việc vận lương qua sạn đạo cũng đã cực kỳ vất vả và tốn kém.
Quân Tào cũng khó nghĩ đến việc đánh Ngô từ Hợp Phì. Thực tế, Tào Tháo đã từng thử phạt Ngô bằng đường này hai lần, kết quả đều phải dừng lại ở Nhu Tu, tay trắng quay về. Thực tế, với ưu thế thủy chiến của Đông Ngô, thiên hiểm Trường Giang cũng không khác gì dãy Tần Lĩnh hiểm trở của Xuyên Thục.
Bởi thế, nhìn khắp thiên hạ, quân Tào sau khi nghỉ ngơi chỉnh đốn xong chỉ có một nơi dễ đánh hơn cả, chính là Giang Lăng ở Kinh Châu mà Quan Vũ đang trấn giữ.
Như đã trình bày trước đó, bốn mặt Kinh Châu đều có núi non liên tiếp vây quanh, từ phía Bắc chỉ có một lối vào là Tương Dương. Từ Tương Dương đến Hứa Lạc xuống Giang Lăng đều là bình nguyên bằng phẳng, quân Tào có thể vận lương thông suốt không gặp trở ngại, hơn nữa có thể phát huy đầy đủ ưu thế của kỵ binh phương Bắc.
Trước chiến dịch Tương Phàn, Tào Tháo liền phái Tào Nhân đến đóng quân ở Phàn Thành, trấn giữ hướng Kinh Châu. Tào Nhân là đệ nhất đại tướng phía Tào, trong những trận đánh lớn thường tự mình cầm một cánh quân, độc lập tác chiến. Trước đó, Nhân từng được điều sang phía Tây cùng Tháo đánh Mã Siêu.
Như vậy, sự xuất hiện của Tào Nhân tại Phàn Thành cho thấy rõ ý đồ tấn công Giang Lăng của Tào Tháo. Người cùng đi với Nhân là Bàng Đức, đại tướng Tây Lương vừa được thu phục. Tuy nhiên, tới Phàn Thành chưa được bao lâu, 2 tướng này phải dẹp loạn Hầu Âm nên chưa thể tiến đánh Giang Lăng.
Cũng cần nói thêm, với hư cấu trong Tam quốc diễn nghĩa, độc giả vẫn đinh ninh rằng Quan Vũ “dốc túi”, bỏ ngỏ Giang Lăng để dồn hết binh lực cho chuyến Bắc phạt này. Kỳ thực, ông lưu tại đây khoảng một nửa quân số trong tập đoàn quân của mình để đề phòng Đông Ngô.
Như thế, có thể thấy rõ ràng ý đồ của chiến dịch Tương Phàn là muốn tiên phát chế nhân, thừa lúc đại quân Tào Tháo chưa tập hợp mà ra tay trước để tấn công, bẻ gãy nhuệ khí của địch. Nếu thành công có thể nối liền Kinh Ích, tiến thêm một bước trong sách lược Long Trung đối, nếu thất bại Vũ vẫn hoàn toàn có thể lui về Giang Lăng cố thủ, chờ đợi sự chi viện từ phía Thục.
Huống hồ, khi ấy, Quan Vũ đã bắt được cơ hội theo kiểu “ngàn năm có một” để quyết tâm phát động chiến dịch này: trận lũ lớn ở Phàn Thành.
Một phần của Long Trung sách? Quanh việc Quan Vũ phát binh, có ý kiến cho rằng chiến dịch đánh Tương - Phàn là một phần của Long Trung sách: tiến vào Trung Nguyên từ Kinh Châu. Và cũng có phản bác rằng Long Trung sách nói phải đợi “thiên hạ có biến”, hơn nữa sẽ ra quân hai đường hô ứng lẫn nhau chứ không thể đơn độc như Quan Vũ. Nhưng cả hai luồng ý kiến đều chưa xem xét thấu đáo cục diện chiến sự lúc này. Kỳ thực, Long Trung sách là một sách lược tổng thể. Những gì được Khổng Minh đề cập chỉ là viễn cảnh cho chiến dịch cuối cùng và cần nhiều bước đi trước đó. |
Sai lầm khi giao Kinh Châu cho Quan Vũ? Đọc Tam quốc diễn nghĩa, nhiều độc giả tiếc nuối vì Quan Vũ để mất Kinh Châu và cho rằng Lưu Bị đã chọn nhầm người tọa trấn vùng đất chiến lược này. Tuy nhiên, cần nhìn lại bối cảnh của quyết định này. Ngoài sự trung thành tuyệt đối với Lưu Bị, Quan Vũ là hổ tướng hàng đầu của Thục, uy danh rất lớn, công trạng lừng lẫy, đặc biệt là có khả năng tác chiến trên bộ lẫn thủy chiến - điều hiếm gặp với những người phương Bắc. Về vai trò chính trị, Quan Vũ là nhân vật số hai của tập đoàn Lưu Bị, lại có tính chính danh cao nhất, bởi vì ông là Hán Thọ đình hầu do Hán Hiến đế phong tặng. Như vậy, trong tình cảnh một lượng lớn nhân sự của tập đoàn Lưu Bị được điều vào Ích Châu để hỗ trợ chinh phạt và bình định, việc để Quan Vũ trấn giữ Kinh Châu vẫn là sự lựa chọn tốt nhất có thể. |
Trần Tiến
(Kỳ sau: “Mọt” Tam Quốc (kỳ 5) - Phong vũ Kinh Châu: Tương - Phàn chi chiến)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất