Một thập kỉ Cống hiến - Một thập kỷ nhạc Việt: Mốc son của truyền hình thực tế ca nhạc

21/02/2015 07:06 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến

(lienminhbng.org) - Ngày ấy, khi Phạm Anh Khoa trình diễn ca khúc Lý kéo chài với phong cách rock, cả hội đồng nghệ thuật đứng dậy vỗ tay, khán giả reo hò cuồng nhiệt. Giây phút huy hoàng của truyền hình thực tế ca nhạc mà giờ đây khó có thể tìm lại…

Trước khi các cuộc thi ca hát truyền hình thực tế nở rộ, thì việc “thống trị” thi ca hát trên truyền hình là hai cuộc thi của hai đài truyền hình có độ phủ sóng lớn nhất đất nước: Tiếng hát Truyền hình (HTV) và Liên hoan Tiếng hát truyền hình (VTV).


Từ trái qua: nhạc sĩ Trần Tiến, Bảo Phúc, Tuấn Khanh

Âm nhạc Cống hiến đồng hành với “SM-ĐH”

Tiếng hát truyền hình có thể xem là có thâm niên nhất, được tổ chức hàng năm, với mùa thi đầu tiên là năm 1991. Liên hoan Tiếng hát truyền hình của VTV ra đời từ năm 1997 với tần suất hai năm/ lần (đến năm 2001 đổi tên là Sao Mai). Được tổ chức vào các năm lẻ và tuy sinh sau, nhưng Sao Mai có một “người anh em” tổ chức vào các năm chẵn rất thành công: Sao Mai - Điểm hẹn (SM-ĐH).

Đây được xem là chương trình truyền hình thực tế ca nhạc đầu tiên của Việt Nam. Năm 2004, SM-ĐH ra đời và nó như một làn gió mới ở lĩnh vực thi ca hát trên truyền hình. Có thể nói, yếu tố mang đến thành công cho SM-ĐH 2004 là sự tương tác.

Ngoài việc xem thí sinh ca hát, khán giả đã bị lôi cuốn từ những lời nhận xét của hội đồng nghệ thuật. Nếu các giám khảo trong các cuộc thi Tiếng hát truyền hình hoặc Sao Mai mang tính chất “tĩnh”, ngồi chăm chú nghe và lẳng lặng đánh giá bằng số điểm thì các thành viên hội đồng nghệ thuật của SM-ĐH mang tính “động” nhiều hơn. Họ đưa ra nhận xét tức thời sau khi thí sinh biểu diễn. Điều đặc biệt là họ đã rũ bỏ sự trịnh trọng, uy nghiêm của complet, caravate để giản dị, gần gũi với công chúng, họ “đời” hơn và đặc biệt là “sốc” hơn.

Các buổi thi của SM-ĐH và sau này nhiều cuộc thi khác như Vietnam Idol (Thần tượng âm nhạc Việt Nam), The Voice (Giọng hát Việt)… có khi khán giả xem thí sinh ca hát chỉ là phụ mà cái chính là theo dõi xem các giám khảo nói gì, chọn ai, tranh giành thí sinh thế nào và trong đó có cả sự chờ đợi những cú “sốc” có thể gây bão trong công luận.

Cho đến nay, chưa có một kết luận rõ ràng là vô tình hay cố ý, nhưng câu nói “Tôi thích cái điên điên của em” của nhà thơ Đỗ Trung Quân - thành viên hội đồng nghệ thuật SM-ĐH 2004 - phát biểu sau phần biểu diễn của Ngọc Khuê đã dấy lên cơn bão đầu tiên trên truyền thông đối với một cuộc thi ca hát. Nhìn lại “sự kiện” 10 năm trước, giờ đây câu nói của Đỗ Trung Quân “chẳng là gì”, nhưng thời đó nó như sự phát nổ của một quả bom tấn… và đã đi vào đúng lộ trình của truyền hình thực tế thế giới - có scandal.

SM-ĐH 2004 thành công vang dội nhờ một kịch bản “hiện đại” đem lại cho khán giả truyền hình một chương trình hấp dẫn. Bên cạnh đó, điều rất quan trọng đối với một cuộc thi, đó là ngoài hai ngôi sao đoạt hai giải cao nhất: Tùng Dương (giải Hội đồng nghệ thuật bình chọn) và Kasim Hoàng Vũ (giải Khán giả bình chọn) còn có một loạt các gương mặt ấn tượng như: Ngọc Khuê, Thái Thùy Linh, Lưu Hương Giang, Phương Anh, Cao Thái Sơn…

SM-ĐH 2004 đã thật sự là chương trình “Có những khám phá, sáng tạo đóng góp thiết thực vào sự phong phú và phát triển của đời sống âm nhạc đại chúng”. Như một cái “duyên”, 2004 cũng là năm mà giải Âm nhạc Cống hiến khởi động và SM-ĐH 2004 đoạt ngay giải Chương trình của năm - giải Tiền Cống hiến 2004.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân với câu nói “bất hủ”: "Tôi thích cái điên điên của em" - phát biểu sau phần thi của Ngọc Khuê đã làm công luận dậy sóng.

Thời huy hoàng nay còn đâu?

Nhưng sự thành công của SM-ĐH 2004 cũng châm ngòi cho một cuộc chạy đua mua kịch bản truyền hình thực tế ca nhạc nước ngoài. Năm 2006, nhà sản xuất Cát Tiên Sa mua kịch bản Project SuperStar để làm mới cho cuộc thi có truyền thống hơn 20 năm - Tiếng hát truyền hình (TP.HCM) - với tên gọi mới là Ngôi sao Tiếng hát truyền hình và năm 2006 cũng là năm mà SM-ĐHNgôi sao Tiếng hát truyền hình cùng nhau chinh phục khán giả. Tuy nhiên, SM-ĐH tiếp tục thành công với lứa ca sĩ: Phạm Anh Khoa, Hoàng Hải, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Ngọc Anh, Minh Thư… còn Ngôi sao Tiếng hát truyền hình không tạo được một ấn tượng nào đáng kể.

Một cột mốc quan trọng khác đối với truyền hình thực tế ca nhạc là sự xuất hiện của Vietnam Idol vào năm 2007. Với một kịch bản ăn khách đã được thử nghiệm ở nhiều nước trên thế giới, Vietnam Idol dễ dàng tạo một cơn bão mới qua mặt cả SM-ĐH với bộ ba giám khảo được xem là rất cá tính: Siu Black, Hà Dũng và Tuấn Khanh. Đây cũng là chương trình đầu tiên trao quyền tối thượng cho khán giả. Việc loại từng thí sinh qua từng live show ở vòng chung kết và chọn người chiến thắng cuối cùng đều dựa vào tin nhắn bình chọn của khán giả.

Từ năm 2007 đến hết thập niên này, Vietnam Idol được xem là chương trình thi thố ca nhạc “hot” nhất trên sóng truyền hình.

Mãi đến năm 2011, một loạt chương trình khác xuất hiện như: Just The Two Of Us (Cặp đôi hoàn hảo- 2011, VTV), Vietnam’s Got Talent (Tìm kiếm tài năng Việt Nam - trong đó có ca hát, 2011, VTV); The Voice (Giọng hát Việt - 2012, VTV), Clash Of The Choirs (Hợp ca tranh tài - 2012, VTV), Star Academy (Học viện ngôi sao - 2012, HTV), The Voice Kid (Giọng hát Việt nhí - 2013, VTV), Your Face Sounds Familiar (Gương mặt thân quen- 2013, VTV), The Winner Is… (Tôi là người chiến thắng - 2013, HTV), Sing If You Can (Đố ai hát được - 2013, VTV), The Voice Kids (Giọng hát Việt nhí- 2013, VTV)… Trong đó, đáng kể nhất là sự thành công vang dội của Giọng hát Việt mùa đầu tiên. Điều đáng nói là lúc truyền hình thực tế ca nhạc bắt đầu manh nha và hình thành, nó mang ý nghĩa tích cực, khi đem đến một hình thức thi thố năng động, hấp dẫn khán giả. Ngoài ra, nó còn là chương trình lăng-xê rất hiệu quả, nếu một thí sinh thật sự có tài năng, tên tuổi sẽ nhanh chóng vụt sáng trên thị trường ca nhạc. Tuy nhiên, càng về sau, nhiệm vụ tìm tài năng ca hát gần như bất khả thi, vì mỗi năm có rất nhiều cuộc thi tìm kiếm nhưng môi trường đào tạo tài năng thì gần như “vũ như cẩn”.

Trên thị trường âm nhạc hiện nay có thể đếm trên đầu ngón tay các “sao” đáng được nhắc đến, khi họ xuất hiện từ các chương trình truyền hình thực tế ca nhạc: Tùng Dương, Phạm Anh Khoa (SM-ĐH), Uyên Linh (Vietnam Idol), Hương Tràm (Giọng hát Việt). Một số chương trình khác chỉ là vui chơi thuần túy như Cặp đôi hoàn hảo, Tôi là người chiến thắng, Gương mặt thân quen. Có chương trình đi quá đà, dùng yếu tố “rùng rợn” như chuột, rắn, phóng phi tiêu… để “dọa” ca sĩ khi họ đang hát (Tôi dám hát- YAN TV, Đố ai hát được- VTV, Ai dám hát- HTV).

Sự mới lạ qua một vài năm cũng trở thành nhàm chán, nhất là kịch bản nhiều chương trình na ná nhau, tài năng thí sinh để làm chao đảo khán giả trở thành điều quá hiếm. Tuy nhiên, SM-ĐH vẫn là chương trình ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử của thị trường âm nhạc. Giờ đây truyền hình thực tế ca nhạc vẫn bùng nổ, nhưng có lẽ nhiệm vụ duy nhất nó còn làm được là giải trí cho khán giả và truyền hình thực tế ca nhạc hiện vẫn là “đứa con cưng” của ngành truyền hình Việt Nam.

HỮU TRỊNH
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm