Fabregas đã đi theo 'tà giáo' Mourinho

26/04/2015 15:34 GMT+7

(lienminhbng.org) - Họ đều trưởng thành từ cái nôi Barcelona nhưng hiện giờ, đi trên con thuyền Chelsea, con thuyền của thứ bóng đá thực dụng đến tận cùng chạy ngược chiều dòng chảy bóng đá của Barcelona và sẵn sàng chống lại triết lý bóng đá Barcelona.

1. Jose Mourinho là trợ lý ngôn ngữ của cố HLV Bobby Robson tại Barcelona. Đó là giai đoạn mà CLB xứ Catalunya nuôi dưỡng rất nhiều bộ não bóng đá tài năng, tới mức bốn đội lọt vào Tứ kết Champions League mùa này được dẫn dắt bởi bốn HLV từng là đồng đội của nhau tại Barca năm 1996: Pep Guardiola của Bayern Munich, Luis Enrique làm HLV chính Barca, Julen Lopetegui của Porto và Laurent Blanc của PSG.

Vài người nữa, Frank de Boer và Phillip Cocu hiện cũng đã theo nghiệp HLV, Ronald Koeman dẫn dắt Southampton và đừng quên Louis van Gaal – “sếp” của Mourinho tại Barcelona từ năm 1997 từ đến 2000.

Nhưng chỉ Mourinho đi một con đường. Thứ bóng đá của ông không những không cổ súy việc kiểm soát bóng mà còn chống lại nó, thậm chí đi tới cùng của thực dụng. Trong cuốn sách tiểu sử về Mourinho, kí giả Diego Torres nêu 7 đặc tính bóng đá của HLV người BĐN gồm: Đội thắng là đội mắc ít lỗi hơn; Kẻ mạnh là kẻ biết cách khiến cho đối phương mắc lỗi; trên sân khách, đừng cố gắng áp đảo, tốt hơn hết hãy cố hạn chế sai lầm; kẻ cầm bóng là kẻ sợ hãi…

Thứ bóng đá này lên tới đỉnh cao ở trận Inter Milan hạ Barcelona của Pep Guardiola tại Bán kết Champions League 2009-10. Inter kiểm soát bóng chỉ 19% thời lượng nhưng thua tối thiểu 0-1 để vừa đủ lọt vào Chung kết với tổng tỉ số thắng 3-2.

Nó mâu thuẫn tột cùng với quan điểm bóng đá của Arsene Wenger, người yêu bóng đá tấn công và chấp nhận cảm tử vì cái đẹp, bất chấp chính sự ngây thơ góp phần khiến Arsenal trắng tay 8 mùa liên tiếp.

2. Cesc Fabregas đã trải nghiệm cả ba phong cách bóng đá tại Barcelona, Arsenal và Chelsea. Anh trưởng thành từ học viện La Masia của Barca, sau đó tới Arsenal và giờ thi đấu cho Chelsea.

Đó là một con đường nhiều trắc trở, dường như đi theo hướng ngày càng thực dụng. Barca coi tấn công là tôn chỉ, Arsenal là Barcelona của nước Anh trong khi Chelsea thời Jose Mourinho chống lại việc kiểm soát bóng.

Fabregas nói rằng anh tới Chelsea để giành các danh hiệu. Thật ra, anh đã nói điều ấy từ khi thổ lộ muốn trở về Barcelona vì “nhớ nhà” sau liên tiếp các năm trắng tay với Arsenal. HLV Wenger đã có cơ hội mua lại Fabregas Hè này nhưng ông từ chối chi khoảng 30 triệu bảng cho hợp đồng mà Cesc đã kí với Barca. Kết quả là Fabregas tới Chelsea, vì những lời hứa danh hiệu của Jose Mourinho và “thứ bóng đá ở đây phù hợp với cậu”.

3. Những gì diễn ra cho thấy Arsenal và Wenger rõ ràng cần các bàn thắng của Alexis Sanchez hơn những đường kiến tạo của Fabregas. Có Fabregas, Chelsea tạo ra 62 cơ hội ăn bàn rõ rệt (cao nhất) cho tới lúc này của mùa giải so với chỉ 50 mùa trước; nhưng Cesc chỉ mới ghi 3 bàn so với 14 của Sanchez, 7 của Santi Cazorla hay 5 của Aaron Ramsey.

Như Jose Mourinho, từ ngày rời Barcelona, Fabregas đã không còn là sản phẩm mang đặc tính của lò đào tạo này. Tới Anh chơi bóng, anh đua tốc độ nhiều hơn, thích chơi trực diện và đá cao hơn hẳn một Xavi vẫn được xem là biểu tượng của tiki-taka.

Nghĩa là Wenger cần các bàn thắng của Sanchez hơn khi đã có nền tảng lối chơi vững chắc và một loạt tiền vệ sáng tạo thượng thừa. Mourinho cần Fabregas hơn vì Chelsea thiếu 1 tiền vệ tổ chức có thể chơi tấn công quyến rũ như đầu mùa khi Chelsea đầy đủ lực lượng, lẫn xấu xí như hôm đá với Man United. Fabregas không phàn nàn bởi anh thích ứng được, và đích đến của anh là các danh hiệu.

Mourinho đã đi theo “tà giáo” để phản lại triết lý bóng đá của Barcelona.

Còn Cesc, đi theo Mourinho, theo tiếng gọi của những chiếc huy chương.

Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm