28/03/2013 13:29 GMT+7
(lienminhbng.org) - Nếu có cỗ máy thời gian, ông chủ Roman Abramovich và các CĐV Chelsea hẳn muốn trở lại thời điểm mà Jose Mourinho vẫn còn ở Stamford Bridge. Tuy nhiên, giấc mơ đó không phải là không thể trở thành sự thật.
Khi còn trẻ, thần tượng của Mourinho là Malcolm Allison. Ông tới xem các buổi tập của HLV lừng danh người Anh ở Vitoria de Setubal, nơi bố Mourinho là thủ môn, và mơ về ngày trở thành HLV hàng đầu thế giới. Đó là cuối những năm 1980, khi sự nghiệp huấn luyện đầy thăng trầm của Allison sắp kết thúc. Khi còn ở Anh, Allison đã tạo dựng tên tuổi cùng Man City, nơi ông vô địch giải Ngoại hạng năm 1968, giành Cúp FA, League Cup và Cúp C2 trước khi chia tay. Lần thứ hai, Allison trở lại Man City năm 1979 sau khi lần lượt dẫn dắt Crystal Palace, Galatasaray và Plymouth, mọi việc không được suôn sẻ như vậy. Man City đang trên đà lao dốc và Allison bị sa thải sau chỉ hơn 1 năm.
Ai sẽ "lập trình" cho Mourinho?
Mourinho có lẽ sẽ trụ lại được lâu hơn nếu ông quay lại Chelsea, nhưng sẽ có một số vấn đề nghiêm trọng mà HLV người BĐN cần cân nhắc trước. Khi ông rời Porto với chức vô địch Champions League 2004, Mourinho đến với một đội bóng đã được lập trình sẵn để thành công. Chelsea là gương mặt thường xuyên ở tốp 4 Premier League dưới thời Claudio Ranieri và Mourinho đến đó để đưa họ lên một đẳng cấp khác.
Abramovich khi đó cũng đầu tư rất mạnh tay. Thực ra, Chelsea là đội duy nhất mua sắm một cách điên rồ thời bấy giờ, với sự bổ sung hàng loạt hảo thủ, Didier Drogba, Petr Cech, Ricardo Carvalho và Paulo Ferreira, những người nhanh chóng biến họ thành nhà vô địch. Tới tháng 2/2005, cuộc săn lùng danh hiệu đã có chiến tích đầu tiên là chiếc Cúp Carling ở sân Millennium, và 3 tháng sau là danh hiệu Premier League, ngay trong mùa giải đầu tiên của Mourinho. Chiến lược gia người BĐN đã biến Chelsea thành một cỗ máy săn danh hiệu thật sự, phá vỡ sự thống trị của bộ đôi M.U-Arsenal và trên thực tế chấm dứt luôn thời kỳ vinh quang của đội bóng áo đỏ-trắng.
Gần 6 năm từ sau lệnh sa thải nghiệt ngã tháng 9/2007, sau trận hòa đáng thất vọng với Rosenborg trong khuôn khổ Champions League ở Stamford Bridge, ông đang nhận được lời mời trở lại. Mourinho đã từ chối vào mùa hè năm ngoái khi Abramovich đưa ra đề nghị chỉ vài tuần sau khi Chelsea vô địch Champions League tại Munich. Họ đã lại là bạn bè, gác qua một bên những khác biệt sau khi nhà tài phiệt người Nga chi 18 triệu bảng để tống cổ Mourinho và toàn bộ BHL của ông.
Trở lại là thách thức cực lớn
Quan hệ với Abramovich xấu đi khi Mourinho không thể sử dụng thành công Andriy Shevchenko sau hợp đồng kỷ lục đưa tiền đạo người Ukraina về từ AC Milan. Mourinho cũng nói về một số cầu thủ “không thể đụng đến”, bao gồm Shevchenko và một nhóm những kẻ cứng đầu khó bảo, một đám kiêu binh thật sự, John Terry, Frank Lampard và Michael Ballack.
Hiện giờ, đó có lẽ không còn là vấn đề nữa. Ballack và Shevchenko đã ra đi. Terry và Lampard không chắc tương lai của mình ở Stamford Bridge. Tuy nhiên, Chelsea lúc này vẫn rất rắc rối, thiếu cá tính và bản sắc, thay đổi quá nhiều, như cách họ thay HLV. Ngay cả với Mourinho, khôi phục lại Chelsea như dưới thời của ông trước kia là một nhiệm vụ không hề dễ dàng. Mùa trước họ thậm chí không chen nổi vào tốp 4, xếp sau Newcastle.
Sức mạnh tài chính của đội bóng áo xanh cũng không còn áp đảo nữa. Man City lúc này giàu hơn họ ở Premier League. Ở châu Âu, Real Madrid và PSG cũng đang mua sắm điên cuồng. Juan Mata, Eden Hazard và Oscar là những tài năng xuất chúng, nhưng không phải là những mẫu cầu thủ phù hợp với phong cách của Mourinho. Ông luôn ưa thích những người chuyên nghiệp, bền bỉ, có nhiều chất thép hơn là chất nghệ sĩ. Lampard, Drogba, Terry, Petr Cech, bộ khung áo xanh vô địch dưới thời ông đều là những người như thế.
Ngoài ra, thay đổi bộ mặt Chelsea hiện giờ sẽ cần một cuộc đầu tư lớn nữa, điều mà ngay cả nếu Abramovich chấp nhận, thì luật công bằng tài chính sắp có hiệu lực của UEFA cũng sẽ khiến Mourinho lâm vào tình cảnh khó khăn. Vì tất cả những lý do đó, trở lại Chelsea, sẽ là thách thức lớn nhất trong sự nghiệp HLV của Mourinho.
Trần Trọng
Thể thao & Văn hóa
5 Mourinho có thể nói trôi chảy 5 thứ tiếng là Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, và Anh. Ngoài ra, ông còn có thể giao tiếp bằng tiếng Catalán. 73 Real Madrid vẫn là đội bóng mà Mourinho dẫn dắt có hiệu suất chiến thắng cao nhất với 73%. Tiếp theo mới đến Porto (72,58%). Chelsea chỉ xếp thứ ba với 67%. 150 Mourinho vẫn đang giữ kỷ lục 150 trận liên tiếp không thua sân nhà ở giải VĐQG khi ông dẫn dắt Porto (38), Chelsea (60), Inter Milan (39) và 14 (Real Madrid) |
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất