Tại sao tất cả giành giật Guardiola?

07/11/2012 19:01 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần)- Cuộc đua giành chức vô địch Premier League mùa này đã định hình thế "tam mã", hứa hẹn sẽ căng thẳng và khốc liệt. Nhưng có một cuộc đua khác còn thú vị hơn, hội tụ tứ đại gia là Manchester United, Manchester City, Chelsea và Arsenal. Họ tranh đấu vì một cái tên: Pep Guardiola.



Guardiola từng đánh bại Sir Alex của M.U trong hai trận chung kết Champions League- Ảnh Getty

Ngày 20/9/2007, Jose Mourinho bị Chelsea sa thải. Người ta đồn rằng, suốt một tháng sau đó, mỗi ngày "Người đặc biệt" nhận được khoảng 50 cuộc điện thoại. Nhưng ở Premier League lúc bấy giờ, chỉ mình Tottenham muốn có Mourinho. Tottenham khi đó đang rơi vào cuộc khủng hoảng và quyết đẩy Martin Jol ra đường. Vừa biết tin Mourinho rời khỏi Stamford Bridge, Chủ tịch Daniel Levy của Tottenham đã gọi cho huấn luyện viên người Bồ Đào Nha 20 lần ngày hôm đó. Tất nhiên, trong ngày đen tối của sự nghiệp, điện thoại của Mourinho "ngoài vùng phủ sóng".

Chưa bao giờ người ta thấy một huấn luyện viên thất nghiệp được săn đón như Mourinho. Nhưng năm năm sau, độ "sốt" ấy vẫn chưa là gì so với Pep Guardiola, đối thủ lớn nhất của Mourinho.

Tottenham hiện không cần hoặc không đủ tiềm lực, sức hút để "mơ" về Guardiola. Nhưng những đại gia của bóng đá Anh đều đang trải thảm đó chào đón huấn luyện viên người Tây Ban Nha.

M.U: Sir Alex đã "chấm" Guardiola



Guardiola và Begiristain, tân GĐTT của Man City, từng gặt hái nhiều thành công ở Barca trước đây- Ảnh Getty

Một tuần về trước, Phó chủ tịch M.U Ed Woodward tiết lộ rằng câu lạc bộ đã xác định "hình mẫu huấn luyện viên" thay thế Sir Alex Ferguson. Nhiều khả năng, Sir Alex dẫn dắt M.U tối đa hai mùa nữa mà thôi, và trong trường hợp tìm được người thay thế lý tưởng, vị huấn luyện viên đã sang tuổi "thất thập cổ lai hy" này sẵn sàng rút lui sớm để an hưởng tuổi già. Mang tiếng là M.U tìm kiếm, nhưng công việc này thực ra là của mình Sir Alex. Là một tượng đài của sân Old Trafford, ông có toàn quyền chọn người thay thế.

Từ giới chủ Mỹ đến ban lãnh đạo và các cổ động viên M.U đều chờ đợi Sir Alex Ferguson thứ hai. Mẫu huấn luyện viên ấy phải có kinh nghiệm đáng kể, từng làm việc ở câu lạc bộ lớn, từng chinh phục các danh hiệu cao quý, có thể thiết lập kỷ luật và xây dựng tính ổn định trong phòng thay đồ, biết phát huy sức mạnh của lò đào tạo trẻ, trọng dụng những tiềm năng và trên tất cả, có ý muốn cũng như tài năng để mang đến thành công lâu dài cho M.U.

Sir Alex từng rất thích Mourinho. Họ vừa là đối thủ, vừa là bạn. Mỗi lần gặp Sir Alex, Mourinho đều tặng cho ông chai rượu vang thượng hạng. Nhưng vấn đề của Mourinho là ông không thích sử dụng các tài năng trẻ câu nhà lá vườn và chưa bao giờ có ý định gắn bó lâu dài với một đội bóng. Bên cạnh đó, huyền thoại Bobby Charlton của M.U vốn không thích Mourinho. Ông tin rằng những hành động tai tiếng và lời nói kiêu ngạo của Mourinho có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và thương hiệu mang tính toàn cầu của M.U.

Sau khi Mourinho bị gạch tên, Guardiola được xem là ứng viên hợp lý duy nhất. Báo chí Tây Ban Nha đưa tin Sir Alex đã trực tiếp gặp Guardiola ở New York hồi mùa hè vừa qua. Theo ESPN, Giám đốc điều hành David Gill và một thành viên của gia đình Glazer cũng đã ăn tối với cựu huấn luyện viên Barca. Một nguồn tin nội bộ của M.U cho biết đó là cuộc gặp mặt không chính thức, nhưng họ đã thảo luận về "tương lai".

Sau khi trở thành huấn luyện viên thành công nhất trong lịch sử Barca, nếu có thách thức nào lớn hơn dành cho Guardiola, đó chính là kế thừa chiếc ghế của Sir Alex ở Old Trafford.

Man City: Lá bài Txiki Begiristain



Guardiola đã bị Di Matteo của Chelsea đánh bại ở mùa trước- Ảnh Getty

Chủ nhật vừa rồi, Man City đã bổ nhiệm Txiki Begiristain vào cương vị giám đốc thể thao. Begiristain, 48 tuổi, từng là tuyển thủ Tây Ban Nha, khoác áo Barca bảy năm và sau này đảm nhiệm cương vị giám đốc thể thao ở Camp Nou. Begiristain trước mắt phụ trách vấn đề chuyển nhượng cầu thủ của Man City. Nhưng nếu chỉ là thế, Man City đã không mạo hiểm xáo trộn ban lãnh đạo, đẩy Brian Marwood sang phụ trách khâu đào tạo cầu thủ trẻ để lấy chỗ cho Begiristain.

Báo chí Tây Ban Nha và Anh cho rằng Begiristain được xem là lá bài để Man City chiêu mộ Guardiola. Chính Begiristain là người chọn Guardiola sau khi Frank Rijkaard rời khỏi cương vị huấn luyện viên năm 2008. Quyết định bất ngờ, can đảm nhưng sáng suốt ấy của Begiristain đã giới thiệu cho thế giới bóng đá một trong những huấn luyện viên xuất sắc và nhiều cá tính nhất. Người ta cho rằng sau khi Begiristain rời Camp Nou và Joan Laporta rút khỏi vị trí chủ tịch Barca, Guardiola bắt đầu cảm thấy bầu không khí nặng nề và cuộc sống mệt mỏi ở Barcelona.

Man City bổ nhiệm Begiristain đúng vào thời điểm huấn luyện viên Roberto Mancini gây thất vọng lớn ở mùa này. Dù vẫn là ứng viên cho chức vô địch Premier League, Man City thi đấu bê bết ở đấu trường Champions League và nhiều khả năng lại không vượt qua vòng bảng mùa này. Trong khi đó, Guardiola đã giành hai chức vô địch Champions League trong bốn năm dẫn dắt Barca.

Trong hai mùa gần đây, Man City sử dụng lối chơi khá giống với Barca, sở hữu những cầu thủ có kỹ thuật cá nhân khéo léo như các cầu thủ Barca. Guardiola sẽ cảm thấy không xa lạ nếu ông ngồi vào chiếc ghế huấn luyện viên ở Man City.

Nhưng có một rào cản: Những ngôi sao của Man City quá... "ngôi sao". Mario Balotelli bất trị. Carlos Tevez hay nổi loạn. Samir Nasri khó bảo. Edin Dzeko không hề hiền lành. Guardiola lại không thích làm việc với những cầu thủ có cái tôi quá lớn như thế. Đó là lý do ông từng đẩy Samuel Eto'o và Zlatan Ibrahimovic khỏi Camp Nou. Các học trò của Guardiola trước đây đều rất hiền lành và "dễ báo như cừu" (lời của Ibrahimovic), dù đó là Quả bóng vàng Lionel Messi, những nhà vô địch World Cup và EURO như Xavi, Andres Iniesta, đội trưởng kỳ cựu Carles Puyol hay chân sút số một Tây Ban Nha David Villa.

Nếu Guardiola chọn Man City, Begiristain chắc chắn có vai trò rất lớn, chứ không chỉ là sức mạnh của đồng tiền. Nhưng khả năng này không hề cao khi Guardiola vốn rất coi trọng yếu tố truyền thống.

Chelsea: Giấc mơ của Abramovich

Sau những danh hiệu ban đầu với Mourinho, ông chủ Roman Abramovich luôn muốn biến Chelsea thành đội bóng đá đẹp mắt, cống hiến. Mourinho phải rời Stamford Bridge vì Chelsea đá quá thực dụng và khô khan dưới thời của ông. Năm 2008, Felipe Scolari được chọn vì huấn luyện viên người Brazil hứa hẹn về thứ bóng đá "sexy". Abramovich chọn Carlo Ancelotti vì Milan của ông vừa đá đẹp, vừa gặt hái được nhiều danh hiệu.

Mùa trước, Abramovich đã hoàn thành bộ sưu tập danh hiệu khi Chelsea dưới sự dẫn dắt của Roberto Di Matteo chinh phục đỉnh cao Champions League. Chelsea ấy đã gặt hái thành công nhờ thứ bóng đá thực dụng còn hơn thời Mourinho. Về lý thuyết, không ai thay đổi công thức chiến thắng. Nhưng vì giấc mơ của Abramovich, Chelsea đã thay đổi triết lý ở mùa này, chơi đẹp mắt hơn, cống hiến hơn, hào hoa hơn. Trước đây, những cầu thủ của Chelsea đá thiên về sức mạnh, có thể hình cao to. Nhưng bây giờ, họ trọng dụng những cầu thủ nhỏ con, mỏng cơm nhưng rất khéo, như Eden Hazard, Oscar và Juan Mata.

Một câu hỏi: Di Matteo muốn thay đổi triết lý của mình hay Abramovich ép ông phải thay đổi? Một số nguồn tin cho rằng, nhằm lôi kéo Guardiola, Abramovich muốn Chelsea thay đổi hình ảnh, lối chơi. Nguồn tin khác khẳng định Chelsea mua Hazard và Oscar, những cầu thủ có thể đá tiki-taka, là theo đề xuất của... Guardiola (?)

Dù thế nào, Abramovich không hề quá tin tưởng vào tài năng của Di Matteo bất chấp huấn luyện viên người Italia đã mang lại chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử câu lạc bộ. Điều này được thể hiện qua bản hợp đồng ký kết hồi mùa hè vừa qua. Theo đó, Di Matteo chỉ được ký hai năm, kèm theo điều khoản Chelsea có thể kết thúc hợp đồng sau một năm mà không đền bù quá nhiều. Nên nhớ rằng, các huấn luyện viên chính thức của Chelsea trước đó đều được ký ba năm trở lên.

Di Matteo chỉ có thể giữ vững chiếc ghế huấn luyện viên sau mùa này nếu Chelsea trở thành đội đầu tiên trong lịch sử bảo vệ thành công chức vô địch Champions League hoặc đăng quang ở Premier League (cả hai thì càng tốt). Nếu không, nhiều khả năng ông phải ra đi, như số phận của Mourinho hay Ancelotti trước đây.

Nhưng sự "tàn nhẫn" của Abramovich cũng chính là điều khiến Guardiola phải cân nhắc. Những đề án, kế hoạch dài hạn của ông có thể bị Abramovich giẫm đạp chỉ sau vài tháng, như từng xảy ra với Andre Villas-Boas mùa trước.

Arsenal: Triết lý của Wenger



Triết lý của Guardiola có nhiều nét tương đồng với Wenger của Arsenal- Ảnh Getty

Như M.U, Arsenal đã bắt đầu tìm kiếm người thay thế Arsene Wenger. Hợp đồng giữa Arsenal và Wenger sẽ hết hạn vào mùa hè tới. Trong trường hợp Wenger muốn rút lui sau gần 17 năm “trị vì”, ban lãnh đạo Arsenal sẽ đặt vấn đề với Guardiola. Hiếm huấn luyện viên nào thích hợp thay thế Wenger như Guardiola. Ở chiều ngược lại, hiếm câu lạc bộ nào thích hợp với Guardiola như Arsenal.

Trước khi nước Anh rộ lên phong trào tiki-taka, Arsenal đã được xem là phiên bản của Barca tại Premier League. Triết lý của Wenger có nhiều nét giống với triết lý của Guardiola. Không phải vô cớ mà Guardiola rất thích chiêu mộ các học trò của Arsenal. Hay ở chiều ngược lại, Arsenal rất trọng dụng các tài năng trẻ xuất thân từ lò La Masia. Gạch nối Cesc Fabregas chính là ví dụ điển hình nhất.

Lựa chọn của Guardiola? Nếu cần luồng gió mới, Guardiola sẽ cân nhắc Chelsea và Man City. Nếu muốn "hưởng thụ", ông có thể đến Arsenal. Nhưng với Guardiola, lý tưởng và phù hợp nhất có lẽ là M.U. Dù thế nào, câu trả lời chỉ có vào mùa hè sang năm.

Điểm chung giữa Wenger và Guardiola là họ rất trọng dụng các tài năng trẻ từ lò đào tạo. Ở Barca, hàng loạt tài năng trẻ từ lò La Masia đã vươn lên tầm đẳng cấp cao sau khi được Guardiola trọng dụng. Ở Arsenal, Wenger đã biến hàng loạt cầu thủ vô danh thành những ngôi sao hàng đầu thế giới. Trên thế giới hiện tại, lò đào tạo của Arsenal có lẽ chỉ kém mỗi La Masia mà thôi.

Với chính sách thắt lưng buộc bụng, ban lãnh đạo Arsenal không cần những danh hiệu. Nhưng để mở rộng thị trường và kinh doanh, họ cần Arsenal duy trì lối chơi đẹp mắt, cống hiến như dưới thời Wenger. Guardiola đủ sức đáp ứng điều này.

Ở chiều ngược lại, Guardiola sẽ cảm thấy thoải mái khi sức ép ở Arsenal không quá lớn. Là một huấn luyện viên đã giành cả núi danh hiệu, Guardiola có thể cảm thấy mệt mỏi khi luôn sống dưới sức ép. Trong những tháng cuối cùng ở Barca, Guardiola thậm chí có dấu hiệu trầm cảm. Trong một cuộc họp báo, ông thậm chí không kiểm soát được bản thân, chỉ trích Mourinho cay nghiệt. Đây được xem là nguyên nhân lớn nhất khiến ông quyết định rời Camp Nou, chứ không phải vì Barca đã thất bại tại Champions League và Liga mùa trước.

Đức Lộc


Bài học Rijkaard

Không nhiều huấn luyện viên gặt hái được thành công sau khi rời Barca. Sau khi rời Barca vào năm 1997, với Cúp Nhà Vua và Cúp C2, huấn luyện viên quá cố người Anh Bobby Robson không giành được thêm danh hiệu nào. Louis van Gal từng giành hai chức vô địch Liga vào cuối thế kỷ 20 và được xem là một trong những huấn luyện viên thành công của Barca. Từ đó đến nay, ông không thể thành công hơn. Tiền nhiệm của Guardiola, Frank Rijkaard, từng được cả châu Âu săn đón sau khi giúp Barca vô địch Champions League mùa 2006-07. Nhưng sau khi rời Camp Nou vào năm 2008, sự nghiệp của ông khá lận đận. Chiến lược gia người Hà Lan này đến Galatasaray và bị sa thải một năm rưỡi sau đó. Bây giờ, ông phải tìm đến châu Á, dẫn dắt đội tuyển Saudi Arabia.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm