09/12/2019 22:20 GMT+7
(lienminhbng.org) - Đánh bại cả Tottenham lẫn Man City trong vài ngày, leo lên thứ 5 trên BXH và chỉ cách vị trí dự Champions League 5 điểm. MU liệu đã thực sự hồi sinh?
Từ khi Ole Gunnar Solskjaer cầm quân, MU đã hơn 1 lần gây ấn tượng mạnh và gợi cảm giác họ đang hồi sinh. Như khởi đầu huy hoàng lúc Ole mới đang “thử việc” với chuỗi 11 trận đầu tiên bất bại ở các giải trong đó có tới 10 trận thắng. Ngay sau đó là chuỗi 5 trận bất bại trong đó có 2 chiến thắng gây tiếng vang trước Chelsea và PSG cùng trận hòa Liverpool.
Những bài học nóng hổi
Nhưng sau những chuỗi trận thăng hoa ấy là gì? Là những thất bại khó tin. Là một chuỗi những kết quả tồi tệ trước những đối thủ bị đánh giá thấp hơn. Thứ bóng đá tấn công hừng hực khí thế biến mất. Lối chơi phòng ngự chắc chắn cũng chẳng thấy đâu. Những cá nhân nổi bât mới chơi như lên đồng những trận trước đó bỗng trở nên tầm thường đến kì lạ.
Những hi vọng về một cuộc hồi sinh dưới triều đại Ole nhanh chóng tan biến như bong bóng xà phòng. Nếu chuỗi 11 trận bất bại liên tiếp khi Ole mới chân ướt chân ráo cầm quân ở Old Trafford hay thành tích bất bại 16/17 trận đầu tiên dưới triều đại Ole sau đó chẳng đi đến đâu thì lấy cơ sở nào để tin rằng MU của hiện tại đang thực sự hồi sinh sau hai chiến thắng trước Tottenham và Man City chỉ trong ít ngày?
Chuyện MU chơi tốt trong các trận đấu được liệt vào dạng “khó”, trước các đối thủ mạnh cũng không phải chuyện lạ mùa này. Trước khi đánh bại Tottenham và Man City, Quỷ Đỏ từng đánh bại Chelsea 2 lần (giải Ngoại hạng, cúp Liên đoàn), cầm hòa Liverpool, hạ gục Leicester.
Nhưng sau những kết quả ấn tượng ấy, mọi chuyện lại đâu vào đấy. MU thực tế không hề biến những kết quả tích cực ấy thành bước đà để duy trì sự ổn định, kéo dài chuỗi trận thăng hoa mà nhanh chóng khiến các fan vỡ mộng với những kết quả tệ hại khó tin sau đó khi gặp những đội bị đánh giá thấp hơn.
Chỉ biết phản công, chỉ làm việc “khó”?
Nét chung trong các trận MU giành được những kết quả tích cực trước Chelsea, Liverpool, Man City, Leicester, Tottenham từ đầu mùa là gì? Đấy là những trận họ chơi theo kiểu của đội “cửa dưới”, chủ yếu đá phòng ngự phản công, kiên nhẫn chờ cơ hội, chấp nhận để đối phương cầm bóng nhiều hơn.
Nhưng đâu phải đội nào cũng tấn công mạnh, cũng chủ động gây áp lực để MU có cơ hội… phản công? Và khi buộc phải tấn công chủ động để khoan phá bế tông, buộc phải đóng vai đội “cửa trên”, chơi tấn công để tìm bàn thắng, MU bỗng trở nên lúng túng, bế tắc đến kì lạ và phòng ngự cũng sơ hở hơn nhiều.
Mỗi lần như thế, tất cả những phẩm chất được thể hiện trong các trận “khó” như sự tập trung trong phòng ngự, ý chí chiến đấu, sự sắc bén trong các pha phối hợp bóng và tận dụng cơ hội bỗng biến đi đâu mất. Trên ghế HLV, Ole chỉ biết chau mày, buồn bực. Dưới sân, các cầu thủ không hiểu chuyện gì xảy ra và tại sao lại như vậy.
Đã có quá nhiều trận đấu thất vọng kiểu ấy mùa này và chinh những thất bại ấy khiến giới chuyên môn không tin MU hồi sinh được. Một năm sau khi Ole ở đây, họ không thay đổi nhiều.
Hàng thủ đã được tăng cường nhưng chưa hề mang lại cảm giác an toàn cao dù gặp đội mạnh hay yếu. Tuyến giữa vẫn thiếu nhân tố sáng tạo, những tiền vệ làm bóng và tổ chức lối chơi đẳng cấp. Hàng công Rashford đang chơi mùa giải có lẽ là tốt nhất của mình nhưng Martial mong manh tựa pha lê còn Lukaku đã rời đi khiến Ole chỉ biết trông chờ vào Rashford.
Một đội bóng như thế hồi sinh bằng cách nào? Chỉ bằng ý chí, bằng quyết tâm và bóng đá phản công? Hay các cầu thủ đang “thương” Ole mà cố đá vài trận hay hay vì ngay trước chiến thắng ở derby Manchester có tin nói ban lãnh đạo MU đã thăm dò ý kiến cầu thủ về chuyện sa thải Ole hay không và họ được cho là muốn ông tại vị?
Video clip highlights Man City 1-2 MU. Nguồn: Man City FC
Trọng Tuệ
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất