M.U không cần một Xavi

04/02/2013 19:11 GMT+7

(lienminhbng.org) - Tuyến tiền vệ, vốn được coi là cầu nối của một đội bóng, tiếp tục chơi tệ trong ngày Manchester xây thêm một nấc thang vững chắc nữa đến ngai vàng của bóng đá Anh. Sir Alex không cần một mẫu “số 8” cỡ Xavi để thành công?

1. Michael Carrick, trong trận thứ 200 của anh cho M.U tại Premier League, chơi ở mức tròn vai, trong khi anh được coi là người phân phối bóng tốt nhất của đội áo đỏ lúc này. Tom Cleverley chơi quá tệ, chuyền hỏng nhiều và đưa ra các quyết định xử lý không hợp lý (chẳng hạn, anh cầm bóng quá lâu khi đội phản công, và lại nóng vội khi cần giảm nhịp độ).



Xavi là tiền vệ xuất chúng nhưng Sir Alex chưa cần đến anh - Ảnh Getty

Hai tiền vệ trung tâm không thực sự làm tốt công việc của mình, nhưng Carrick đã chơi hết trận, còn Cleverley chỉ ra sân ở phút 75, nhường chỗ cho Ryan Giggs, vốn lên đỉnh cao trong vai trò tiền vệ cánh, nhưng lại chuyển vào vòng tròn giữa sân khi về già.

Trên băng ghế dự bị trận thắng Fulham còn Anderson, nhưng tiền vệ này quá ham tấn công mà thiếu đi sự tỉnh táo cần thiết khi đội cần giữ nhịp. Anh cũng không được Sir Alex đưa vào sân, ngay cả trong một số thời điểm M.U không còn giữ được thế chủ động ở giữa sân.

Tuyến tiền vệ của đội áo đỏ gần như không tạo ra được sức bật cần thiết để các tiền vệ cánh và tiền đạo xâm nhập 30 mét cuối cùng của đối phương. Ngay cả vai trò giữ nhịp họ cũng hoàn thành chỉ ở mức trên trung bình. Hàng tiền vệ của M.U chỉ có tác dụng phân phối bóng thật nhanh ra hai biên, hoặc trả về cho các hậu vệ cánh kết hợp với các tiền vệ cánh để phát triển bóng.

M.U đã chơi như thế không chỉ ở trận gặp Fulham, và không chỉ ở mùa giải này. Họ chơi như thế trong hơn nửa thập kỷ qua, mà vẫn chiến thắng và thành công.

2. Sau trận chung kết Champions League vào tháng 5/2011, M.U thua Barca 1-3, Sir Alex Ferguson không nói về Messi, mà chỉ ca ngợi Xavi và Iniesta: “Tôi không nghĩ họ từng để mất bóng trong đời”.

Trận ấy, Xavi đã thực hiện tổng cộng 148 đường chuyền, chỉ hỏng 7 lần, một kỷ lục Champions League. Anh đã chạy 11 cây số trong trận, và tham gia vào mọi ý tưởng tấn công của Barca. Riêng với Iniesta, Sir Alex chỉ biết thốt lên: “Cách cậu ta chuyền bóng, di chuyển và tạo ra các khoảng trống là thật phi thường!”.

2 lần là nạn nhân của các tiền vệ nhỏ bé ấy (trước đó là tại Roma 2009), Sir Alex hiểu rõ rằng M.U thua đối phương ở điểm nào. Nhưng chỉ một lần duy nhất trong 10 năm qua, báo chí Anh đồn rằng ông muốn mua Xavi, vào cuối năm 2008. Mà lại trong trường hợp thay thế cho... Owen Hargreaves chấn thương.

Sir Alex cũng từng bảo rằng Paul Scholes là Xavi của M.U. Nhưng ngay ở thời kỳ đỉnh cao, tiền vệ này cũng không chơi theo kiểu Xavi. Các đường chuyền của anh thường là phân phối thật nhanh ra hai biên, chứ không tạo mạng lưới ở giữa sân để giữ bóng và cầm nhịp. Scholes cũng ít lùi sâu, mà sẵn sàng dâng lên như một quả đấm từ tuyến hai.

3. Trong 10 năm qua, Sir Alex chỉ mua một tiền vệ trung tâm đẳng cấp cao đúng nghĩa là Juan Veron, nhưng sau canh bạc thất bại này, ông không còn tìm kiếm một người xây nền lối chơi nữa. Wayne Rooney, vốn là tiền đạo, cũng từng được trưng dụng cho vai trò này. Ryan Giggs khi về già cũng được cho đá ở đây.

Paul Scholes được gọi lại sau gần một năm ngồi không tưởng như là quyết định cho thấy sự cấp thiết của tuyến giữa, nhưng đơn giản là Sir Alex chỉ cần một người già dơ và giàu kinh nghiệm hơn, không phải cần một nhà phân phối bóng đích thực (vì như đã nói, thời đỉnh cao, Scholes cũng chỉ là một “chuyên gia” phất bóng ra biên).

Cũng sau trận chung kết Champions League vào tháng 5/2011, Sir Alex nói thêm rằng “Barca là giấc mơ của hầu hết các HLV”, nhưng cũng khẳng định rằng mô phỏng đội bóng ấy là điều không thể: “Chúng tôi chỉ huấn luyện cầu thủ trẻ tối đa 1 tiếng rưỡi một ngày, trong khi Barca dạy họ mọi nơi mọi lúc”.

M.U, nạn nhân quen thuộc của Barca tại Champions League trong nửa thập kỷ qua, đã không đi theo con đường ấy. Sir Alex không đánh giá thấp vai trò của các tiền vệ trung tâm, nhưng ông đã xây dựng đội bóng theo cách của riêng mình, mà không cần phải dựa vào sức bật tuyến giữa.

Bằng cách ấy, M.U cũng đã lên ngôi ở Champions League 2008, và bây giờ, đang tiến đến chức vô địch Premier League thứ 20 trong lịch sử.

Phạm An
Thể thao & Văn hóa


 

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm