06/08/2019 07:47 GMT+7
(lienminhbng.org) - Chúng ta vừa có dịp xem những clip vô cùng chân thực về Wipha - cơn bão quét qua miền Bắc trong mấy ngày qua. Trong số ấy, 2 clip ghi lại cảnh những nạn nhân đang vùng vẫy giữa nước lũ đã lấy đi nước mắt của rất nhiều độc giả.
Clip đầu tiên ghi lại hình ảnh một phụ nữ đang chới với bám chặt cây chuối giữa bãi đất bồi, ngay dưới chân là cơn lũ đang cuồn cuộn chảy xiết. Gào thét kinh hoàng, bà không thể tìm được cách thoát thân khỏi cơn lũ và chỉ còn biết ghì chặt cây chuối để không sảy chân bị dòng nước cuốn đi.
Trường hợp thứ hai cũng là câu chuyện tương tự, về một người đàn ông đang thất thần bám chặt lấy một bụi cây giữa dòng nước xiết.
Hai clip ấy rất ngắn - và hai nhân vật chính rồi cũng được cứu thoát. Nhưng, chuyện không dừng ở đó. Phía sau những hình ảnh ấy là nỗi đau kéo dài - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng – của rất nhiều con người.
Người phụ nữ gào thét giữa dòng nước xoáy không chỉ hoảng sợ. Trước đó vài phút, chồng bà là một trong những người thiệt mạng vì cơn bão Wipha- khi bị nước lũ cuốn đi. Và, những hình ảnh đặc biệt ấy được ghi lại bởi cô cháu gái của bà. Cô đứng trên bờ, vừa quay, vừa khóc vì bất lực.
Còn ở clip thứ hai, người đàn ông gặp nạn đã phải bám trụ 10 tiếng liền giữa dòng nước xoáy – cho tới khi được cứu thoát. Đáng nói hơn, chàng thanh niên bơi ra cứu ông sau đó cũng rơi vào cảnh mắc kẹt giữa lũ, và phải mất thêm 6 tiếng đồng hồ để có thể vào bờ.
Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của những người cầm điện thoại quay phim: vừa quay, vừa bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng mình đang lưu giữ những hình ảnh cuối cùng về người thân đang vùng vẫy trong cơn tuyệt vọng. Khi ấy, chúng ta sẽ không còn xem clip về người gặp nạn với cảm giác hiếu kỳ.
Đến giờ, thống kê sơ bộ cho biết đã có khoảng 20 người chết và mất tích trong bão Wipha. Mà, đây mới chỉ là cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam trong năm nay.
***
Từ cả ngàn năm nay, câu chuyện về bão lũ đã vô cùng quen thuộc với mỗi cư dân Việt Nam. Quen thuộc, nhưng vẫn khiến người ta ám ảnh.
Bao giờ, những dòng tin ấy cũng dồn dập đến sau từng cơn bão, với những con số tăng dần về thiệt hại vật chất - cũng như tính mạng - của người dân ở mỗi địa phương. Để rồi, dù có là người bình tĩnh và điềm đạm đến mấy, cũng đến lúc chúng ta phải quặn lòng thương cảm với những đồng bào đang gặp nạn.
Và không chỉ có thế, trong mỗi dịp ấy, điều khiến người ta dễ rưng rưng chia sẻ nhất cũng chính là những câu chuyện về cách hành xử giữa con người với con người. Không phải bỗng dưng, mấy ngày qua, trên mặt báo và các diễn đàn đang tràn ngập thông tin về anh Thào Văn Súa, trưởng công an xã Nhi Sơn (Mường Lát, Thanh Hóa), người vừa tử nạn vì bị đất đá vùi lấp trong lúc tổ chức di dời nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Cũng như, ở một góc độ khác, đó là những tình cảm dành cho Phạm Bá Huy, chàng công nhân 26 tuổi ở Sơn Điện (Quan Sơn, Thanh Hóa) đã dũng cảm nhảy xuống dòng nước xiết để cứu người đàn ông bị mắc kẹt 10 tiếng (trong clip nhắc tới ở trên).
Họ chính là những tấm gương khiến không ít người phải nghĩ lại nếu đã từng hoài nghi rằng xã hội bây giờ còn có chỗ cho người tốt?
Trong thiên tai, điều gì cũng có thể xảy ra. Bão lũ sẽ còn lặp lại, như một chu trình tất yếu do những đặc thù về địa lý và địa hình của Việt Nam. Nhưng, cứ thế, vẫn sẽ chẳng ai trong chúng ta thấy thờ ơ và vô cảm mỗi khi bắt đầu nghe thông báo về một cơn bão mới.
Bởi trong những cơn bão ấy, rồi chúng ta sẽ lại thấy nỗi đau và hi sinh của những con người đang sống trên cùng một dải đất với mình.
Anh Bảo
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất