31/03/2018 07:26 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Đó là khi ngày tận số của chủ nghĩa phát xít không còn xa, hai năm sau lá cờ búa liềm sẽ tung bay trên đỉnh tòa nhà quốc hội Đức. Hitler điên cuồng tung hết tàn lực cuối cùng và đẩy nước Đức đến bờ vực thẳm. Một số sĩ quan muốn chặn nỗ lực máu me ấy và thuyết phục Hitler đến Smolensk - trên một chiếc phi cơ gài bom.
Hitler sẽ đến thăm mấy đơn vị Đức ở mặt trận hồi mùa Xuân 1943, sau đó lên máy bay riêng ở Smolensk, và nửa tiếng sau một tiếng nổ sẽ xé nát chiếc máy bay trong không khí.
Số mệnh có lối đi khó lường
Cái chết vì tai nạn của Hitler đồng thời cũng là cơ may tránh bị phát giác của những người ủ mưu, ít nhất một quãng thời gian quý báu. Và một khía cạnh nữa không hề được coi nhẹ, như một người tham gia vụ ám sát, Fabian von Schlabrendorff, sau chiến tranh nhấn mạnh: “Tâm lý ủy mị của người Đức sẽ khiến họ thương cảm các nạn nhân tai nạn”. Chính một số người căm ghét chủ nghĩa phát xít và quyết tâm bài trừ Hitler hồi ấy cũng lưỡng lự khá lâu.
Khoảng 3 giờ chiều 13/3/1943 chiếc Focke-Wulf 200 lăn bánh ra đường băng cạnh Bộ tư lệnh Tập đoàn quân Mitte và cất cánh về Berlin, trên đó là quốc trưởng Adolf Hitler và trái bom với ngòi nổ chậm làm bằng một ống thủy tinh chứa chất ăn mòn. Và “số phận Hitler được định đoạt” - theo lời của Schlabrendorff.
Lý do quả bom câm tịt, sau này được cho là một sự ngẫu nhiên, hoặc số hên của tên trùm đồ tể đã thoát hơn 40 cuộc mưu sát trong đời mình. Nhưng may mắn cũng mỉm cười với Schlabrendorff, không thì ông ta không thể kể lại ngọn ngành câu chuyện ly kỳ này sau Thế Chiến II.
Chuẩn bị dài hơi
Những cuộc bàn thảo đầu tiên đã diễn ra trước đó nhiều tháng trời trong nhóm các sĩ quan Đức. Với những thất bại liên tiếp trên đất Liên Xô, nhất là sau khi Hitler chống lại mọi lời can gián của hàng ngũ tướng lĩnh rồi ra lệnh cùng lúc chiếm lĩnh Stalingrad và Kavkaz, âm mưu phản loạn càng nhanh chóng chín muồi.
Ở thời điểm đó Schlabrendorff liên tục đi lại giữa mặt trận phía Đông và Berlin ở cương vị sĩ quan liên lạc giữa Hitler và Tập đoàn quân Mitte. Theo đề nghị của ông, người ta chọn Henning von Tresckow làm thủ lĩnh nhóm làm phản. Tresckow xuất thân từ một gia đình quý tộc Phổ với những sĩ quan kiệt xuất, ban đầu rất kính phục Hitler. Sau khi một sĩ quan bạn thân là Ernst Roehm bị Hitler ra lệnh tử hình vì nghi đảo chính, ông đổi vị trí sang nhóm chống đối và cũng ủng hộ phương án ám sát. Chính ông, khi bị điều đến mặt trận miền Đông, đã thu phục được một số người cùng ý chí, trong đó có em rể là Schlabrendorff.
Thời cơ thực sự đến khi Hitler đại bại ở Stalingrad và bị coi là thủ phạm nướng trọn 60.000 lính. “Mùa Đông, bụng đói và vũ khí hùng mạnh của Nga đã đẩy hàng vạn người vào cái chết thảm thương” - sau này Schlabrendorff đã viết lại. “Xét cho cùng, những mất mát ấy đến từ sự điên rồ của một gã nghiệp dư muốn thủ vai nguyên soái”.
Quyết tâm của nhóm phản kháng đã rõ: Hitler phải bị trừ khử. Nhưng bằng cách nào? Họ nghĩ kế “điệu hổ ly sơn” và Tresckow dụ được chỉ huy trưởng của mình là Guenther von Kluge mời Quốc trưởng đến thăm Bộ chỉ huy tiền phương trong rừng gần Smolensk.
Hai chai cognac cho đại tá Stieff
Sau nhiều lần nhận lời rồi lại hoãn, ngày 13/3/1943 Hitler cũng xuất hiện. Vì nhiều lý do khác nhau, Kluge cấm các sĩ quan của nhóm mình bắn Hitler ở bàn ăn. Vậy là Tresckow phải chuyển qua kế hoạch dự phòng mà chỉ mình ông và Schlabrendorff biết. Quả bom và ngòi nổ chậm đã được chuẩn bị sẵn sàng. Đó chính là vật liệu mà không quân Anh thả dù cho gián điệp của mình và do lính Đức thu được, rất dễ sử dụng. Tresckow và Schlabrendorff tập đi tập lại nhiều lần, sau đó họ gói hai quả bom vào một gói có độ lớn như hai chai cognac.
Trong bữa ăn tiễn chân Hitler, Tresckow nhờ sĩ quan tuỳ tùng Heinz Brandt đem về Berlin hai chai cognac làm quà tặng cho đại tá Hellmuth Stieff. Brandt nhận lời. Sau khi phi cơ rời mặt đất, Tresckow và Schlabrendorff hồi hộp đợi tin và nhận được điện báo Hitler đã về đến tổng hành dinh yên ổn!
Giờ thì họ phải tính đến khả năng bị lộ, vì đại tá Stieff dĩ nhiên không biết gì về “hai chai cognac” gửi cho mình! Tresckow gọi điện xin lỗi Brandt, nhờ giữ lại gói quà vì có sự nhầm lẫn. Sáng hôm sau Schlabrendorff bay về Berlin, nhận lại gói quà. Ông mở gói và nhận ra nguyên nhân khiến bom không nổ: gói quà để trong bụng máy bay và bị nhiệt độ thấp cản trở quá trình kích hoạt. Nước Nga, hay đúng hơn là mùa Đông Nga đã vô tình cứu mạng kẻ thù lớn nhất của mình!
Smolensk - mảnh đất không lành
Tresckow không bỏ cuộc. Ông tổ chức cho Schlabrendorff gặp Rudolf-Christoph Freiherr von Gersdorff ở khách sạn Eden để trao nhiệm vụ cho Gersdorff trực tiếp tấn công cảm tử trong ngày 21/3 sắp tới, khi Hitler đến thăm cuộc triển lãm vũ khí mà Đức thu được của Hồng quân Liên Xô.
Theo chương trình, Hitler sẽ nghe đích thân Gersdorff giới thiệu các chiến lợi phẩm khoảng 20 phút. Gersdorff giấu bom trong bụng sau khi đặt ngòi nổ để bom phát hoả vào phút thứ 10 ở phòng triển lãm.
Lại một lần nữa Hitler tỏ ra quá “nặng vía” khi không thèm ngắm mấy thứ súng đạn nằm lăn lóc ở đó và rảo bước đi khỏi triển lãm sau 2 phút! Gersdorff chỉ còn cách chạy vào phòng vệ sinh để tháo ngòi nổ. Hôm sau Tresckow dự đoán sẽ lộ và tự sát bằng lựu đạn. Schlabrendorff bị bắt nhưng thoát chịu án vì không có bằng chứng, tuy nhiên vẫn bị đẩy vào trại tập trung Nam Tirol. Trại này được quân Đồng minh giải phóng năm 1945.
Một năm sau Schlabrendorff xuất bản cuốn Các sĩ quan chống Hitler - tài liệu đầu tiên về phong trào chống chế độ Đức quốc xã trong quân đội. Trong nhóm này, ngoài Schlabrendorff và Gersdorff, ít ai sống sót. Gersdorff, sau cuộc tấn công cảm tử bất thành, quay về đơn vị cũ. Tình cờ người dân phát hiện ra một ngôi mộ tập thể lớn trong rừng, gần Katyn, và khi tuyết tan Gersdorff được trao nhiệm vụ giám sát cuộc khai quật. “Qua quân phục và đồ dùng, chúng tôi nhận ra đó là lính Ba Lan” - ông kể lại cho Schlabrendorff.
67 năm sau cuộc ám sát Hitler bất thành, Smolensk lại phải chứng kiến một biến cố mới. Chiếc máy bay chở tổng thống Lech Kaczynski và nhiều thành viên chính phủ Ba Lan bị rơi trên đường đến dự lễ tưởng niệm binh sĩ Ba Lan bị sát hại ở Katyn. Cho đến hôm nay, Ba Lan vẫn cho đó là một vụ mưu sát…
Lê Quang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất