'Mưa miền đất mặn' - tự khúc về những hoài niệm xa xôi

14/05/2021 19:22 GMT+7 | Văn hoá

Chú thích ảnh

(lienminhbng.org) - Sau giải Khát vọng Dế Mèn 2020 dành cho bản thảo tập truyện ngắn Mộng giang hồ, thầy giáo tiểu học Nguyễn Chí Ngoan đã cho ra mắt Mưa miền đất mặn (NXB Kim Đồng, 2021). Cuốn sách mỏng tầm trăm trang, gói gọn trong đó 20 tản văn về đời sống của những người con miền quê Tây Nam bộ. Dù mỏng, nhưng đây chắc chắn không phải cuốn sách mà ta có thể đọc nhanh.

'Mộng giang hồ': Một hy vọng ấm áp cho văn và đời?

'Mộng giang hồ': Một hy vọng ấm áp cho văn và đời?

Mộng giang hồ là một tập truyện dung lượng tương đối mỏng, song là một tập truyện khá hoàn chỉnh và có sức nặng ở Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn cho một cây bút còn khá mới. Nó cho thấy đề tài đời sống “nhỏ” của các số phận người bình thường trong xã hội vẫn còn nhiều đất để khai thác, nhất là cuộc sống của trẻ thơ và lứa thiếu niên ở các làng quê.

Trung thành với không gian miền quê sông nước, tác giả Nguyễn Chí Ngoan một lần nữa thành công trong việc họa lại bức tranh cảnh vật và đời sống sinh hoạt của con người miền Tây Nam bộ. Mưa miền đất mặn mở ra trước mắt người đọc khung cảnh của miền Tây xa xôi với những cánh đồng mênh mông rộn rã ngày mùa, với đám trẻ đi hái trái bần về nấu canh chua mỗi chiều, với những lu trữ nước ngọt dùng cho mùa hạn...

“Để trữ nước ngọt dùng cho mùa hạn, người dân Nước Mặn thường tận dụng tất cả những thứ gì có thể đựng được nước. Ngày ba má dọn ra ở riêng, ông bà nội cũng cho một cặp lu với miếng đất sau nhà. Những chiếc lu tròn bóng nhẵn cứ dọc ngang dưới nhánh sông quê, đến từng mái nhà, thôn xóm” (trích Mưa miền đất mặn).

Chú thích ảnh
Tác phẩm "Mưa miền đất mặn" của Nguyễn Chí Ngoan

Thế nhưng, nếu cho rằng Mưa miền đất mặn chỉ là tập hợp những trang viết cố gắng miêu tả chân thực đời sống của người dân quê thì quả thực là một nhận định sai lầm. Với lối dẫn dắt tự nhiên, gần gũi, tản văn của Nguyễn Chí Ngoan kể nhiều hơn tả, suy tưởng nhiều hơn là tái hiện, dù rằng để có thể suy tưởng được, chắc chắn nhà văn sẽ cần tái hiện lại từng câu chuyện, từng cảnh đời chìm nổi ấy. Và mạch ngầm liên kết những suy tưởng trong Mưa miền đất mặn chính là những mảnh ký ức cũ kỹ liên tục chắp nối với nhau, đan bện từ câu chuyện này sang câu chuyện khác.

Những mảnh ký ức ấy đi từ thời thơ ấu của đám trẻ con rủ nhau lên đồi lau chơi trò chơi cô dâu chú rể đến mùi hương tỏa ra từ chai rượu xoa bóp của ông; từ ánh đèn dầu leo lét mà đầm ấm đến ước mong mỗi tháng cúp điện 1 lần để cả nhà có cơ hội được quây quần bên nhau mà không ai chúi mắt vào ti vi hay điện thoại; từ những ngày dân trong xóm tụ tập hát cho nhau nghe đến những ngày mỗi nhà đều có sẵn một dàn loa “kẹo kéo” chơi hết mình...

Và tất cả khung cảnh đồng quê và nhữnh mảng ký ức nối liền ấy đều như chiếc xuồng ba lá chở đầy nỗi suy tư của người cầm bút. Hiện lên rõ nhất trong những trang văn của Nguyễn Chí Ngoan là những khung cảnh đối lập giữa quá khứ và hiện tại, giữa thành thị và thôn quê. Trong câu chuyện của anh, có 1 người ba nói “gió từ chiếc quạt mo mát hơn nhiều, nó không có sức nóng của động cơ điện, cũng không làm hại mũi như máy lạnh”.

Trong câu chuyện của anh, người dân thôn quê hào sảng, chân chất, đầy ắp thương yêu là một điều rất khác biệt với những cư dân phố thị - những con người có lẽ vì lăn lộn áo cơm mà đã trở nên chai sạn, hay đã sống quá tiện nghi mà quên mất sự kết nối tự nhiên với thiên nhiên, cây cỏ. Sự đối lập ấy, Nguyễn Chí Ngoan gọi lên với cái tên “Những cuộc đứt lìa”, không phải là đứt lìa giữa những con người ở những không gian, thời gian khác nhau, bởi đó chỉ là nét biểu hiện; mà căn cốt chính là đứt lìa giữa con người với chính những cảm xúc chân thành của mình, vì“có lẽ bản năng con người sinh ra là để buồn, để khóc cười với cuộc sống chung quanh”.

Xét đến cùng, Mưa miền đất mặn là những trang văn chứa chan hoài niệm tuổi thơ và những ký ức đồng quê. Ký ức ấy không phải lúc nào cũng chỉ có niềm vui, khi đã có gia đình nhà nghèo đến mức phải đem cơm thiu phơi nắng cho khô rồi ngào đường thành kẹo để bọn trẻ con ăn cho đỡ đói, khi phải gom bán từng quả trứng vịt để có tiền nuôi con ăn học... Song những con người luôn biết quan tâm, yêu thương lẫn nhau lại là hoài niệm khó quên nhất trong lòng người con đất mặn. Bởi, “từ lúc lọt lòng, lũ trẻ ở Nước Mặn đã được dạy cách sống ngọt ngào, mặc kệ đất mặn khô cằn. Và hình như dù mùi mặn có thấm vào từng chân răng kẽ tóc, chúng tôi vẫn sống chan hòa với đất với người, như chính miền đất mặn vẫn thầm lặng nuôi lớn những khát khao”.

Nghĩ lại, viết tản văn có 2 kiểu,1 kiểu luôn có rất nhiều thông tin trong trang viết,1 kiểu lại dồn nén biết bao tình cảm. Điểm yếu của kiểu viết thứ nhất là dễ khô khan, còn điểm yếu của kiểu thứ 2 là trở nên ướt át. Thế nên, với “văn chương khô khan”, điểm sáng luôn là sự độc đáo của thông tin và những trường liên tưởng từ góc nhìn “khảo cổ”; còn với “văn chương ướt át”, nếu không có những ký ức đồng hiện, cảm xúc chân thành và đào sâu những suy tư, thì tất cả ngôn từ sáng tạo chỉ còn là bữa tiệc chữ sáo rỗng.Xét đến cùng, nói theo Lưu Hiệp, văn chương vẫn là tấc lòng gửi lại ngàn năm. Nếu từ đáy lòng không cất lên tiếng nói, thì ngôn từ chỉ là một sự màu mè không hơn.

Có đôi khi, người ta vừa có thểcụ thể hóa suy ngẫm của mình, lại vừa “chiếu” lại được cuộn phim ký ức với đầy xúc cảm. Khi đó, 1 tản văn hay ra đời. Và ta có thể xem Mưa miền đất mặn đã phần nào tiệm cận được tiêu chuẩn ấy.

Trường Khanh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm