26/09/2019 07:50 GMT+7 | Văn hoá
(lienminhbng.org) - Trải qua 10 thế kỷ tồn tại và phát triển, đến nay nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vẫn là nét đẹp văn hóa, phản ánh chân thực đời sống nhân văn, giản dị của người dân vùng Đồng bằng Bắc Bộ nói chung, người dân Kinh Bắc nói riêng. Múa rối nước Đồng Ngư không chỉ độc đáo bởi những tích trò mà còn cuốn hút người xem bằng những làn điệu dân ca quan họ mượt mà, đằm thắm, không làng múa rối nước nào có được.
Theo những người dân trong vùng truyền lại, nghề múa rối nước xuất hiện vào khoảng cuối thời nhà Lý, đã tồn tại và phát triển cho đến ngày nay khoảng 1.000 năm. Trong làng còn lưu giữ bức tượng phủ sơn nâu, làm bằng gỗ mít là tượng Tổ trò của làng, người đã có công truyền dạy và phát triển nghệ thuật rối nước Đồng Ngư. Hiện nay, Đồng Ngư là một trong 14 phường rối nước còn tồn tại và hoạt động trên cả nước.
Tương tự các địa phương khác, nghệ thuật rối nước Đồng Ngư điều khiển các con rối có những động tác giống con người làm ngôn ngữ biểu diễn trên nền nhạc như đang múa. Với mỗi phường rối, tích trò chính là cái hồn, cốt làm nên nét độc đáo, đặc sắc của mỗi vùng. Những tích trò truyền thống có mở, thân, kết, gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân như “Hái cau mời trầu”, “Đám cưới chuột”, “Vinh quy bái tổ”, “Quan họ màn giã bạn”… tạo được sự cuốn hút, hưởng ứng của người xem.
Ông Dương Văn Giáo, thành viên lớn tuổi nhất trong phường rối nước Đồng Ngư chia sẻ, khi còn nhỏ, vào những dịp hội làng, chỉ cần nghe tiếng trống hoặc tiếng tù và, người dân nô nức mang ghế, mang chiếu đến xem rối nước. Sau những màn biểu diễn của các cao niên trong làng, tiếng cười reo, tiếng vỗ tay vang lên giòn giã, hưởng ứng những tiết mục rối nước thú vị. Theo đó, ông Giáo đã xin theo nghệ nhân cao niên xin tham gia học múa rối nước, cùng góp tre, nứa… làm sân khấu và buồng trò; cùng đi khắp nơi theo học biên đạo, dựng vở, nhạc lý…
“Nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư lôi cuốn khán giả còn bởi những câu hát quan họ mượt mà, êm ái, đi vào lòng người. Những liền anh, liền chị bằng tiếng gõ nhịp nhàng trong từng câu hát đi mời trầu khán giả, thể hiện tình cảm, sự hiếu khách của người quan họ. Người yêu quan họ còn, múa rối nước Đồng Ngư còn trường tồn và lan tỏa”, ông Dương Văn Giáo cho biết.
Cũng theo ông Giáo, các phường múa rối nước khác thường điều khiển con rối bằng gậy, bằng sào nhưng người Đồng Ngư múa kết hợp giữa sào và dây. Qua đó, con rối có thể đi ra xa buồng trò, biểu diễn được nhiều động tác hơn nên đến gần với khán giả. Do đó, những con rối được chế tác tinh xảo hơn, bộ phận máy phức tạp hơn để di chuyển linh hoạt, mềm mại, thậm chí con rối có thể leo trèo bằng cả tay và chân. Chất liệu chủ yếu những con rối bằng các loại gỗ nhẹ, có thớ mịn và không có mấu như gỗ xoan, sung...
Ông Nguyễn Thành Lai, Trưởng phường rối nước Đồng Ngư, huyện Thuận Thành cho biết, trải qua chiến tranh loạn lạc, cuộc sống còn nhiều khó khăn, phường rối nước Đồng Ngư cũng dần bị mai một. Tuy nhiên, sức sống của múa rối nước Đồng Ngư thôi thúc những người yêu rối nước khôi phục lại nghề rối tổ truyền. Phường rối nước Đồng Ngư ra đời bằng sự đóng góp tinh thần và vật chất của người dân địa phương. Cụ thể, người thì góp công, góp sức, vận động từng nhà xin tre nứa, gỗ sung… làm con rối xưa; người già có kinh nghiệm dạy nhau cách biểu diễn sao cho đúng, cho hay...
Trải qua gần 30 năm khôi phục, đến nay phường rối nước Đồng Ngư đi biểu diễn khắp nơi. Mỗi năm phường rối đi diễn khoảng 40-50 lần, mang theo bản sắc quê hương đến mọi miền, quảng bá và lan tỏa Dân ca Quan họ Bắc Ninh. Sự kết hợp hài hòa giữa những điệu nhạc, câu quan họ và nghệ thuật truyền thần cho những con rối đã thể hiện được tâm tư nguyện vọng của người dân lao động nói riêng, người dân Kinh Bắc nói chung.
Cũng theo trưởng phường rối nước Đồng Ngư, một buổi biểu diễn rối nước hay kết hợp giữa 4 yếu tố: Con người, nghệ thuật múa, quân rối và thủy đình. Để có màn ra sân biểu diễn, hàng chục con người phải tập trung, thống nhất với nhau về tư tưởng, kết hợp nhuần nhuyễn, không quản ngại khó phục vụ nhân dân. Điều quan trọng nhất, tất cả “nghệ sĩ” phải “cảm giác” được sân khấu, dù có tập nhuần nhuyễn đến mấy nhưng khi diễn phải kết hợp tốt giữa tay, tai, mắt, kết hợp trên bờ và dưới nước ăn ý nhau, không được múa trước hát sau hoặc ngược lại.
Theo ông Nguyễn Thành Lai, khó khăn lớn nhất hiện nay của Phường rối nước Đồng Ngư trong khâu tìm nguồn nhân lực kế cận, tiếp thu được nét đẹp văn hóa, phát triển và lan tỏa rối nước đến mọi người. Do đó, Bắc Ninh cần có thêm những khóa đào tạo thiết thực hơn nữa, cha truyền con nối, để giữ gìn nghệ thuật ông cha để lại.
Anh Phạm Công Bằng, du khách đến từ thị trấn Tế Tiêu, huyện Mỹ Đức, Hà Nội sau khi xem xong buổi biểu diễn rối nước Đồng Ngư không khỏi trầm trồ, thán phục. Anh Bằng cho biết, nghệ nhân biểu diễn con rối uyển chuyển, kết hợp với quan họ Bắc Ninh. Đây là những điểm khác với rối nước Tế Tiêu. “Đặc biệt, rối nước Tế Tiêu mở màn bằng nhân vật ông lão kể chuyện thì rối nước Đồng Ngư mở màn với hình ảnh chú Tễu nhí nhảnh, vui nhộn, thu hút từ trẻ nhỏ đến người lớn tuổi”, anh Bằng chia sẻ.
Không chỉ bảo tồn và phát triển những tích trò cổ, những nghệ nhân biểu diễn nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư còn sáng tạo những tích trò mới, phù hợp với trẻ em và người xem, mang đến cho khán giả những tích trò mới vui nhộn như “Đám cưới chuột”, “Vòng lửa”, “Chú mèo con”, “Chú voi con ở Bản Đôn”… để múa rối nước Đồng Ngư còn trường tồn và vang danh mãi.
Thái Hùng/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất