Mục sở thị gà chín cựa nuôi ở Hà Nội

08/09/2014 15:08 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Ngay tại Hà Nội, giống gà chín cựa xuất hiện trong truyền thuyết được nhân giống thành công.Người đang sở hữu giống gà quý hiếm ấy chính là ông Kiều Hữu Toán, 54 tuổi ở xã Đại Đồng, Thạch Thất.

Chúng tôi đến nhà đúng lúc ông đang bận bán hàng cho khách, nhà ông ngay đường quốc lộ 32, ngay bên cạnh là trang trại rộng gần mẫu chăn nuôi các giống gà, trong đó có gà chín cựa.

Ông Toán cho biết: Mình là người chăn nuôi nên rất thích sưu tầm giống vật lạ, năm 2012 có bạn trên Phú Thọ tặng đôi gà làm quà nên đã tự mày mò cách nuôi, cách chăm sóc và nhân giống được loài gà này.


Gà chín cựa của ông Toán

Giống gà chín cựa có thân hình mảnh dẻ, khi bị giữ chặt cũng không hoảng loạn, mào đỏ tươi như máu, đôi mắt sáng quắc, rất khỏe, đặc biệt đôi chân to, chắc và linh hoạt, có chín cựa trên khuỷu chân ngắn. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng.

Cũng giống như gà thường loài này thích thả rông, thức ăn là thóc và rau cỏ, khả năng kháng bệnh tốt. Tuy nhiên trong khi gà nhà vào chuồng ngủ thì loài gà này lại ngủ ở ngoài. Để bắt được chúng cũng rất khó thường thì ông phải dùng lưới hoặc nhốt chúng sang chuồng khác.


 Đôi chân của gà chín cựa

Giống gà mà ông Toán nhân giống ra gọi là gà chín cựa nhưng theo ông đó chỉ là cách gọi dân gian, trong thực tế gà cùng bố mẹ nhưng có con có 6, 7 cựa, có con 10, 11 cựa. Một lứa gà, mỗi con nuôi cả năm cũng chỉ được ngót 2kg. Người ta mua gà dùng để biếu, thịt hoặc nuôi nên giá bán tùy, gà còn nhỏ 150 nghìn đồng/ con, gà sáu cựa giá 300-500 nghìn đồng/kg, gà tám cựa giá phải hơn 1 triệu đồng/kg.

Ông cho biết: Gà này đạt hiệu quả kinh tế cao nhưng chỉ những người có tiền mới mua, khi biết nhà có gà chín cựa có người ở tận Thanh Trì đã tìm đến tận nhà để mua gà con. Chưa đến tết âm lịch nhưng khách đã đặt hàng hết cả gà thịt và gà giống.


Gà chín cựa dũng mãnh với  đôi chân chắc, khỏe

Ông cũng chia sẻ nhân giống gà này rất khó vì gà mái chín cựa thường đẻ ít, khi lấy giống những chiếc cựa của gà trống khiến cho việc đạp mái khó khăn, nên thường gà mái đẻ xong sẽ cho nghỉ một thời gian rồi cho đẻ tiếp.

Nói rồi ông chỉ cho tôi xem những con gà con trong chuồng và bảo, khi gà vừa nở ra đã nhìn rõ ở khủyu chân mỗi bên có ba cựa, khi gà lớn mỗi bên chân sẽ mọc thêm một cựa, thậm chí có chân còn mọc thêm hai, ba cựa.

Ông cho hay, nuôi gà chín cựa đạt hiệu quả kinh tế cao giúp ông cải thiện kinh tế gia đình ông, nuôi được các con ăn học.

Nguyễn Liên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm