Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 sẽ là bao nhiêu %?

09/07/2018 14:09 GMT+7 | Bạn cần biết

(lienminhbng.org) - Theo dự kiến Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp phiên đầu tiên vào ngày 9/7 để bàn về mức lương tối thiểu vùng năm 2019. Vậy mức lương tối thiểu vùng năm 2019 có tăng?

Đến trước phiên họp Hội đồng tiền lương quốc gia, các bên đều chưa công khai mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng sẽ áp dụng cho năm 2019. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia cũng đã tiến hành khảo sát tại các khu công nghiệp, khu chế xuất phía Nam để đánh giá mức độ tăng lương tối thiểu vùng năm 2018 và có những căn cứ để dự tính mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019.

Dự báo mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019, ông Phạm Minh Huân, nguyên Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho rằng: Như mọi năm, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2019 tính tới nhiều yếu tố mà các bên đưa ra, trong đó có việc đáp ứng mức sống tối thiểu. Nghị quyết số 27-NQ/TW tiếp tục khẳng định, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng phù hợp tình hình phát triển kinh tế xã hội, khả năng chi trả của doanh nghiệp để đến năm 2020 mức lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động. Căn cứ vào Luật Lao động, tăng lương tối thiểu sẽ chịu ảnh hưởng của những yếu tố như: Nhu cầu sống tối thiểu, tình hình kinh tế xã hội, tăng trưởng kinh tế, việc làm, chỉ số GDP, năng suất lao động, sức chịu đựng của doanh nghiệp, chỉ số giá, mặt bằng tiền công trên thị trường… Các bên sẽ căn cứ vào những yếu tố này để đề xuất mức tăng lương tối thiểu.

Chú thích ảnh
Lao động thủy sản là một trong những lĩnh vực chịu tác động từ tăng lương tối thiểu vùng. Ảnh: TTXVN

“Phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn mong muốn điều chỉnh lương theo hướng cao hơn cho người lao động. Còn phía VCCI thì muốn mức tăng thấp hơn với lý do sẽ tác động đến quỹ lương và tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Với các chỉ số kinh tế xã hội như hiện nay và để bù trượt giá, mức tăng lương tối thiểu vùng có thể ở 5 hoặc 6 %”, ông Phạm Minh Huân dự báo.

Còn bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên thành viên Hội đồng tiền lương Quốc gia, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng: Hiện nay, tốc độ tăng lương tối thiểu đang cao hơn tăng năng suất lao động. Tỉ lệ tăng lương tối thiểu so với năng suất lao động tới 50%, trong khi đó các nước chỉ ở mức 25-30%. Như vậy về mặt lý thuyết, tốc độ tăng lương tối thiểu có lẽ cần có những điều chỉnh, điều tiết cho phù hợp hơn. Tuy nhiên, ở Việt Nam việc tăng lương tối thiểu đang bị cao hơn do cách tính của hệ thống bảng tiền lương ràng buộc nhau. Tăng lương tối thiểu vùng chỉ áp dụng cho nhóm đối tượng ở mức sàn thấp, không có trình độ chuyên môn kĩ thuật, nhưng thực ra tăng cho tất cả mọi người. Như vậy, những người có hệ số lương, vị trí việc làm càng cao thì càng có lợi.

“Do đó, nhiều người vẫn hiểu sai về lương tối thiểu. Lương tối thiểu chỉ là sàn thấp nhất để bảo vệ quyền lợi người lao động. Hiện nay, lương tối thiểu vẫn chưa thể hiện rõ nét hoạt động kinh tế thị trường. Trong chính sách cải cách tiền lương, về lâu dài hướng tới áp dụng lương tối thiểu giờ để đảm bảo sát hơn điều kiện của thị trường. Căn cứ vào tình hình hiện nay, mức tăng lương tối thiểu 2019 tăng vào khoảng 5-6 % là hợp lý”, bà Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Ở góc nhìn cá nhân, ngay từ đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,38% cao nhất trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, điều kiện để điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu vùng còn cần dựa trên cơ sở biến động của chỉ số giá sinh hoạt, điều kiện phát triển kinh tế xã hội và quan hệ cung cầu lao động trên thị trường. Việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo tiêu chí lương tối thiểu phải bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu vào năm 2020. Đó là giới hạn cuối cùng theo lộ trình được Chính phủ cam kết.

Qua tham khảo các ý kiến chuyên gia, mức lương tối thiểu vùng năm 2019 dự báo sẽ tăng và mức tăng sẽ phụ thuộc vào các vòng đàm phán của các bên tại Hội đồng tiền lương. Theo quy luật hàng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ họp và tranh luận với nhau trong tháng 7 và tháng 8. Nếu không đạt được sự thỏa thuận, các bên sẽ tiến hành bỏ phiếu để ấn định mức tăng lương tối thiểu vùng và trên cơ sở đó sẽ trình Chính phủ ra Nghị quyết.

Lương tối thiểu của năm 2018 đã tăng thêm 6,5% so với mức lương của năm 2017, tương đương tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng tại 4 vùng lương.

Chính sách nổi bật từ 1/7: Tăng lương cơ sở, quy định mới về giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Chính sách nổi bật từ 1/7: Tăng lương cơ sở, quy định mới về giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

Tăng lương cơ sở và trợ cấp thai sản, quy định mới về giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cùng nhiều chính sách mới có hiệu lực từ 1/7/2018.

Theo XC/Báo Tin tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm