28/03/2011 07:36 GMT+7
(TT&VH Cuối tuần) - Chuyện này ở bên Anh, mới đây ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho rằng trẻ em nước Anh đọc ít sách quá, phần lớn chúng chỉ đọc một hoặc hai cuốn sách lấy lệ để vượt qua các kỳ thi quốc gia, như vậy khiến các tiêu chuẩn học thuật đối với học sinh Anh đã “quá thấp trong một thời gian quá dài”. Và để khắc phục, ông Bộ trưởng nói trẻ em từ 11 tuổi trở lên nên đọc 50 cuốn sách mỗi năm như một phần trong nỗ lực nâng cao khả năng đọc. Số sách đó, quy về lượng, thì mỗi đứa trẻ trên 11 tuổi sẽ đọc mỗi tuần một cuốn tiểu thuyết.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet
Nghe xong chuyện này, Camera lấy làm ngỡ ngàng lắm, việc giáo dục bên Anh… kém thế mà sao con cái đại gia lại cứ tìm đường sang Anh du học với mức học phí cao nhất thế giới nhỉ? Ở nước mình, trẻ em giỏi hơn nhiều. Nếu có bắt đọc sách, số lượng chừng ấy hoặc một nửa chừng ấy, thì đầu tiên nên bắt người lớn đọc.
Bằng chứng thì đây: chẳng người lớn (có trách nhiệm) nào đọc, nên một trong những Cánh diều Bạc cho những người làm phim trẻ năm nay, phim Đường kiến sau hơn một tuần nhận giải, đến giờ bị phát giác là đạo, đạo từ tên đến ý tưởng, đến cốt truyện. Người phát giác đưa ảnh chụp rất đầy đủ, những chữ trên trang truyện ngắn Đường kiến của nhà văn Kinh Dương Vương (một bút danh của nhà văn Nguyễn Tuấn Khanh, vẽ tranh thì ký tên là Rừng, họa sĩ Rừng, đăng trên tạp chí Văn năm 1969, quả thật là rành rành khó cãi. Đạo diễn trẻ sinh năm 1984 “dũng cảm” thuổng tất tần tật ngần ấy thứ mà không sợ bị phát hiện, có thể đơn giản là vì cậu ta cho rằng những người có trách nhiệm kiểm định bây giờ không biết, không biết do không đọc, nghĩa là rất thông minh, cậu chẳng lạ gì văn hóa đọc của người lớn… Mà đúng, chẳng người lớn nào đọc thật, cứ khen ngợi ầm ầm rồi đường kiến kiến đi. Chỉ riêng chuyện này thôi, văn hóa đọc của người lớn mới đáng là điều cần bàn chứ chẳng phải chuyện giải đã trao rồi, chẳng may bị phát giác, không rõ sẽ xử lý hoặc phủi đi ra sao cho đỡ ngượng. Cách tốt nhất, đơn giản và lâu dài nhất để tránh những chuyện tương tự, là bắt các nhà cầm cân nảy mực trong ngành văn hóa… đọc sách, thay vì toàn đọc chính sách rồi cứ văn bản nọ lẫn với văn bản kia. Sự đọc của một số người làm văn hóa “quá thấp trong thời gian quá dài” nên cứ hay nhiều chuyện linh tinh.
Nhưng, Camera cũng thấy yên lòng, vì mới đây, Trung tâm Đào tạo khu vực của SEAMEO tại Việt Nam đã tổ chức hội thảo chuyên đề Đạo văn trong giáo dục và nghiên cứu khoa học. Nghĩa là chuyện nói mãi vẫn mới này chưa bị thôi hẳn không nói nữa vì tuyệt vọng. Các nhà quản lý giáo dục đưa ra ý kiến rằng cần bỏ thói quen bắt học sinh học theo kiểu thuộc lòng để “tăng tính sáng tạo và độc lập trong cách học tập và nghiên cứu của các em”.
Đấy mới là chuyện của các em! Làm thế nào để bắt người lớn học thuộc lòng có khi phải tổ chức hội thảo khác! Văn hóa đọc suy giảm, cứ kêu thế, nhưng có ai nói xem nó suy giảm từ hồi nào đâu. Mà một khi suy giảm lâu rồi thì bắt trẻ em đọc, tác dụng có khi ngược lại!
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất