Mỹ - Ấn Độ CHÍNH THỨC bắt tay chế tạo tàu sân bay mới

15/08/2015 15:27 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) -   Theo Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma, hai bên đã thành lập một nhóm chuyên viên chung để hợp tác chế tạo một tàu sân bay mới trong nỗ lực hỗ trợ chương trình sản xuất trong nước của Ấn Độ và cuộc họp đầu tiên của nhóm sẽ được tổ chức tại Mỹ trong tuần này.

Mạng tin quốc phòng Ấn Độ (IDN) ngày 15/8 cho biết Mỹ sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ để cùng sản xuất các máy bay chiến đấu, trong đó có siêu tiêm kích F-35 tại nước này theo sáng kiến "Make in India".

Tuyên bố trên được Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma đưa ra trong cuộc nói chuyện tại Viện nghiên cứu các nhà quan sát Ấn Độ (ORF) ở thủ đô New Delhi gần đây. Ông Verma khẳng định Mỹ đã sẵn sàng hợp tác với Ấn Độ sản xuất các máy bay chiến đấu để giải quyết tình trạng lực lượng không quân Ấn Độ "thiếu hụt trầm trọng" các máy bay tiêm kích. Quan chức này cũng nhấn mạnh không có lý do gì Mỹ và Ấn Độ không thể cùng hợp tác trong vấn đề này.

Ấn Độ sẽ sản xuất tiêm kích F-35 nhờ hợp tác với Mỹ

Không chỉ máy bay tiêm kích, theo Đại sứ Verma, trong chuyến thăm New Delhi của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter hồi tháng 6 vừa qua, hai bên đã thành lập một nhóm chuyên viên chung để hợp tác chế tạo một tàu sân bay mới trong nỗ lực hỗ trợ chương trình sản xuất trong nước của Ấn Độ và cuộc họp đầu tiên của nhóm sẽ được tổ chức tại Mỹ trong tuần này.

Hồi tháng 5, tờ Times of India loan tin, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã quyết định đóng tàu sân bay hạt nhân INS Vishal mới với sự hỗ trợ công nghệ từ Mỹ. INS Vishal thứ hai này sẽ có khả năng tải được trọng lượng 65.000 tấn, nhiều hơn 25.000 tấn so với chiếc INS Vikrant thứ nhất. Theo kế hoạch, dự kiến tàu sân bay INS Vishal sẽ được “trình làng” vào năm 2023. Sau khi nhận nhiệm vụ, Vishal sẽ là tàu chiến lớn nhất trong lịch sử Hải quân Ấn Độ.

Mô hình tàu sân bay hạt nhân INS Vishal mà Ấn Độ sắp đóng

Bên cạnh đó, ông khẳng định Mỹ cam kết tăng cường quan hệ an ninh hàng hải với Ấn Độ và cuộc tập trận hải quân chung Malabar là minh chứng cho sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong lĩnh vực quan trọng này. Ông Verma tin tưởng rằng như các cường quốc hàng đầu, sự hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ sẽ đặt nền tảng cho những bước đột phá tiếp theo trong các mối quan hệ song phương khác.

Tàu sân bay INS Viraat của Ấn Độ

Bên cạnh đó, báo “Livemint” của Ấn Độ ngày 15/8 cho biết Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Richard Verma cam kết Mỹ ủng hộ Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sau khi cơ quan này cải cách mở rộng thành viên.

Phát biểu bên lề sự kiện do Viện nghiên cứu Nhà quan sát Ấn Độ tổ chức ngày 14/8, Đại sứ Verma nhắc lại tuyên bố của Tổng thống Barack Obama năm 2010 và năm 2015 ủng hộ Ấn Độ trở thành ủy viên thường trực của HĐBA LHQ mở rộng. Đại sứ Mỹ nêu rõ: “Chính sách của Mỹ là rõ ràng và không thay đổi”.

Ông Verma cũng đề cập những thay đổi nhanh chóng trong quan hệ Mỹ-Ấn trong thập niên qua và đề ra cách thức hai nước có thể phối hợp vì những mục đích chung. Theo ông, mối quan hệ đối tác Mỹ-Ấn gia tăng vì hòa bình toàn cầu, có thể góp phần chống lại xu hướng bất ổn định trên thế giới và tăng cường trật tự quốc tế dựa trên các nguyên tắc. Hai nước có tiềm năng góp phần bảo vệ an ninh và phát triển thịnh vượng của thế giới trong dài hạn.

PV (tổng hợp)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm