23/12/2021 09:18 GMT+7 | Thế giới
(lienminhbng.org) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h sáng 23/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 277.470.992 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.392.699 người không thể qua khỏi. Số bệnh nhân bình phục hiện là hơn 248.576.821 người.
Quan ngại sự lây lan của biến thể Omicron, nhiều nước đã thắt chặt các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch bệnh.
Nhật Bản đã ghi nhận 160 trường hợp nhiễm biến thể Omicron. Mặc dù hầu hết các ca mắc COVID-19 này đều được phát hiện ở các khu vực cách ly tại sây bay và những người tiếp xúc gần với người bị bệnh, nhưng Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản Shigeyuki Goto cho biết biến thể Omicron đang có chiều hướng lây lan mạnh trên phạm vi toàn thế giới, cho rằng đây là kịch bản khó tránh khỏi.
Bộ này cũng gửi thông báo đến chính quyền các địa phương để tăng cường cảnh giác và nhanh chóng mở rộng hệ thống kiểm soát, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các cơ sở lưu trú phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19.
Trước sự gia tăng các ca nhiễm biến thể Omicron tại Bỉ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo, Ủy ban Quốc gia tham vấn về COVID-19 (Codeco) đã nhóm họp khẩn cấp và quyết định áp dụng các biện pháp tăng cường phòng dịch. Theo đó, đóng cửa tất cả các cơ sở văn hóa, giải trí và thể thao kể từ ngày 26/12, bao gồm nhà hát, phòng hòa nhạc và rạp chiếu phim. Những sự kiện tổ chức ngoài trời sẽ phải tuân theo những quy định hạn chế mới. Chợ Giáng sinh vẫn được duy trì nhưng không được dựng lều và phải tuân thủ quy định 4m2/khách.
Các cửa hàng có diện tích dưới 20m2 chỉ được đón tiếp cùng một lúc hai khách hàng. Các sự kiện thể thao dù ở ngoài trời hay trong nhà đều không được phép có khán giả. Làm việc từ xa vẫn là quy định bắt buộc và mỗi người chỉ đến công sở một ngày duy nhất trong tuần. Thủ tướng De Croo nhấn mạnh trong trường hợp cần thiết, chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Mục đích của tất cả các biện pháp này là để mở cửa trở lại các trường học từ ngày 10/1/2022, sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh kéo dài 3 tuần.
Tại Italy, Thủ tướng Mario Draghi tuyên bố chính phủ nước này sẽ xem xét việc mở rộng các đối tượng phải tiêm chủng bắt buộc vaccine ngừa COVID-19. Hiện tại tất cả những người lao động trong lĩnh vực y tế, giáo dục và thực thi pháp luật tại Italy đều có nghĩa vụ phải tiêm vaccine.
Thủ tướng Draghi cho biết thêm chính phủ cũng sẽ cân nhắc áp đặt quy định trên toàn quốc về việc phải đeo khẩu trang ở ngoài trời và xét nghiệm COVID-19 để được tham dự các sự kiện đông người, kể cả đối với những người đã có thẻ xanh, chứng nhận giấy hoặc số cho thấy người sở hữu đã tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 trong vòng 6 tháng. Theo số liệu chính thức của Bộ Y tế Italy, ngày 22/12, nước này đã có 36.293 ca nhiễm mới và 146 ca tử vong do COVID-19.
Trong khi đó, tại Anh, số ca mắc mới theo ngày tại nước này lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 100.000 ca, với 106.122 ca được báo cáo vào ngày 22/12. Con số này đã vượt mức kỷ lục trước đó ghi nhận ngày 17/12 với 93.045 ca. Trong vòng 7 ngày qua, số ca COVID-19 tại Anh đã tăng gần 59% so với tuần trước lên 643.219 trường hợp.
Tính đến ngày 21/12, đã có tổng cộng 8.008 người tại Anh phải nhập viện do COVID-19, mức cao nhất kể từ ngày 22/11 và tăng 4% so với tuần trước. Tuy nhiên, số ca tử vong theo ngày giảm 2,7% trong 7 ngày qua, với 140 ca tử vong được báo cáo vào ngày 22/12.
Ở châu Mỹ, ngày 22/12, Chính phủ Venezuela thông báo đã phát hiện 7 ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron, đồng thời yêu cầu cơ quan y tế tăng cường các biện pháp phòng chống dịch và vệ sinh dịch tễ. Tổng thống Nicolas Maduro cho biết các ca nhiễm biến thể Omicron được ghi nhận tại thủ đô Caracas, các bang Miranda ở miền Trung và Lara ở miền Tây. Đây là các hành khách tới Venezuela trên các chuyến bay từ Panama, CH Dominicana và Tây Ban Nha. Như vậy, Venezuela là quốc gia thứ 7 tại Mỹ Latinh xác nhận sự xuất hiện của biến thể Omicron sau Argentina, Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Panama.
Đến nay, gần một tháng sau khi biến thể Omicron được công bố trên toàn cầu, Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc Chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bà Maria Van Kerkhove cho biết WHO vẫn chưa có đủ dữ liệu về biến thể Omicron để có thể khẳng định biến thể này dễ lây nhiễm hơn biến thể Delta.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng việc các nước giàu gấp rút tiến hành tiêm các liều bổ sung vaccine phòng COVID-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận vaccine, là nguyên nhân khiến đại dịch kéo dài. Ông đồng thời khẳng định "các loại vaccine hiện nay cho thấy hiệu quả trong việc chống lại cả biến thể Delta và Omicron".
Trần Quyên/TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất