Crimea sáp nhập vào Nga: Mỹ bí lời giải cho bài toán khó

20/03/2014 07:03 GMT+7 | Trong nước


(lienminhbng.org) - Lời đe dọa của Tổng thống Mỹ Barack Obama về việc Nga sẽ phải "trả giá" đã không tạo được áp lực gì trước việc Crimea sáp nhập vào quốc gia này. Giờ đây ông Obama sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức lớn hơn trong việc xử lý mối quan hệ với Nga.

Chiến lược "dọa dẫm" kể trên của Nhà Trắng ban đầu là để giải tỏa căng thẳng ở Ukraine, cảnh cáo Nga về các "hậu quả" nếu can thiệp vào Crimea. Song nó đã không thành công.

Thuyết phục tăng cường trừng phạt

Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin nhanh chóng thông qua hoạt động sáp nhập Crimea và bài phát biểu mạnh mẽ của ông hôm 18/3, khẳng định Crimea "mãi là một phần không thể tách rời của Nga", dường như đã đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên hậu Chiến tranh Lạnh. Nó buộc chính quyền Obama bước vào giai đoạn mới.

Kế hoạch của người Mỹ hiện tại là gia tăng sức ép buộc Nga phải chịu các tổn thất  kinh tế và sự cô lập lớn hơn khi sáp nhập Crimea. Tuy nhiên khi làm thế, Mỹ sẽ đi trên một sợi dây chông chênh. Washington sẽ phải làm sao để vừa giữ cho cuộc khủng hoảng không trở nên mất kiểm soát, vừa giúp củng cố các liên minh mới trong không gian châu Âu hậu Liên Xô, đồng thời phải thể hiện rõ ý chí của phương Tây với Nga.


Những lời dậm dọa của Mỹ không gây được tác động nào với Nga liên quan tới vấn đề Crimea

Về mặt dài hạn, Nhà Trắng cũng đối mặt với một cuộc tự kiểm tra không dễ chịu về việc làm sao tình hình lại đi tới mức này. Hiển nhiên Nhà Trắng cũng đang xem xét cả cách thức để đối phó với Tổng thống Putin. Tác động chiến lược của sự kiện còn cho thấy cuộc khủng hoảng Đông - Tây lớn nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh có thể sẽ để lại dấu ấn đậm nét nhất trong nhiệm kỳ 2 của ông Obama.

Tuần tới ông Obama sẽ tới châu Âu trong một chuyến đi bỗng trở nên quan trọng nhất do một Tổng thống Mỹ thực hiện, trong nhiều năm qua. Ông kêu gọi các lãnh đạo khối G7 gặp ông ở The Hague và sẽ cố tìm cách tăng cường cô lập Nga, thuyết phục các nước châu Âu xiết chặt hoạt động trừng phạt nước này. "Chúng ta có thể điều chỉnh phản ứng của mình tùy thuộc vào việc Nga chọn tăng hoặc giảm căng thẳng tình hình" - ông Obama nói hồi đầu tuần.

Không dễ tìm tiếng nói chung

Nhưng theo giới quan sát, tác động kinh tế mà Washington có thể gây ra với Moskva là khá hạn chế, bất chấp việc quan hệ thương mại song phương đang ngày càng tăng lên, với các công ty Mỹ như Boeing, Exxon Mobil đang hoạt động mạnh ở Nga.

Châu Âu mới là bên nắm chìa khóa tác động, do có mối quan hệ thương mại và năng lượng cực lớn. "Những người châu Âu ở vị trí tốt hơn để gây tổn hại tới nền kinh tế Nga" - Anton Fedyashin, một chuyên gia Nga ở Đại học Mỹ nhận xét.

Nhưng liệu các nhà lãnh đạo châu Âu, sau những tuyên bố cứng rắn gần đây, có đưa ra các hành động cứng rắn chống lại Nga, vốn sẽ gây hại tới nền kinh tế đang mong manh dễ vỡ của họ? "Tôi nghi ngờ một cách nghiêm túc rằng nhiều nước châu Âu sẽ nói: "Vâng, chúng tôi đã sẵn sàng để ủng hộ kế hoạch (của Mỹ)"" - Fedyashin nói.

Cho tới nay, Washington cũng chỉ đưa vào tầm ngắm các cá nhân thay vì một bộ phận lớn hơn của nền kinh tế Nga. Tuy nhiên Washington đã cảnh báo các đại gia giàu có và nhiều quan hệ chính trị ở Nga cần coi chừng.

Về mặt dài hạn, Mỹ sẽ phải quyết định xem có triển khai hoạt động cấm vận ngân hàng từng thực thi và gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới Iran hay không. Và cho dù không triển khai cấm vận, giới chức Mỹ đều đang hy vọng việc có một lời đe dọa như thế sẽ làm giảm sự tin tưởng vào nền kinh tế Nga và buộc ông Putin phải nhượng bộ. "Nếu tôi là các bạn, tôi sẽ không đầu tư vào các cổ phiếu Nga trong thời điểm hiện nay, trừ phi hoạt động đầu tư là ngắn hạn" - phát ngôn viên Nhà Trắng Jay Carney từng tuyên bố.

Ngại gây căng thẳng về quân sự

AFP nói rằng việc Crimea sáp nhập vào Nga đã khiến bầu không khí thời Chiến tranh Lạnh dường như đang trở lại châu Âu. Khi gặp Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski hôm 18/3, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đưa ra thông điệp gợi nhớ quá khứ: "Tôi muốn thông báo rõ ràng với các bạn và các đồng minh của chúng tôi trong khu vực rằng cam kết của chúng tôi về hoạt động hỗ trợ phòng vệ lẫn nhau dưới Điều 5 của NATO vẫn vững như lồng sắt vậy". Obama sẽ tiếp tục nêu cao thông điệp này trong tuần tới và Washington đã hiện thực hóa tuyên bố bằng việc gửi thêm 6 chiếc máy bay chiến đấu F-15 nữa để tăng cường hoạt động tuần tra của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) trên vùng Baltic.

Giới phân tích đánh giá cuộc khủng hoảng Crimea cũng có thể đưa NATO, tổ chức vốn đang vật lộn để tìm kiếm một vai trò thích hợp trong thời hậu Chiến tranh Lạnh, trở lại gốc rễ địa chiến lược của nó. Tuy nhiên đây sẽ là bài toán khó cho châu Âu và Mỹ, do ngân sách quốc phòng đã bị thu hẹp vì suy thoái kinh tế.


Một thách thức khác mà Mỹ đối mặt hiện nay là vấn đề cấp vốn hoạt động cho Ukraine. Ông Obama đã liên tục kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua khoản ngân sách 1 tỷ USD cho Ukraine vay. Nhưng lời kêu gọi này không được hưởng ứng do người ta sợ chọc giận thêm Kremlin.

Tuần tới ông Obama có thể sẽ kêu gọi các đồng minh giúp đỡ thêm Ukraine về kinh tế để chống lại tác hại từ việc nước này bị Nga cắt khoản vay khổng lồ. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng quốc tế (WB) sẽ nằm ở tuyến đầu của hoạt động cho vay trên. Nhưng đây không phải việc dễ dàng bởi Ukraine cần tới 25 tỷ euro trong vòng 2 năm.

Tường Linh (theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm