18/02/2016 21:23 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Ngày 17/2, Mỹ, Nhật Bản và Australia đã phản ứng trước thông tin Trung Quốc triển khai tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Kênh truyền hình Fox News của Mỹ đưa tin những hình ảnh vệ tinh dân sự của hãng ImageSat International cho thấy hai khẩu đội tên lửa gồm 8 bệ phóng và một hệ thống radar đã được bố trí trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Các quan chức quốc phòng Mỹ và Đài Loan (vùng lãnh thổ thuộc Trung Quốc) đã xác nhận thông tin trên và cho biết “sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình”.
Phản ứng trước thông tin trên, Bộ Quốc phòng Mỹ cảnh báo hành động của Trung Quốc đang làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đồng thời kêu gọi các bên tranh chấp tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Người phát ngôn Lầu Năm góc, Tư lệnh Hải quân Bill Urban nhấn mạnh: "Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên có tranh chấp ở Biển Đông công khai cam kết không đưa ra những yêu sách lãnh thổ mới, ngừng các hoạt động xây dựng cơ sở mới cũng như các động thái quân sự hóa tại các thực thể đang tranh chấp".
Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết Mỹ sẽ "trao đổi nghiêm túc" với Trung Quốc về hoạt động quân sự hóa Biển Đông. Phát biểu với báo giới, ông Kerry nêu rõ: "Có rất nhiều bằng chứng về việc gia tăng quân sự hóa dưới hình thức này hay hình thức khác. Chúng tôi đặc biệt lo ngại về điều này. Chúng tôi đã có các cuộc thảo luận với Trung Quốc và tin rằng trong những ngày tới, sẽ có cuộc thảo luận rất nghiêm túc về vấn đề này".
Một số chuyên gia phân tích của Mỹ cho rằng việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự tại Biển Đông có thể dẫn đến việc Bắc Kinh tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tại đây. Theo một quan chức Mỹ, các tên lửa mới được triển khai dường như là hệ thống phòng không HQ-9 có tầm bắn 200 km, có thể đe dọa bất cứ máy bay nào gần đó.
Cùng ngày, hãng tin Kyodo của Nhật Bản cho biết Tokyo "vô cùng quan ngại" khi có tin nói rằng Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến trên quần đảo Hoàng Sa. Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga từ chối xác nhận cũng như bình luận về thông tin trên, song nêu rõ Nhật Bản "hết sức quan ngại về mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng và làm gia tăng căng thẳng", đồng thời khẳng định Tokyo "chưa bao giờ chấp nhận những hành động theo kiểu việc đã rồi như vậy". Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani kêu gọi Trung Quốc "giải thích rõ ràng" thông tin về việc đưa tên lửa đất đối không tới Hoàng Sa.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Tổ hợp truyền thông ABC của Australia ngày 17/2 nhận định rằng động thái mới của Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. ABC dẫn lời Chỉ huy hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris cho rằng việc Trung Quốc triển khai tên lửa tới quần đảo Hoàng Sa gây lo ngại và trái với cam kết của Bắc Kinh về không quân sự hóa khu vực này.
Phát biểu sau cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, Ngoại trưởng Australia Julie Bishop đang ở thăm Bắc Kinh đã kêu gọi các bên liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông giải quyết bất đồng một cách hòa bình. Bà nói: “Australia không đứng về bên nào trong tranh chấp ở Biển Đông. Chúng tôi có lợi ích trong việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Chúng tôi đề nghị kiềm chế và kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp một cách hòa bình”.
Ngày 17/2, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở La Haye (Hà Lan) dự kiến được đưa ra vào tháng 5 tới liên quan tới vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông.
TTXVN/Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất