13/08/2017 20:39 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Tính đến hiện tại, kịch bản chiến tranh giữa Mỹ và Triều Triên là khó có thể xảy ra dù Bình Nhưỡng nói đã lên kế hoạch tấn công Guam bằng tên lửa đạn đạo còn người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố vũ khí Mỹ đã "khóa mục tiêu".
Nhưng cuối cùng, nếu Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân thì quy trình biến mệnh lệnh thành hành động sẽ vận hành như thế nào và nó có đầy đủ các bước kiểm tra để tránh sai lầm đắt giá hay không?
Trong bối cảnh căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên sau một loạt các vụ phóng thử tên lửa đạn đạo gần đây của Bình Nhưỡng cũng như màn cân não mà Mỹ và Triều Tiên đua nhau đưa là những lời thách thức, đe dọa, nhiều người lo ngại thế giới đang ở bờ vực chiến tranh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục đưa ra những lời cảnh báo cứng rắn tới Triều Tiên, truyền đến thông điệp nước này sẽ phải hứng chịu “lửa cháy và thịnh nộ” cũng như "đạn đã lên nòng” nếu như Bình Nhưỡng hành xử không khôn ngoan.
Nếu cuối cùng Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân, thì quy trình biến mệnh lệnh thành hành động sẽ vận hành như thế nào cũng như nó có đầy đủ các bước kiểm tra hiệu quả và cân bằng để tránh sai lầm đắt giá hay không là vấn đề được dư luận quan tâm.
Theo Đô đốc James “Sandy” Winnefeld – Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân thứ 9 của Mỹ về hưu năm 2015, khi Tổng thống Mỹ ra lệnh tấn công hạt nhân, mệnh lệnh sẽ được chuyển tới Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sau đó truyền thẳng cho Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ có trụ sở tại Căn cứ Không quân Offut ở Nebraska, Mỹ
Trong trường hợp lệnh tấn công hạt nhân nhằm vào Triều Tiên được đưa ra, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ sẽ là người chỉ huy chịu trách nhiệm chỉ đạo tấn công (còn nếu là một cuộc tấn công thông thường thì sẽ do Tư lệnh của Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương chỉ huy).
Lực lượng hạt nhân nằm trong kế hoạch của Tổng thống sẽ bao gồm tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) phóng từ mặt đất và máy bay ném bom có mang theo tên lửa hành trình và bom rơi theo lực hấp dẫn. Mỗi một loại vũ khí có ưu nhược điểm của riêng mình, khi xét về mặt phản ứng, kích thước, độ sống sót, tính linh hoạt…
Tổng thống Trump có thể ra lệnh một hoạt động quân sự để đáp trả lại một cuộc tấn công thực sự từ Triều Tiên hoặc là hành động khơi mào trước.
Trong các tình huống trước đây, khi Mỹ hoặc đồng minh thực sự bị tấn công, Tổng thống sẽ nhanh chóng kết nối một cuộc gọi hội nghị bảo mật (cùng một lúc liên lạc với nhiều thuê bao) với các cố vấn cấp cao và nhân viên hỗ trợ. Cuộc gọi hội nghị này sẽ cung cấp đầy đủ toàn bộ thông tin tình báo và những lời khuyên về các phương án tấn công, cũng như các thông tin khác như dự đoán số người thương vong hay quy mô của vụ nổ.
Bất kỳ vị Tổng thống nào cũng muốn có nhiều thời gian hơn để xem xét quyết định của mình (bao gồm việc tham vấn các cố vấn và những người đồng cấp quốc tế). Nếu như đối thủ ra tay trước hoặc bản thân Tổng thống là mục tiêu, thì thời gian ra quyết định của Tổng thống sẽ bị rút ngắn lại.
Nếu như Mỹ quyết định tấn công trước, điều này sẽ cần xem xét về mặt pháp lý trong nước cũng như quốc tế.
Theo như luật quốc tế (được quy định sau khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc), Mỹ nhận ra có ba kịch bản mà nước này được phép sử dụng lực lượng quân sự ở trên lãnh thổ nước khác: sự cho phép thông qua một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, cam kết hành động tự vệ chính đáng (bao gồm “tự vệ tập thể” với đồng minh hay đối tác) đối phó trước mối đe dọa về một cuộc tấn công “sắp xảy ra” và sử dụng lực lượng quân sự đúng luật pháp dưới sự chấp thuận của quốc gia chủ nhà.
Cụm từ “sắp xảy ra” trở thành tâm điểm tranh luận dữ dội khi xét về mặt pháp lý - lý do đưa ra rõ ràng phải được cộng đồng quốc tế chấp thuận. Trong trường hợp của Triều Tiên, việc nước này đe dọa toàn bằng lời nói khó có thể đem ra coi là bằng chứng sắp có một cuộc tấn công.
Xét về quy định luật pháp trong nước tồn tại nhiều năm qua, Bộ Tư pháp kết luận Tổng thống có quyền theo Hiến pháp ra lệnh triển khai các hoạt động quân sự ở nước ngoài với mục đích bảo vệ lợi ích quốc gia mà không cần bất kỳ một sự cho phép trước cụ thể từ Quốc hội (mặc dù Bộ này hoàn toàn hiểu hoạt động quân sự lên kế hoạch từ trước có nguy cơ biến thành một cuộc “chiến tranh” có thể cần sự cho phép trước của Quốc hội).
Có rất nhiều lỗ hổng trong hệ thống luật lệ ở Mỹ, và Tổng thống sẽ làm mọi thứ có thể trong giới hạn họ được làm mà không cần sự can thiệp của Quốc hội.
Một câu hỏi đặt ra là liệu rằng có ai trong đội ngũ chỉ huy có thể từ chối làm theo lệnh triển khai một cuộc tấn công trước của Tổng thống.
Không một ai được phép đứng trên luật pháp. Các thành viên trong hệ thống chỉ huy nên cần nhấn mạnh lí do chính đáng và đúng về mặt luật pháp trong nước cũng như quốc tế để tiến hành một cuộc tấn công, đặc biệt là có liên quan đến vũ khí hạt nhân. Nếu như lí do đó không đồng nhất với luật pháp, đội ngũ chỉ huy ít nhất có quyền và nghĩa vụ phải cân nhắc việc từ chối làm theo mệnh lệnh.
Tính đến hiện tại, kịch bản chiến tranh Mỹ-Triều là khó có thể xảy ra. Có một sự khác biệt lớn giữa lối nói khoa trương và hành động tấn công hạt nhân thực sự. Với đội ngũ cố vấn an ninh của mình, nhiệm vụ khẩn thiết hơn của Tổng thống Trump hiện nay là tìm ra được một con đường chính sách lâu dài, đa quốc gia, khả thi để có thể thiết lập lại sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên và tối thiểu hóa nguy cơ về một cuộc xung đột không đáng có trong khu vực.
Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất