Italy dọa lôi Anh ra tòa vì 700 cổ vật

23/01/2014 14:01 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Italy và Anh đang tranh chấp một kho di sản, với phần lớn là cổ vật từ nền văn minh Etrusca (năm 700 trước Công nguyên). Trong bộ sưu tập này có nhiều tác phẩm rất đáng chú ý như tượng bán thân Alexander Đại đế bằng đồng, tượng nhỏ của các vị thần, bên cạnh hàng loạt đồ trang sức.

1. Người từng sở hữu bộ sưu tập là Robun Symes. Trong 3 thập kỷ, ông Symes là một trong những người buôn cổ vật thành công nhất London (Anh). Thời làm ăn phát đạt, ông có nhiều bất động sản ở London, New York (Mỹ) và Athens (Hy Lạp).

Tuy nhiên, sản nghiệp của Symes đã tan tành khi đối tác kinh doanh đồng thời là người tình lâu năm của ông, Christo Michaelides, đột ngột tử nạn hồi năm 1999 ở Umbria (miền Trung Italy). Symes chung sống với Michaelides từ những năm 1970. Cuộc tranh chấp gia sản đầy cay đắng với gia đình của Michaelides và một vụ kiện đã khiến Symes phá sản và còn phải vào tù vì buôn bán cổ vật trái phép.

Năm 2006, trong cuốn sách The Medici Conspiracy, nhà báo điều tra Peter Watson nói rằng Symes dính dáng tới một mạng lưới buôn bán cổ vật trái phép. Nghi vấn về nguồn gốc của các cổ vật trong bộ sưu tập của Symes thực tế đã được nêu ra ngay sau khi ông Michaelides qua đời.


Nhiều chiếc bình, đồ trang sức, tượng các vị thần và tác phẩm điêu khắc Alexander Đại đế bằng đồng nằm trong bộ sưu tập Symes

Năm 2008, hãng đấu giá Bonhams đã loại bỏ một cổ vật của Symes, thuộc diện đang tranh chấp, ra khỏi cuộc đấu giá của hãng. 2 năm sau, cảnh sát Italy đã tìm thấy 337 cổ vật, trị giá hơn 15 triệu euro (20,3 triệu USD) trong nhà của Symes. Khi đó Symes đã di cư sang Thụy Sĩ.

Giờ đây, sau khi công ty BDO của Italy đã thanh toán các khoản nợ thuế của công ty Symes cho Chi cục Hải quan và Doanh thu Anh, Chính phủ Italy đe dọa sẽ kiện nếu như Anh không trao trả nốt 700 cổ vật nằm trong bộ sưu tập của công ty và đang để ở Anh. Ông Maurizio Fiorilli, cố vấn pháp lý của Chính phủ Italy, người giám sát vụ này, nói: “Thực tế, 700 cổ vật này là của Italy và chúng tôi đã chứng minh chúng là của Italy. Chính phủ Italy muốn giành lại số cổ vật đó”.

Italia tuyên bố họ sẽ có hành động pháp lý nếu cuối tháng này BDO không nhận được hồi âm gì. “Các di sản bị lấy đi từ các cuộc khai quật bất hợp pháp ở Italy. Chúng tôi có đủ giấy tờ hợp lệ chứng minh điều đó” - ông Fiorilli cho biết.

2. Ông Fiorilli theo đuổi vụ việc từ năm 2007. Năm 2012, ông đã gửi cho BDO một bức thư, yêu cầu công ty trao trả số cổ vật cho Italy, nhưng không nhận được hồi âm. “Đây không phải là chuyện tiền bạc. Những di sản này rất có ý nghĩa về văn hóa và chúng phải được đưa về đúng nhà của mình. Cả ông Symes lẫn công ty BDO đều không có bất cứ tài liệu pháp lý nào để chứng minh rằng số cổ vật đó được đưa hợp pháp vào Anh” - ông Fiorilli nói và cho rằng ông Symes đã tiêu hủy rất nhiều tư liệu liên quan đến các cổ vật này.

Ban đầu, mối quan hệ giữa 2 bên rất tốt đẹp khi Italy cử một nhóm các nhà khảo cổ đến Anh để nghiên cứu về bộ sưu tập. Họ nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh. Nhưng mối quan hệ giữa 2 bên bắt đầu căng thẳng sau khi Italy muốn mượn một số cổ vật từ một số thiết chế ở Anh. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng mối quan tâm của chúng tôi không phải là vấn đề kinh tế, mà là muốn bảo vệ văn hóa của mình. Với tinh thần như vậy, chúng tôi vẫn muốn hợp tác và hy vọng Chính phủ Anh cư xử phù hợp” - ông Fiorilli bày tỏ.

Ông Christos Tsirogiannis, nhà khảo cổ từng giúp Chính phủ Hy Lạp điều tra về bộ sưu tập của Symes, nói với tờ The Art Newspaper: “Đáng lẽ ra các Chính phủ có liên quan đến trường hợp của Symes nên có các thông báo chính thức. Như vậy ai cũng có thể biết được sự thật của những câu hỏi: Tại sao những tài sản được xác định là của Italy lại không được trao trả về cho đất nước này? Các nước khác có tài sản nằm trong bộ sưu tập của Symes không? Nếu có thì bao nhiêu nước và đó là những nước nào?”.

Việt Lâm (theo Telegraph)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm