Có nên hát karaoke ở Philippines?

04/04/2012 07:34 GMT+7 | Trong nước


(TT&VH Cuối tuần) - Bạo lực gia tăng ở Philippines không phải là chuyện lạ nhưng bạo lực dẫn đến giết người trong các phòng karaoke ở đây lại là một chuyện chẳng ai ngờ. Bây giờ nếu có đến Philippines và hát karaoke du khách phải hết sức cẩn trọng, bởi ví dụ, nếu như bạn hát bài kinh điển My way rất có thể điều đó sẽ ảnh hưởng tới sinh mạng.

I did it my way

18 giờ một ngày cuối tuần, tay thợ cắt tóc Rodolfo Gregorio uể oải bước vào phòng karaoke General Santos, sau khi ngồi xuống và hớp một ít bia Red Horse Extra Strong, gã đàn ông 63 tuổi này khoan khoái chọn bài hát kinh điển My Prayer của nhóm Platters khi xưa và ung dung… thả hồn vào bài hát. Hát xong ông chọn thêm những ca khúc bất hủ của Tom Jones hay Engelbert Humperdinck và ngân nga khá mùi mẫn. Tay vẫn còn mùi tóc của khách hàng, người đàn ông phát âm tiếng Anh khá chuẩn này cứ thế thể hiện khá nhiều bản tình một thời, ngoại trừ My way của Frank Sinatra, cho dù được bạn bè khuyến khích. “Tôi không dám hát bởi bản thân đã chứng kiến rất nhiều người bị đánh, rồi lao vào nhau đánh đấm điên cuồng khi hát bài này. Ngay cả bản thân tôi cũng gặp rắc rối khi hát nó. Tôi không hiểu được, giống như bài hát này bị trù ếm vậy. Đã có khá nhiều người bị giết khi hát bài này”, Gregorio tâm sự.

Rodolfo Gregorio, phải, đại diện cho tầng lớp mê hát karaoke ở Philippines

Tờ New York Times bảo rằng các nhà chức trách chưa thống kê được bao nhiêu người chết ở các phòng karaoke khi hát bài My way nhưng các số liệu từ an ninh cho thấy trong vài năm qua có ít nhất là 6 trường hợp thiệt mạng khi đang hát bản nhạc này, chưa kể các vụ đánh nhau phải nằm bệnh viện, đến nỗi bây giờ người ta phải đặt tên cho một loại tội phạm mới: Killings My Way (sát thủ My way). Các nhà điều tra xã hội sau đó đã phải làm một bản nghiên cứu điều tra để tìm câu trả lời rằng liệu đây có phải là một hình thái phát sinh từ văn hóa bạo lực, thói say xỉn liên miên hay có những “thông điệp” gì đó cài sẵn trong các bài hát kinh điển?

Cuộc điều tra vẫn chưa kết thúc và trong lúc chờ đợi thì các quán karaoke cũng tự động rút My way ra khỏi danh mục bài hát. Những chỗ nào chưa kịp rút thì các “giọng hát vàng” cũng tự kiểm duyệt. Chẳng ai muốn bạo lực trong lúc đang thư giãn.

Trong mấy năm qua, có vài vụ án điểm như một người Malaysia bị đâm trong quán karaoke, một người khác đã điên cuồng dùng súng bắn chết 8 người hàng xóm vì nhai nhải hát karaoke bài Take me home, country road của John Denver.

Các chủ quán karaoke ở Philippines kể rằng họ thật sự không hiểu vì sao chuyện bạo lực cứ diễn ra như cơm bữa, còn cao hơn rất nhiều lần so với thống kê của cảnh sát. My way là một trong những ca khúc được giới sành nhạc yêu thích, nói về tâm trạng của một người đã sẵn sàng đón chờ cái chết, hồi tưởng lại đời mình, ông không chút nuối tiếc vì việc mình đã sống thế nào bởi cuối đời ông đã làm tất cả như mình muốn. “Nhưng vấn đề là ở chỗ, trong lời bài hát có những câu kiểu như I did it my way (tôi đã làm theo cách của mình), nghe khá là kiêu ngạo. Và khi người hát cao giọng ở đoạn ấy nó gợi lên cảm giác anh ta ra vẻ anh ta là ai đó cho dù thực tế anh ta chẳng phải như vậy và điều đó làm cho những người bên cạnh khó chịu và thế là đánh nhau”, Butch Albarracin, Hiệu trưởng trường dạy nhạc Center for Pop lý giải.

Máy hát karaoke tự động có thể tìm thấy ở bất cứ đâu tại Philippines

Bạo lực trong phòng karaoke

Tuy nhiên, sự lý giải ấy khập khiễng ở chỗ, My way là một trong những ca khúc được hát karaoke nhiều nhất ở Nhật và từ đó đến giờ chưa có trường hợp nào được thống kê về bài hát này đã dẫn đến những sự cố, chỉ mới thấy ở Philippines mà thôi.

Cần phải biết rằng karaoke là một nét văn hóa rất phổ biến ở Philippines. Người ta có thể hát karaoke từ sáng sớm, từ đô thị cho tới vùng quê hẻo lánh, ở bất cứ đâu, trong nhà, ngoài sân hoặc trong một cái chòi rách nát ở một cánh đồng xa lắc. Karaoke là một thú tiêu khiển mà người Philippines rất tự hào bởi họ nghĩ lúc nào cũng có thể trở thành ca sĩ. Roland B.Tolentino, giáo sư nghiên cứu văn hóa đại chúng của trường đại học Philippines cho rằng “Karaoke là một nét văn hóa phổ biến nhưng bạn cũng cần phải biết Philippines là một xã hội khá bạo lực và khi điều đó được nhen nhúm trong những phòng karaoke thì nó rất dễ được sinh sôi nảy nở. Một khi những quy tắc xã hội bị phá vỡ thì bạo lực sẽ chen chân vào”.

Alisa Escanlar, 33 tuổi, kể rằng chính cô đã từng chứng kiến tại phòng karaoke dạng Hát với nhau (mỗi bàn hát 3 bài, rồi luân phiên đổi micro), bàn bên cạnh có người đăng ký hát bài My way, khi hát xong thì mọi người xung quanh đều cười ra vẻ chế giễu, ngay lập tức người hát rút khẩu súng trong người ra và lên cò. Gần như ngay lập tức mọi người xung quanh thanh toán tiền và về thẳng.

Có khoảng một triệu khẩu súng bất hợp pháp trôi nổi ở Philippines và người ta không biết bao nhiêu khẩu súng ấy xuất hiện ở các phòng karaoke hàng ngày và hiện còn nơi nào dám để bài My way vào máy nữa hay không.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì 43% dân số Philippines hiện sống chỉ với 2 USD/ngày và nếu đi karaoke thì với số tiền ấy họ sẽ hát được 8 bài. “Nhưng tôi vẫn đi hát hàng đêm”, Dindo Auxlero, 42 tuổi, người sửa chữa đồng hồ tại một ki-ốt nhỏ ở Manila, chia sẻ. “Ở Philippines, cuộc sống khá khó khăn. Chính phủ tham nhũng, đời sống kinh tế yếu kém đã khiến nhiều người phải đi làm việc ở nước ngoài, ngay cả vợ tôi giờ đang đi làm giúp việc ở Lebanon. Karaoke là hình thức giải sầu hiệu quả nhất nhưng sự bạo lực thì vẫn hiển hiện ở khắp nơi. Như bài My way có mấy đoạn nghe cũng ghê ghê, kiểu như ate it up and spit it out (nuốt hết rồi nhổ ra) cũng dễ làm người ta bị kích động lắm”. Auxlero giờ chỉ hát nhạc của Scorpions và Dire Straits còn bài My way, gần như nghi lễ, ông không dám đụng đến.

Trường hợp của My way làm nhiều người nghĩ ngay đến Gloomy Sunday, tuyệt mệnh ca. Bài hát này kể về một tình yêu đã mất, được nhà soạn nhạc tên là Reszo Seress viết vào một ngày Chủ Nhật tháng 12/1932. Có rất nhiều giai thoại kể về bài hát này bởi rất nhiều người đã tìm đến cái chết khi nghe xong bài hát này. Khắp thế giới, có nhiều bài tường trình về những cái chết liên quan đến bài hát ấy, ca sĩ chết trong lúc hát, nhiều người chết trong lúc nghe… Sau đó đài phát thanh Anh và Mỹ phải cấm hẳn Gloomy Sunday vào những buổi phát thanh thường lệ trên làn sóng…

Nhưng Gloomy Sunday vẫn được hát ở Philippines và chẳng có vấn đề gì về bài hát này. Và quan trọng hơn, sự so sánh cũng là khập khiễng khi nguyên nhân của bạo lực gia tăng trong phòng karaoke ở Philippines dường như có những dấu hiệu của bạo lực xã hội và chẳng liên quan đến giai thoại nào cả. Đó là sự thật và người Philippines nào cũng tin chắc bạo lực là điều có thật ở xã hội của mình.

Hoa Thiên

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm