08/10/2018 09:46 GMT+7 | Bóng đá Việt
(lienminhbng.org) - Hôm nay, sau 7 tháng với vô số lần gián đoạn, giải chuyên nghiệp lần thứ 18 sẽ khép lại với nhiều cảm xúc nhảy múa.
Hà Nội vô địch trước 5 vòng đấu với nhiều kỷ lục mới, tiếp tục cho thấy phải còn rất lâu mới có cá nhân hay tập thể nào đủ sức cạnh tranh với đoàn quân nhà bầu Hiển. Một FLC Thanh Hóa của bầu Quyết là đáng gờm, nhưng họ quá mất tập trung, trong đó bầu Quyết chưa có một cánh tay phải cùng ê kíp đủ giỏi để tung ra những cú sút hiểm hóc, ghi bàn trên sân cỏ V-League, như bầu Hiển.
Phần nhỏ còn lại chủ yếu mơ có huy chương để báo cáo, và đa số mong trụ hạng để giữ “lộc lá” chuyên nghiệp là chủ yếu.
7 tháng các CLB chẳng có lãi gì từ bóng đá, nhưng phải chi quá nhiều tiền. Nếu trung bình mỗi đội chi 50 tỷ đồng thì giải chuyên nghiệp sẽ ngốn của 14 CLB tương đương 700 tỷ đồng. Một con số rất đáng “quan ngại”!
Cho dù bản báo cáo từ nhà tổ chức có màu hồng đi nữa, thì không phủ nhận giải chuyên nghiệp lần thứ 18 vẫn chưa có nhiều khởi sắc, từ chất lượng chuyên môn, từ số lượng khán giả, từ sự trung thực…, tất cả vẫn đang tồn tại ở khái niệm kinh điển: Giải nghiệp dư lĩnh lương cao, mà ông Nguyễn Văn Vinh từng phát biểu.
“Đen” hơn cho V-League 2018, rơi vào đúng thời điểm VFF kết thúc nhiệm kỳ 6. Lãnh đạo chóp bu VPF vẫn VFF mải lo chạy đua đến những chiếc ghế chủ chốt ở nhiệm kỳ tới. Phải nói là liên tiếp các “trận đấu đua ghế” nóng hơn các cuộc so tài trên sân cỏ. Thành ra, bản thân các sếp mất tập trung đã đành, vai trò điều hành, sâu sát V-League cũng không được như các mùa trước, kéo theo sự mất tập trung, thậm chí mất khí thế từ phía CLB, cầu thủ.
Chiều nay, vẫn may mắn khi còn có cặp đấu đáng hồi hộp: FLC Thanh Hóa tiếp Sanna Khánh Hòa BVN để tranh ngôi á quân. Nếu đội nào cũng đá với thái độ, tinh thần tử tế như đội bóng phố Biển, chả lo bóng đá chuyên nghiệp không đâm chồi, nảy lộc. Cho nên, giá trị ngôi á quân (nếu họ đạt được) vẫn cao hơn Thanh Hóa một bậc.
Trong Tây Đô, XSKT Cần Thơ quyết tử với Nam Định để giành một nửa sự sống. Thực sự, để tồn tại như hai đội bóng này chỉ thêm khổ, rất mệt mỏi. Thời điểm nước ngập tận cổ thì CĐV Nam Định phải hô nhau góp tiền giúp cầu thủ lương, thưởng. XSKT Cần Thơ hoạt động theo kiểu “nhà quê Nam Bộ”, chẳng có chiến lược, sách lược gì. Nên nhớ, họ cũng “đốt tiền” rất máu lửa chứ không phải quá nghèo như thiên hạ nghĩ.
Nhiều khả năng trận đấu ở Tây Đô sẽ khối chuyện hài hước xảy ra, nên BTC cần hết sức cẩn trọng, nhất là trong phân công trọng tài nào bắt chính, trợ lý nào phất cờ.
Nếu V-League tồn tại đến 14 đội bóng nhưng chất lượng kém, có lẽ VFF cũng nên tính đến chuyện tinh giản số CLB tham dự giải chuyên nghiệp. Bản thân VPF cũng dễ đầu tư chất lượng điều hành, tổ chức và xử lý các tình huống chuyên nghiệp hơn.
Cuối cùng, hy vọng khi Đại hội VFF xong, tìm ra được các lãnh đạo mới thì nền bóng đá, trong đó có V-League sẽ được thúc đẩy tích cực hơn. Ở góc độ đó, cũng cần phải chấp nhận và quên đi một mùa giải nhợt nhạt vì ảnh hưởng quá nhiều tác nhân.
Phong Uyên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất