Năm 2022 - Ra ngõ gặp toàn hoa hậu cấp quốc gia

23/05/2022 07:30 GMT+7 | Giải trí

Cuộc thi Hoa hậu siêu quốc gia Việt Nam 2022 chính thức tuyển sinh mùa đầu tiên là minh chứng mới nhất cho việc các cuộc thi nhan sắc đang đua nhau nở rộ trong năm 2022 này.

Chuyên gia Phúc Nguyễn nói gì về việc tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022?

Chuyên gia Phúc Nguyễn nói gì về việc tổ chức Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022?

Chiều qua, cuộc thi Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam 2022 chính thức được khởi động với vòng sơ tuyển diễn ra từ tháng 5/2022 và vòng bán kết, chung kết vào tháng 11-12/2022.

Sau một năm kìm nén vì đại dịch Covid-19, năm 2022 là năm mà Việt Nam bùng nổ các cuộc thi nhan sắc nhiều nhất từ trước đến nay, nếu chỉ tính riêng các cuộc thi nhan sắc có quy mô cấp quốc gia dành cho các cô gái. (Đó là chưa kể đến hàng chục cuộc thi nhan sắc khác dành cho quý bà, quý ông, thiếu niên, doanh nhân…). Thậm chí có một số cuộc thi “tồn đọng” từ năm 2021 vì dịch đã tranh thủ thi nốt trong năm 2022 này. Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu 2021 vừa kết thúc ở Phan Thiết là một thí dụ.

Cũng chuẩn bị cho năm 2021, nhưng lại “nhận nhiệm vụ” kết sổ năm 2022 cho các cuộc thi sắc đẹp, đó là Hoa hậu Trái đất Việt Nam, khi đêm chung kết dự kiến tổ chức ngày 30/12/2022 tại Lâm Đồng.

Thế giới có gì, Việt Nam có đó

Tính nhẩm thì, cứ trung bình hơn một tháng chúng ta sẽ có một cuộc thi hoa hậu quy mô toàn quốc, vì đã có ít nhất 9 cuộc thi hoa hậu đang tuyển sinh mang tầm hoặc quy mô quốc gia.

Việc trao đổi, chuyển nhượng giấy phép bản quyền tổ chức, tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế ngày một sôi động hơn. Chẳng hạn như Unimedia phối hợp tổ chức hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam với Leading Media, là đơn vị nắm bản quyền cuộc thi này ở Việt Nam và gần 10 cuộc thi nhan sắc lớn khác trên thế giới.

Chú thích ảnh
Các thí sinh tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022

Công ty Sen Vàng thâu gom bản quyền tham dự Miss World, Miss Grand International… Điều này càng góp phần khiến các cuộc thi nhan sắc “ngoại nhập” càng có giá hơn. Nhất là khi chuyện thí sinh đăng quang được đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi phiên bản toàn cầu là hiển nhiên và trở thành một trong những thước đo để người ta nhìn nhận quy mô một cuộc thi nhan sắc. Cho nên không lạ khi phần lớn các cuộc thi đang diễn ra đều là “nhập khẩu - Việt hóa”, dựa trên bản quyền sử dụng của các cuộc thi sắc đẹp quốc tế. Có nghĩa là, trên thế giới có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp được bình chọn là danh giá, thì ở Việt Nam gần như có bấy nhiêu cuộc thi tương ứng được “nhập khẩu” về.

Trừ Hoa hậu Quốc tế (Miss International), còn lại, từ Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Siêu quốc gia (Miss Supranational), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth), Hoa hậu Hòa bình thế giới (Miss Grand Miss Grand International)… đều lần lượt đổ bộ vào Việt Nam.

Từ nay đến cuối năm, các cuộc thi phải xếp lịch để đỡ trùng nhau, lần lượt là các cuộc thi: Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Thể thao Việt Nam - Miss Fitness Vietnam 2022, Hoa hậu Trái đất Việt Nam...

Đó là chưa kể đến cuộc thi nhan sắc quy mô cấp quốc gia đầu tiên của Việt Nam là Hoa hậu Việt Nam, như thường lệ, sẽ được tổ chức vào các năm chẵn, tức là năm nay. Điều đáng nói là trong số các cuộc thi này, chỉ có Hoa hậu Việt Nam và Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là “cũ”, còn lại, đều gần như lần đầu được tổ chức!

Chú thích ảnh
Hoa hậu H’Hen Niê

Được… nghị định như cởi tấm lòng

Cũng cần phải nhắc lại, năm 2021 là năm triển khai nghị định 144/2020/NÐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 14/12/2020, chỉ đạo về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Theo đó, lần đầu tiên, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp sẽ do UBND tỉnh, TP chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Các thí sinh và người đẹp Việt Nam tham dự các cuộc thi nhan sắc quốc tế cũng không cần phải xin giấy phép. Họ chỉ cần đáp ứng các yêu cầu: Có giấy mời của ban tổ chức cuộc thi, không vi phạm pháp luật, không bị đình chỉ hoạt động biểu diễn. Bên cạnh đó, quan trọng là nghị định này cũng không quy định giới hạn số lượng các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu và bỏ cả quy định cấm thí sinh phẫu thuật
thẩm mỹ.

Năm nay, Đà Nẵng trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước “triển khai” rất nhanh nghị định này, khi bước vào trạng thái bình thường mới, sau đại dịch Covid-19. Thành phố cảng biển này đã kịp có hoa hậu cho riêng mình, đó là Hoa hậu du lịch Đà Nẵng, tổ chức hồi tháng 2/2022.

Xin mở ngoặc thêm, sau khi đăng quang tầm quốc tế một thời gian, thu nhập của một hoa hậu được dân trong ngành quảng cáo buôn chuyện với nhau, nhẩm tính tầm… 50 tỷ đồng/tháng, trong đó chủ yếu đến từ quảng cáo, đại diện nhãn hàng.

Người đẹp cũ cũng dễ có cơ may

Kiếm đâu ra đủ số người đẹp để dự thi và đăng quang cho tất cả cuộc thi có lẽ cũng là chuyện đau đầu của những nhà tổ chức. Hiểu theo nghĩa tích cực nhất, là dịp các nhan sắc chạy sô đi thi, tìm kiếm cơ hội và kinh nghiệm. Cái nhìn của công chúng và giới truyền thông hiện nay cũng không còn nhiều càm ràm như xưa về chuyện nhan sắc cũ mới nữa, mà giờ lại xoay sang dõi theo sự trưởng thành trận mạc của các nữ chiến binh nhan sắc này xem họ có khả năng đi đến đâu. Trong trường hợp này, các người đẹp cũ cũng dễ có cơ may hơn, nếu họ chịu khó dự thi và chịu đi? Người đẹp cũng cần được chinh chiến mới dày dạn trận mạc, mới phát triển thêm năng lực. Thi nhiều hóa ra… cũng tốt. Thì ngay cả H’Hen Niê cũng “đã chinh chiến” nhiều cuộc thi đó thôi.

L.M.Hạ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm