22/07/2015 11:15 GMT+7 | Thế giới Sao
(lienminhbng.org) - Tại giải vô địch thế giới các môn thể thao dưới nước khởi tranh cuối tuần này ở Nga, lần đầu tiên trong lịch sử sẽ có môn bơi nghệ thuật cho nam giới. Nhưng liệu cánh cửa có mở ra với những tay bơi cơ bắp đã bị phân biệt đối xử về giới tính suốt một thời gian dài ở sân chơi danh giá nhất: Olympic?
25/7/2015 có thể là ngày đẹp nhất trong đời Bill May. “Tôi đã mơ về điều này cả cuộc đời mình”, anh nói. “Được bước ra thành bể bơi sẽ là ngày đẹp nhất với tôi”. Dân trong nghề coi May là một VĐV bơi nghệ thuật cự phách tầm cỡ thế giới. Cuối tuần này, 11 năm sau khi giải nghệ, anh sẽ cơ hội chứng tỏ điều đó. Dù có chiến thắng hay không, cơ hội được tranh tài cho đội Mỹ ở giải vô địch thế giới tại thành phố Nga Kazan đã là một phần thưởng lớn với anh.
Định kiến với nam giới
May nổi lên lần đầu năm 1998, khi anh và bạn thi Kristina Lum giành chiến thắng ở nội dung đôi nam-nữ tại giải vô địch Mỹ, rồi HCV ở Đại hội thể thao Goodwill. Anh được bình chọn là VĐV bơi nghệ thuật của năm ở Mỹ các năm 1998 và 1999, giành 14 chức VĐQG và hàng loạt danh hiệu khác ở Pháp, Đức, Italy và Thụy Sĩ.
May (phải) và bạn thi Kristina Lum (giữa)
Nhưng anh không được tranh tài ở giải VĐTG và Olympic, những giải đỉnh cao, vốn chỉ có chỗ cho phụ nữ. May giải nghệ với tất cả sự bứt rứt và chưa trọn vẹn đó. Nhưng tháng 11 vừa rồi, Liên đoàn các môn thể thao dưới nước quốc tế (FINA) đã tuyên bố sẽ mở cửa cho các VĐV nam tại giải VĐTG 2015.
Bơi nghệ thuật đã là một môn thể thao Olympic từ năm 1984, nhưng chỉ có nội dung cho nữ. Ngay cả hiện giờ, định kiến với nam giới trong môn thể thao này vẫn còn rất lớn. Là một siêu cường của bơi nghệ thuật trong suốt một thời gian dài và kỳ Olympic nào cũng có HCV, nước chủ nhà của giải VĐTG 2015 Nga không hào hứng lắm với sự thay đổi luật lệ của FINA.
Nam giới vẫn phải chịu nhiều định kiến ở môn bơi nghệ thuật
Bộ trưởng thể thao Nga Vitaly Mutko nói bơi nghệ thuật “chỉ nên dành cho phụ nữ” và úp mở rằng sự thay đổi luật lệ là do áp lực từ các đối thủ của Nga. “Tôi có thái độ rất tiêu cực với bơi nghệ thuật cho nam giới”, VĐV nữ người Nga từng 4 lần vô địch Olympic Anastasia Ermakova nói. “Tôi không thể hài lòng với việc nam giới bước vào địa hạt của chúng tôi”, một nhà vô địch khác, Svetlana Romashina, nói.
"85 tuổi, tôi cũng sẽ thi"
Tuy nhiên, Alexander Maltsev, một nam VĐV người Nga 20 tuổi sẽ dự giải lần này, nghĩ khác: “Nhiều người thấy khó hình dung, nhưng khi họ xem, tôi đảm bảo rằng họ sẽ đổi ý. Chúng tôi có ít các giải chính thức, nhưng luôn nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt từ khán giả”.
Darina Valitova và Aleksander Maltsev trong buổi diễn đôi nam nữ hồi tháng Sáu
Bơi nghệ thuật từng đối mặt với rất nhiều thách thức vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Giải chính thức đầu tiên được tổ chức vào năm 1892 tại Yorkshire, Anh, với ngôi sao chính là một VĐV nam, Bob Derbyshire, khi đó mới 14 tuổi. Các VĐV bơi nam giới cũng góp phần trong việc phổ biến môn thể thao rất khó này vào các năm 1930 và 1940, nổi tiếng nhất là buổi trình diễn Billy Rose Aquacade năm 1940 tại San Francisco, với 50 VĐV nữ và 24 VĐV biểu diễn liên tục trong 3 ngày, thu hút lượng khán giả hàng chục nghìn người.
Nhưng mãi tới năm 1978, các cuộc thi bơi nghệ thuật chuyên nghiệp mới bắt đầu có chỗ cho nam giới ở Mỹ và 6 năm sau đó, khi bơi nghệ thuật lần đầu tiên được đưa vào Olympic, Los Angeles 1984, chỉ có các VĐV nữ tranh tài. Nhưng thời đại đang thay đổi. Phụ nữ giờ tranh tài ở mọi nội dung Olympic, nhưng vẫn còn 2 nội dung nam giới bị “cấm cửa” (ngoài bơi nghệ thuật là thể dục nhịp điệu).
Bill May sẵn sàng thi đấu dù có... 85 tuổi
Nhưng hy vọng của những người như May có thể là quá sớm. Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nói họ chỉ xem xét thay đổi nếu có đề nghị từ FINA, và FINA hiện giờ vẫn chưa đưa ra đề nghị. Tuy nhiên, khát khao của các VĐV nam là không thể nhầm lẫn. “Nếu bơi nghệ thuật trở thành một môn thể thao Olympic, dù có 85 tuổi tôi cũng sẽ thi”, Bill May nói. Rất có thể anh sẽ không phải chờ lâu như thế.
Thu hút thêm nam giới Các chuyên gia cho rằng sẽ càng có lợi cho bơi nghệ thuật nếu môn thể thao này thu hút được thêm nam giới, giống như khiêu vũ. “Thật ra đó cũng chỉ là khiêu vũ, chỉ có điều là ở dưới nước”, Jamie Hooper, giám đốc chương trình bình đẳng giới của Hiệp hội thể thao dưới nước nghiệp dư Anh (ASA), nói. Ông so sánh rằng 15 năm trước, các môn khiêu vũ còn rất hiếm các bé trai theo học, nhưng với sự nổi lên của các nhóm nhảy đường phố và những chương trình thực tế như “Britain’s Got Talent”, điều đó đã thay đôi hoàn toàn. Bơi nghệ thuật cũng sẽ như thế nếu sản sinh ra những ngôi sao nam giới đích thực. |
Trần Trọng
Tổng hợp
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất