Năm học 2018 - 2019: Giáo dục là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài

04/09/2018 11:51 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) - Để đảm bảo cho chất lượng giáo dục phát triển ổn định và bền vững, tỉnh Bạc Liêu đã chuẩn bị sẵn sàng cho năm học 2018 – 2019, đồng thời triển khai nhiều giải pháp “Dạy thật – Học thật” vươn tới mục tiêu “Dạy tốt – Học tốt”.

Chuẩn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên

Nhằm chuẩn bị tốt cho năm học 2018 – 2019, bằng nguồn vốn sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo cùng với các nguồn vận động xã hội hóa các địa phương, tỉnh đã đầu tư cho cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị dạy học. Cụ thể, huyện Hòa Bình đầu tư hơn 40 tỷ đồng xây dựng mới: Trường Tiểu học Đông Hải (xã Vĩnh Hậu A) với 10 phòng học; Trường Mẫu giáo Hoàng Oanh (thị trấn Hòa Bình) với 20 phòng học; 10 phòng học cho Trường Tiểu học Minh Diệu A; 6 phòng học cho Trường Tiểu học Vĩnh Bình A… cùng các công trình tường rào, nhà vệ sinh, nâng cấp sân bãi, sơn mới phòng học. Huyện Vĩnh Lợi đầu tư gần 60 tỷ đồng xây dựng mới: Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm với 15 phòng học, khu hiệu bộ, phòng chức năng; xây mới 10 phòng học, 6 phòng chức năng Trường Tiểu học Cửu Long 2; 9 phòng học và công trình phụ Trường trung học Cơ sở Hưng Thành; 4 phòng học và khu hiệu bộ, công trình phụ Trường Tiểu học Hoàng Quân (giai đoạn 2)… Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí hiện có, nhiều trường học đã tự sửa chữa, nâng cấp, cải tạo một số công trình phụ tại đơn vị mình nhằm chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu Dương Hồng Tân cho biết, Sở sẽ trình UBND tỉnh tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho việc dạy và học, đặc biệt là ở vùng ven biển, dân tộc thiểu số… nhằm đẩy mạnh việc xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia.

Chú thích ảnh
Ảnh: TTXVN

Năm học 2018 – 2019, Bạc Liêu thiếu 505 giáo viên, trong đó giáo viên Mầm non thiếu 231 người, Tiểu học thiếu 133 người và Trung học Cơ sở thiếu 141 người. Trên cơ sở thống kê và rà soát số lượng giáo viên thiếu, các huyện, thành phố, thị xã đã ký hợp đồng để đảm bảo có đủ giáo viên giảng dạy theo yêu cầu. Việc tuyển thêm hơn 500 giáo viên đã nâng tổng số cán bộ, công nhân viên chức ngành Giáo dục lên gần 9.400 người, trong đó Mầm non gần 1.800 người, Tiểu học gần 4.000 người, Trung học Cơ sở hơn 2.700 người, Trung học Phổ thông hơn 900 người, giáo dục thường xuyên hơn 20 người.

Cùng với việc tuyển mới nguồn giáo viên, 100% cán bộ quản lý và giáo viên các ngành học, cấp học được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết phục vụ cho công tác quản lý và giảng dạy trước khi vào năm học mới. Từ cuối tháng 7, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chính trị hè cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong ngành. Trong đó, Sở trực tiếp tổ chức 4 lớp bồi dưỡng chính trị hè cho gần 1.000 công chức, viên chức các phòng, ban của Sở, Ban Giám hiệu các trường Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở, Tiểu học, Mầm non trong tỉnh…

“Dạy thật – Học thật” vươn tới mục tiêu “Dạy tốt – Học tốt”

Năm học này, Bạc Liêu có gần 165.500 học sinh nhập học. Trong đó, bậc Mầm non dự kiến số trẻ ra lớp 26.362/45.378 trẻ trên địa bàn, chiếm 58,09% (tăng 3,4% so với năm học trước), trong đó dự kiến tuyển mới gần 12.100 trẻ. Trẻ em 5 tuổi huy động ra lớp là 13.682/13.682 trẻ. Học sinh Tiểu học hơn 74.800 em, tăng 3,47% so với cùng kỳ năm học trước. Đối với Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở, tổng số học sinh các trường trực thuộc Sở gần 21.200 học sinh, tăng gần 800 học sinh so với cùng kỳ năm học trước...

Tại thành phố Bạc Liêu, công tác huy động học sinh ra lớp được thành phố đặc biệt lưu tâm. Trong đó, bậc Mầm non sẽ huy động gần 4.300 trẻ đến trường; bậc Tiểu học huy động khoảng gần 13.300 em; bậc Trung học Cơ sở huy động gần 8.900 học sinh. khắc phục tình trạng quá tải diễn ra hàng năm ở các điểm trường Tiểu học thuộc nội ô thành phố như: Kim Đồng, Phùng Ngọc Liêm, Lê Văn Tám, Trần Phú, Lê Hồng Phong…, thành phố Bạc Liêu đã trình UBND tỉnh cấp phép cho trường Tiểu học tư thục Tâm Tâm hoạt động. Cuối năm 2018, thành phố sẽ triển khai thực hiện dự án xây dựng trường Tiểu học chất lượng cao, cũng như đầu tư xây dựng thêm phòng học ở những trường có quỹ đất. Đồng thời, thành phố kiến nghị UBND tỉnh trưng dụng Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề để cải tạo, mở rộng các phòng học mới cho Trường Tiểu học Phùng Ngọc Liêm.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Vương Phương Nam nhấn mạnh, Bạc Liêu sẽ tiếp tục chấn chỉnh công tác tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của các cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục, hoạt động dạy và học, trước hết là của cán bộ quản lý, giáo viên. Tỉnh chấn chỉnh việc chấp hành thi hành công vụ, nêu cao ý thức tự học, tự rèn luyện để không ngừng hoàn thiện năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong các cơ quan, cơ sở giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện năm học. Tỉnh quan tâm giáo dục đạo đức, hạnh kiểm, nâng cao kỹ năng, ý thức tự rèn luyện học tập của học sinh, làm cho các hoạt động giáo dục chuyển biến theo hướng “Dạy thật – Học thật” để vươn tới mục tiêu “Dạy tốt – Học tốt”.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu Dương Hồng Tân, năm học 2018 – 2019, ngành Giáo dục tiếp tục phân cấp, phân quyền. Trước hết là giao việc chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, giao quyền tự chủ tài chính, tự chủ trong hoạt động chuyên môn, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị trường học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện dân chủ trong trường học gắn liền với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục; khắc phục tình trạng tùy tiện, khoán trắng, buông lỏng quản lý; đảm bảo được yêu cầu công khai, dân chủ và sự giám sát của các tổ chức, đoàn thể trong các đơn vị trường học...

Ngành Giáo dục đổi mới mạnh mẽ phương pháp, hình thức dạy học đồng bộ với đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và rèn luyện theo hướng phát triển năng lực học sinh; nâng cao hiệu quả hoạt động giáo dục thông qua việc phát huy đúng mức vai trò của cha mẹ học sinh trong việc tham gia giáo dục ý thức học tập, lao động, thói quen giữ gìn vệ sinh trường lớp… của học sinh. Ngành kiên quyết đấu tranh tư tưởng khoán trắng trách nhiệm cho nhà trường; khắc phục tình trạng tiêu cực, lãng phí các nguồn lực đóng góp của cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục…

Đồng thời, khắc phục tình trạng thiếu đất, đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình để phát triển trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí nông thôn mới, trong đó chủ yếu là đảm bảo cho nhu cầu học 2 buổi/ngày, phát triển các phòng học chức năng, bộ môn.

TTXVN/Nhật Bình

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông

Thủ tướng Chính phủ vừa ra Chỉ thị về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm