Nạn biến người lao động thành 'nô lệ': Những nước nào có nguy cơ cao nhất?

11/08/2016 15:13 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Theo chỉ số đánh giá về tình trạng lạm dụng sức lao động trên toàn cầu mới công bố ngày 11/8, tại gần 60% quốc gia trên thế giới, người lao động phải đối mặt với nguy cơ cao bị lạm dụng sức lao động, làm việc như những “nô lệ thời hiện đại”.

Dựa vào các số liệu đánh giá tình trạng buôn người, luật quốc gia có liên quan tới sử dụng lao động và tình trạng thi hành luật của 198 quốc gia trên thế giới, công ty chuyên phân tích rủi ro Verisk Maplecroft (Anh) cho biết 115 quốc gia trong số này có nguy cơ cao hoặc rất cao lạm dụng lao động như những “nô lệ thời hiện đại”.

“Nô lệ thời hiện đại” là khái niệm đề cập tới tình trạng buôn người, lao động cưỡng bức, nô lệ vì nợ nần, mại dâm, hôn nhân cưỡng bức và một số hình thức khai thác lao động kiểu nô lệ khác. Chỉ số mới do công ty Verisk Maplecroft công bố nhằm giúp các doanh nghiệp nhận biết những quốc gia có nguy cơ cao về lạm dụng lao động.


Chùm bài điều tra “Hải sản từ nô lệ” (giải Pulitzer 2016) đã giúp khoảng 2.000 người lao động bị ngược đãi được trả tự do. Ảnh: AP

Nhìn chung các quốc gia đều có hệ thống luật pháp khá ổn hoặc rất tốt để điều chỉnh vấn đề này tuy nhiên cách mà mỗi quốc gia thi hành những luật này là điều dẫn tới sự khác biệt trong hiệu quả thực hiện và cấp độ rủi ro

Cũng theo báo cáo này, một số quốc gia ở châu Phi như Nam Sudan, Sudan và CH Congo được xếp vào mục các quốc gia có nguy cơ cao nhất, trong khi một số quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc được đánh giá ở mức độ nguy cơ rất cao. Liên minh châu Âu (EU) là khu vực có nguy cơ lạm dụng sức lao động ở mức trung bình trong đó 4 quốc gia Anh, Đức, Đan Mạch và Phần Lan là 4 quốc gia duy nhất có mức độ nguy cơ ở cấp thấp thấp

Trong vài năm trở lại đây, đề tài này ngày càng thu hút sự quan tâm của dư luận đặc biệt trong các ngành nghề như đánh băt cá, khai thác mỏ và dệt may.

Trước đó, báo cáo “Chỉ số nô lệ toàn cầu” do tổ chức nhân quyền Walk Free (Australia) công bố hồi tháng 6 cũng đã chỉ ra gần 46 triệu người trên toàn thế giới đang sống và làm việc trong tình trạng bị lạm dụng như những “nô lệ thời hiện đại”, bị cưỡng ép lao động trong các nhà máy, hầm mỏ và trang trại hay bị đưa vào các tụ điểm mại dâm, buộc phải lao động như nô lệ vì nợ nần hoặc sinh ra trong cảnh nô lệ.

TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm