Nắng nóng kinh hoàng còn kéo dài, đừng bỏ qua 7 lưu ý sau đây

02/06/2016 22:03 GMT+7 | Thế giới

(lienminhbng.org) -  Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hôm nay (2-6), tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ, nắng nóng đã lên đến đỉnh điểm và có thể tiếp tục duy trì trong vài ngày tới.

Nắng nóng gay gắt có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người. Vì vậy, người dân cần tăng cường áp dụng những biện pháp chống nắng, nóng để hạn chế tối đa các thiệt hại.

* Nắng nóng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe

Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết, nắng nóng diện rộng tiếp tục duy trì ở Bắc Bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày 2-6 phổ biến 36-38 độ, có nơi trên 39 độ. Các tỉnh Trung Bộ có nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 37-39 độ, có nơi trên 40 độ. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ khoảng từ 10-18h.

Đợt nắng nóng gay gắt này đã bắt đầu từ hôm qua 1-6 và có khả năng sẽ kéo dài đến hết ngày 3-6 ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa. Từ ngày 5-6 nắng nóng sẽ dịu dần ở các tỉnh Trung Bộ.


Khoa Nhi - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TƯ (Bộ Y tế), bệnh nhi cấp cứu nhập viện tăng nhẹ so với ngày thường (ảnh chụp 2/6/2016). Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN

Nắng nóng trên diện rộng có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm, có khoảng 150.000 người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu như bệnh tim, hô hấp, tiêu chảy do nhiệt độ tăng quá cao.

Nhiệt độ tăng cao, nắng nóng dài ngày tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi-rút, vi khuẩn, côn trùng gây bệnh sinh sôi nảy nở. Các loại bệnh dễ mắc phải do nắng nóng như bệnh về đường hô hấp (viêm phổi, viêm họng, sốt vi-rút…), các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa (tiêu chảy).

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến nồng độ ozon và một số chất ô nhiễm khác trong không khí tăng cao, làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Đặc biệt, tia tử ngoại của ánh nắng mặt trời có thể dẫn đến ung thư da. Say nắng, kiệt sức, mất nước, chuột rút…cũng có thể xảy ra do thời tiết nắng nóng.

Ngoài ra, nắng nóng kéo dài có thể gây hạn hán, thiếu nước sạch sinh hoạt làm các bệnh dịch càng dễ phát triển trong khi sức đề kháng của cơ thể kém đi do thiếu nước sạch…


Trẻ em mắc bệnh trong đợt nắng nóng

* Một số biện pháp phòng, chống nắng nóng

1 -Uống nhiều nước: Đây chính là biện pháp đầu tiên, dễ thực hiện và rất hiệu quả để chống nắng nóng. Cần bổ sung đầy đủ, điều độ nước hàng ngày, thậm chí hàng giờ để chống nắng nóng và bù lượng nước bị mất đi. Không nên uống nước đá, nước lạnh hay nước ngọt có gas bởi nó chỉ khiến cơ thể thêm phần mất nước. Lý tưởng nhất là chọn các loại nước như: nước lọc, nước ép trái cây, nước ép rau xanh nguyên chất…

2 - Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng: Vào mùa hè, để tăng cường sức đề kháng hiệu quả, cần ăn chế độ ăn đa dạng, đầy đủ dinh dưỡng và có sự thay đổi, luân phiên trong việc chế biến các món ăn; nên ăn thức ăn dễ tiêu hóa, thức ăn nhiều nước; ăn nhiều những thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt, giải độc cơ thể để chống nắng nóng như: trái cây, rau xanh, chè hạt sen, sữa chua, sữa tươi…

3 - Mặc trang phục mát: Mặc đồ nhẹ, rộng, ví dụ như đồ cotton để dễ toát mồ hôi. Ra đường cần mặc kín, tránh quần áo quá dày và tối màu vì sẽ dễ hấp thụ nhiệt. Đội nón rộng vành, ưu tiên loại có các lỗ thông hơi. Đeo kính mát để bảo vệ mắt... Ngoài ra cần tắm rửa thường xuyên và giữ vệ sinh sạch sẽ để tránh mắc các bệnh truyền nhiễm.

4 - Giữ nhà cửa thông thoáng: Cần mở hết cửa sổ nếu nhiệt độ bên ngoài gần bằng hoặc thấp hơn nhiệt độ trong nhà. Cửa sổ mở sẽ giúp điều hòa không khí tự nhiên, đưa nhiệt ra ngoài và gia tăng luồng luân chuyển không khí trong nhà. Lưu ý tắt hết đèn, các thiết bị điện không cần thiết vì các thiết bị này tỏa nhiệt nóng.

5 - Tránh xa ánh nắng: Nếu bắt buộc phải ra nắng thì cần cố gắng chỉ ra nắng trong thời gian ngắn và phải thoa kem chống nắng với chỉ số SPF ít nhất là 15. Ngay khi cơ thể có cảm giác mệt và say nắng, cần nhanh chóng tránh ánh nắng chiếu trực tiếp, đặc biệt là tránh nắng vào khoảng 11 giờ trưa đến 3 giờ chiều vì đây là thời gian ánh nắng nguy hiểm nhất.

6 - Lưu ý về việc tập luyện: Không nên tập thể dục quá nhiều vào các thời điểm nắng gắt trong ngày. Thay vào đó, có thể chạy bộ, đi bộ vào lúc mặt trời gần mọc hay lặn. Tập luyện từ từ để thích ứng với không gian dưới ánh nắng. Nếu thấy khó thở được hoặc tim đập mạnh, cần dừng tập và cố gắng làm mát cơ thể, ví dụ như xả nước mát. Nghỉ ngơi nếu thấy lả người hay hoa mắt chóng mặt…

7 - Lưu ý khi dùng quạt và điều hòa: Hạn chế gió quạt lùa thẳng vào người, đặc biệt đối với trẻ nhỏ. Nếu sử dụng điều hòa nên để nhiệt độ từ 28-29 độ và hạn chế thay đổi môi trường đột ngột từ trong nhà điều hòa ra ngoài trời nắng nóng, hoặc ngược lại.

* Sơ cứu khi bị say nắng

Triệu chứng say nắng: nhiệt độ trung tâm của cơ thể cao hơn 40,5 độ C. Ngất xỉu thường là dấu hiệu đầu tiên. Các triệu chứng khác có thể gồm: Đau nhói đầu; chóng mặt và choáng váng; không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng; da đỏ, nóng và khô; buồn nôn và nôn; co giật; hôn mê...

Sơ cứu ban đầu với người say nắng

- Đưa bệnh nhân tới nơi có điều hòa hoặc ít nhất là chỗ râm mát và cởi bỏ các quần áo không cần thiết.

- Nếu có thể, nên đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân rồi sơ cứu để hạ nhiệt độ cơ thể xuống còn 38,3-38,8 độ C. Trường hợp không có nhiệt kế, tiến hành sơ cứu ngay bằng các phương pháp làm mát như: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân. Do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da cho nên việc làm lạnh chúng có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể; nhúng bệnh nhân vào vòi hoa sen hoặc bồn tắm có nước mát, hoặc bồn tắm nước đá…

- Gọi điện tới các phòng cấp cứu trong bệnh viện để được hướng dẫn thêm.

Một người đã hồi phục sau sốc nhiệt có thể nhậy cảm hơn với nhiệt độ cao trong các tuần sau đó. Vì vậy, tốt nhất, cần tránh thời tiết nóng và tập luyện nặng cho tới khi bác sĩ khẳng định đã an toàn để quay lại các hoạt động bình thường.

Minh Hiếu (tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm