20/07/2021 06:16 GMT+7 | Thể thao
(lienminhbng.org) - Olympic Tokyo 2020 sẽ là một bài test thực sự cho Naomi Osaka, một tay vợt đầy tài năng nhưng gặp vấn đề lớn trong việc ứng xử với giới truyền thông.
Gần một tuần sau khi vô địch US Open 2018, Naomi Osaka trở về Nhật Bản trong ánh đèn flash, tiếng bấm máy liên tục, nụ cười ngượng ngịu, và những bức ảnh được dàn dựng. Đó là lần đầu tiên, cô được (bị) giới truyền thông trong nước săn đón dữ dội đến thế. “Tôi chưa bao giờ như thế này - lạy Chúa, chói mắt quá – quá nhiều người trong phòng họp báo. Tôi sẽ chìm nghỉm mất”, Osaka đã thốt lên trong buổi họp báo đông nghịt ở Yokohama. Đó là dấu hiệu cho thấy sự nổi tiếng đi kèm những phiền toái bắt đầu tới.
Hè này, Osaka là một trong những ngôi sao được kỳ vọng nhất của đoàn chủ nhà Nhật Bản tại Olympic Tokyo, là hình mẫu cho thế hệ tương lai. Liệu cô sẽ mang bộ mặt nào, ở trong và ngoài sân đấu?
Thương hiệu Osaka
Sau buổi họp báo đáng nhớ ở Yokohama, Osaka tới thăm trụ sở Nissan và ký hợp đồng làm đại sứ toàn cầu của hãng ô tô này trong ba năm. Kể từ đó, cô nhận vô số hợp đồng tài trợ, từ hãng mì ăn liền Nissin cho tới những thương hiệu sang trọng như Louis Vuiton và Tag Heuer.
Theo thống kê của Forbes tính đến tháng 6 vừa qua, Osaka đã bỏ túi 60 triệu USD trong vòng 12 tháng, trong đó 55 triệu USD đến từ tài trợ. Trong khoảng thời gian ấy, chỉ Tiger Woods, Roger Federer và Lebron James là kiếm nhiều tiền từ tài trợ hơn Osaka. “Cô ấy đã xây dựng được cả một thương hiệu. Cô còn trẻ, thành công ở cả trong và ngoài sân đấu. Cô là một người đa văn hóa và có lượng fan trên mạng xã hội đông đảo”, Patrick Walsh – phó giáo sư về quản lý thể thao của đại học Syracuse thán phục, “Đó là điều mà các nhãn hiệu đều quan tâm”.
Trong năm 2021, Osaka đã ra mắt dòng đồ bơi hợp tác với Frankies Bikini, đồng thời tuyên bố thành lập Kinlo, một công ty chăm sóc da cho những người da màu. Cô cũng đầu tư vào hãng nước uống thể thao Body Armor, và nhà sản xuất thiết bị thể dục Hyperice. Theo Walsh, Osaka đang đi theo con đường của Maria Sharapova và Kobe Bryant.
Tạo ấn tượng ở Nhật Bản
Naomi Osaka – có bố người Haiti và mẹ người Nhật - đã để lại dấu ấn độc đáo tại xứ sở mặt trời mọc. Thành công của cô đã truyền cảm hứng cho những phụ nữ trẻ và những cô bé ở Nhật, những người đang tìm kiếm một hình mẫu để noi theo. Ý niệm rằng ai cũng có thể làm được, kể cả người Nhật mang tính thuyết phục rất cao. Đó chính là sức mạnh của thể thao.
“Tôi thích ý nghĩ về một cô gái hai chủng tộc trong một lớp học ở Nhật bừng lên niềm tự hào khi tôi giành Grand Slam”, Osaka viết như thế trên tạp chí Esquire hồi tháng 7/2020. Cô cũng đóng một vai trò tích cực trong phong trào Black Lives Matter sau vụ một sĩ quan cảnh sát giết George Floyd – một người da màu. Ngôi trường trong bài viết của Osaka là bối cảnh trong một quảng cáo của Nike về chống bắt nạt và phân biệt chủng tộc mà cô góp mặt. Trong đoạn clip ấy, ba cô gái bị bắt nạt vì nguồn gốc của mình đã tìm lại được sự tin nhờ thể thao.
Nhưng các fan có tuổi của Nhật không ủng hộ Osaka lắm. Họ lưỡng lự vì cho rằng Osaka không thạo tiếng Nhật và quan trọng hơn, là văn hóa Nhật. Những CĐV này khá thành kiến với những người mang hai dòng máu và không cho rằng Osaka hay ngôi sao bóng rổ Rui Hachimura (gốc Benin) là “người Nhật”.
“Trên thực tế, những người mang hai dòng máu – nhất là các VĐV – là tương lai của Nhật Bản”, Osaka thể hiện quan điểm mạnh mẽ trên Esquire, “Chúng tôi (bản thân cô, Rui Hatchimura và những người khác) được công chúng, người hâm mộ, nhà tài trợ và giới truyền thông đón nhận. Không thể để sự thiếu hiểu biết của một số ít cản trở sự tiến bộ của quần chúng. Tôi cảm nhận được tình yêu của người hâm mộ Nhật Bản ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những người trẻ”.
Không thoải mái dưới ánh đèn flash?
Sau khi giành danh hiệu WTA đầu tiên trong sự nhiệp, tại Indian Wells năm 2018, Osaka đã vấp ngã và cười khúc khích khi cầm micro. Cô gọi đó là “bài phát biểu tệ nhất mọi thời đại”.
Sau trận chung kết đơn nữ US Open 2018, rất nhiều fan ở Arthur Ashe đã la ó khi Osaka – chứ không phải niềm hy vọng nước chủ nhà Serena Williams – bước lên nhận cúp, khiến cô bật khóc. Gần một năm sau, khi bị loại ngay vòng 1 Wimbledon, cô rời phòng họp báo đột ngột và cũng suýt bật khóc.
Quyết định không họp báo ở Roland Garros với lý do tâm thần bất ổn của Osaka được nhiều nơi trên thế giới ủng hộ, nhưng các nhà tổ chức của 4 Grand Slam thì không. Để phản ứng, Osaka rút lui ngay sau trận đầu và viết trên Twitter rằng cô đã phải bị trầm cảm suốt từ US Open 2018. “Tôi không phải một diễn giả trước công chúng và thường xuyên lo lắng trước khi phát biểu trước truyền thông”, Osaka thừa nhận.
Huyền thoại Chris Evert, từng giành Grand Slam đầu tiên khi mới 19 tuổi, nhận xét rằng sự nổi tiếng đến với Osaka quá đột ngột, mà cô lại là người nhút nhát và sống nội tâm. Trong khi đó, giáo sư tâm lý Seiji Takaku của đại học Soka thì hoan nghênh quyết định dũng cảm của Osaka khi cô rút lui khỏi Roland Garros, và bỏ qua Wimbledon, đồng thời nâng cao nhận thức về sức khỏe tâm lý mà ngay cả những VĐV nổi tiếng nhất thế giới cũng phải đối mặt. “Những quyết định ấy là chính đáng, nó dựa trên lợi ích dài hạn của bản thân cô ấy, cũng như các VĐV khác đang gặp phải vấn đề về sức khỏe tinh thần”.
Nói vậy không có nghĩa Osaka tránh xa ánh đèn flash. Vài tuần sau khi rút khỏi Roland Garros, cô xuất hiện trên trang bìa Vogue phiên bản Nhật. Thứ Sáu vừa rồi, một series phim tài liệu về cô đã được công chiếu trên Netflix. Vấn đề của Osaka là không thích những câu hỏi kiểu soi mói từ cánh báo chí. Có thể, thời gian sẽ giúp cô vượt qua được sự nhút nhát của bản thân, dù cô không hoàn toàn thoải mái trước đám đông.
Kỳ vọng ở Olympic
Quần vợt Nhật Bản chưa bao giờ giành HCV Olympic, và chưa bao giờ sự kỳ vọng dành cho Osaka lớn như thế này. Lý do: Cô đã vô địch 4/6 Grand Slam gần nhất diễn ra trên mặt sân cứng. Kể từ tháng 8 năm ngoái, thành tích của cô trên mặt sân ưa thích này là 23 thắng – 1 thua. Theo nhận định của Evert, Osaka là tay vợt có thể lực và khả năng bùng nổ nhất hiện nay.
Cô cũng từng chứng tỏ tinh thần kiên cường khi đối mặt với nghịch cảnh và có nhiều sự chú ý hướng về mình. Một tay vợt yếu đuối có thể sụp đổ dưới áp lực khi đấu với Serena trong trận chung kết Grand Slam đầu tiên, nhất là khi có những tranh cãi liên quan đến trọng tài và đám đông CĐV thì ủng hộ tay vợt người Mỹ, Nhưng Osaka vẫn tập trung, và chiến thắng chỉ sau hai set. Hai năm sau, dù công khai ủng hộ Black Live Matter với 7 chiếc mặt nạ được chuẩn bị sẵn, nhưng Osaka vẫn chơi tập trung và vô địch xứng đáng.
“Tin hay không thì tùy, nhưng tôi là người sống nội tâm”, Osaka chia sẻ trên tạp chí Time. Tin mừng cho cô là IOC đã xác nhận rằng các tay vợt ở Olympic không nhất thiết phải phát biểu trước truyền thông. Nhờ thế, Osaka cũng bớt áp lực hơn, và các đối thủ của cô thì hãy coi chừng!
Phương Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất