06/12/2013 06:07 GMT+7 | Trong nước
(lienminhbng.org) - Nelson Mandela, nhà cách mạng nổi tiếng của Nam Phi, đã qua đời lúc 01h50 rạng sáng nay (giờ Hà Nội) sau thời gian dài đấu tranh với bệnh tật và tuổi già. Tổng thống đương nghiệm của Nam Phi, ông Zacob Zuma, xác nhận điều này trên kênh truyền hình quốc gia.
"Bây giờ, ông đã được yên nghỉ. Đất nước chúng tôi vừa mất đi một người con vĩ đại. Người dân chúng tôi vừa mất đi một người cha", Tổng thống Zuma thông báo về sự ra đi của ông Mandela.
VIDEO: Tổng thống Zacob Zuma thông báo về sự ra đi của ông Nelson Mandela trên kênh truyền hình quốc gia Nam Phi
Ông Mandela hưởng thọ 95 tuổi. Ông qua đời tại Johannesburg, Nam Phi. Để tưởng nhớ công lao cũng như những đóng góp to lớn của ông Mandela, Nam Phi đã quyết định sẽ cử hành nghi lễ quốc tang, bắt đầu treo cờ rủ từ ngày thứ Sáu, 6/12.
Các hãng thông tấn, kênh truyền hình lớn trên thế giới cũng đều đã đưa tin về cái sự ra đi của nhân vật chính trị xuất chúng trong thế kỷ 20 này.
Hồi tháng 7 vừa qua, ông Mandela từng rơi vào tình trạng nguy kịch về sức khỏe. Tuy nhiên, ông đã vượt qua thời khắc sinh tử để tiếp tục sống với người dân Nam Phi cho đến hôm qua.
Con người vĩ đại
Ông Mandela sinh ngày 18/7/1918 tại Mvezon, Nam Phi. Ông đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời mình để đấu tranh không mệt mỏi vì sự nghiệp của hòa bình, nhân đạo, công bằng xã hội và hòa giải dân tộc.
Ông tham gia hoạt động chống Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc (apartheid) từ sớm. Năm 1962, ông bị bắt giữ và nhận án tù chung thân. Ông Mandela đã bị giam 27 năm trong tù, phần lớn thời gian là ở tại Đảo Robben, trước khi được trả tự do vào năm 1990 và trở thành Tổng thống đầu tiên của Nam Phi từ 1994 đến 1999. Ông cũng là Tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.
Tại Nam Phi, ông Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba, một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng. Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.
Ghi nhận những đóng góp to lớn của ông Mandela trong cuộc đấu tranh cho một thế giới tốt đẹp hơn, từ năm 2009, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã tuyên bố lấy ngày 18/7 hàng năm làm "Ngày quốc tế Mandela", còn được gọi là Ngày Mandela.
Phản ứng của các chính khách
Dư luận quốc tế ngay lập tức đã bày tỏ thương tiếc về sự kiện cựu Tổng thống Nelson Mandela qua đời. Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi "phẩm giá và tính kiên cường" của ông Nelson Mandela, người mà ông đánh giá đã "hy sinh cả tự do của mình để giành lại tự do cho người khác". Tổng thống Obama tuyên bố: "Hôm nay, ông ấy đã đi xa và chúng ta mất đi một trong những người có ảnh hưởng nhất, can đảm và tốt đẹp nhất. Ông không còn ở bên chúng ta nữa mà đã trở thành người thiên cổ".
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định: "Nhiều người trên thế giới đã chịu ảnh hưởng của cuộc đấu tranh vì nhân phẩm, sự công bằng và tự do cho người khác của ông".
Thủ tướng Anh David Cameron bày tỏ: "Một nguồn sáng vĩ đại đã tắt... Nelson Mandela là Anh hùng của thời đại chúng ta. Tôi đã yêu cầu treo cở rủ tại số 10 (phố Downing - Dinh Thủ tướng Anh)".
Thủ tướng Australia Tony Abbott đã ca ngợi ông Nelson Mandela là "một người thật sự vĩ đại" sau khi người anh hùng chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc này qua đời tại quê nhà Nam Phi ở tuổi 95. Phát biểu trên Đài Fairfax, Thủ tướng Tony Abbott nhấn mạnh: "Nelson Mandela là người khai sinh một Nam Phi hiện đại. Đó là nhân vật thực sự vĩ đại".
Trong khi đó, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người lãnh đạo nước Mỹ cùng thời điểm ông Mandela nắm quyền tại Nam Phi, khẳng định "lịch sử sẽ ghi nhớ Nelson Mandela là chiến sĩ đấu tranh vì phẩm giá và quyền tự do con người, vì hòa bình và hòa giải".
Còn ông Goodluck Jonathan, Tổng thống Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi, gọi ông Mandela là "biểu tượng của nền dân chủ thật sự... là nguồn cảm hứng cho nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới".
Tại Nam Mỹ, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã ca ngợi ông Mandela là "nhà lãnh đạo vĩ đại... chỉ lối cho những người chiến đấu vì công bằng xã hội và hòa bình trên toàn thế giới".
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng bày tỏ lòng sự tôn kính ông Mandela, coi ông là "người cha của Nam Phi... động lực cho nền tự do và hòa giải".
Nelson Rolihlahla Mandela sinh ngày 18 tháng 7 năm 1918, là Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), và là người đứng đầu phái vũ trang của Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC). Năm 1962 ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác, và bị tuyên án tù chung thân. Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù, phần lớn thời gian là ở tại Đảo Robben. Sau khi được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc. Tại Nam Phi, Mandela còn được biết tới với tên gọi Madiba, một tước hiệu danh dự mà bộ lạc của ông thường trao cho những già làng. Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993. Ông từ trần ngày 5 tháng 12 năm 2013 (thọ 95 tuổi). |
Đông Hà
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất