'Ném đá giấu tay', ẩn danh hại người trên facebook

12/08/2015 06:14 GMT+7

(lienminhbng.org) - “Ném đá giấu tay” là thành ngữ dường như ai cũng biết ý nghĩa của nó. Nói chung, nhìn một cách toàn diện, ngoại trừ vài biệt lệ, nó là một hành động xấu, không “quang minh chính đại”, “rõ ràng sòng phẳng” và được xem là “chiêu” của những kẻ tiểu nhân, dùng thủ đoạn mưu hại người, nhưng giấu mặt, thậm chí tạo nghi ngờ cho kẻ khác.

Ngày nay, trong thời buổi nhà nhà Internet và tương tác trên Facebook, hành động này lại phát triển mạnh hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể nhìn thấy rất nhiều ví dụ từ Facebook, trong môi trường đó có những tài khoản mang những cái tên mà không ai biết là ai, nhưng họ sẵn sàng tung hê ra đủ thói hư tật xấu, hay chuyện thâm cung bí sử của người khác, và tất nhiên khi đã ẩn danh thì chuyện thêu dệt là không tránh khỏi.

Nhà văn Nguyễn Đình Bổn: Mảnh đất màu mỡ cho trò ném đá giấu tay

Dù rằng Facebook có tiêu chí dùng tên thật, nhà cung cấp vẫn phải thỏa hiệp chế độ “tên giả”, thậm chí năm 2014, Facebook từng thử nghiệm một ứng dụng mới trên nền tảng iOS, cho phép người dùng có thể tương tác trên các “phòng chat” mà không cần dùng tên thật của mình (có thể vừa ẩn danh vừa tán gẫu).

Ngoài những lợi ích thiết thực, những ứng dụng tương tác, truyền tin, đăng bài viết và hình ảnh nhanh chóng, nhưng không cần qua thẩm định, mỗi cá nhân tự đưa thông tin và tự chịu trách nhiệm, có thể xem Facebook là mảnh đất màu mỡ cho trò ném đá giấu tay.


Nhà văn Nguyễn Đình Bổn

Người Việt đã lợi dụng triệt để vai trò của Internet, cụ thể là mạng xã hội để phục vụ việc triệt hạ đối thủ bằng hình thức ném đá giấu tay. Trong chuyện kinh doanh, việc nhân danh một người nổi tiếng để khen hay chê sẽ tạo hiệu ứng rất lớn.

Và có nhiều công ty đã bất chấp đạo đức kinh doanh, và cả pháp luật khi tạo ra một tài khoản ảo của ca sĩ X, hay diễn viên Y để vu vạ cho đối thủ trực tiếp trên thương trường, dù rằng X hay Y đều vô can, nhưng công chúng thì rất dễ tin và việc tạo ra một tài khoản Facebook mang tên người nổi tiếng với đầy đủ hình ảnh chỉ mất chừng vài phút.  

Nhưng rùm beng nhất với trò này phải nói thuộc giới nghệ sĩ biểu diễn. Nếu theo dõi chuyện này hàng ngày, chúng ta sẽ choáng với lượng thông tin thuộc loại “thâm cung bí sử” của họ với đầy đủ hỉ nộ ái ố.

Giựt tiền, giựt tình, giả danh từ thiện hay hành xử vô văn hóa của các ca sĩ, diễn viên, người mẫu… gần như được cập nhật liên tục, dù có nhiều tài khoản không để tên thật nhưng sự tò mò của công chúng là vô biên, nên người ta vẫn tìm đọc, bất chấp đó là tin giả và nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân thân người bị đồn thổi. Rồi ảnh hưởng đến tự thân người đọc lúc nào không hay.

Ngay cả trong môi trường văn hóa văn nghệ cũng không ít trò này. Ký một cái bút danh hoàn toàn xa lạ trong những bài “phê bình” mang tính đả phá, quy chụp nặng nề về những học thuật hay tác phẩm còn tranh cãi tại Việt Nam cũng là cách ném đá giấu tay mà một vài trang văn nghệ trên các tờ báo hiện nay vẫn đăng tải.

Người viết không dám dùng tên thật đã đành, bút danh thường dùng cũng không, từ chối đối thoại nên hành động này thiếu tính xây dựng và nó không đẹp. Rồi gần đây các “dư luận viên” nữa, cũng không thiếu những trò như “tát nước theo mưa”, “đánh bùn sang ao”, “ném đá giấu tay”, “đuổi gà qua đám giỗ”, thậm chí cả “ngậm máu phun người”.

Nói chung ngoại trừ đó là một mưu kế, một chiến thuật khi đối đầu với kẻ thù ngoài chiến trường (như đã nói biệt lệ ở trên) thì tại mọi nền văn hóa, trong ứng xử cộng đồng muốn chính trực nhất thiết phải chính danh.

Chuyện ném đá giấu tay nếu vi phạm pháp luật, nó thuộc quyền điều tra và xử lý của chính quyền. Còn trên bình diện cá nhân, nếu còn con người thì chắc trò ném đá giấu tay vẫn tồn tại. Vì vậy chẳng có gì ngạc nhiên nếu một ngày xấu trời nào đó, chúng ta nhận một cục đá vào mặt mà chẳng thể biết kẻ nào đã ném!

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Ném đá vào lòng tự trọng chính mình

Hành vi ném đá giấu tay được đúc kết bởi thành ngữ, chứng tỏ đó là chuyện đã xuất hiện từ ngày xưa. Thế nhưng, từ ngày có thêm công nghệ thông tin hỗ trợ đắc lực thì những kẻ thích ném đá giấu tay càng có nhiều cơ hội tự tung tự tác.

Ném đá giấu tay có muôn hình vạn trạng, do đó bàn về biểu hiện không quan trọng bằng thái độ. Vì sao bây giờ tràn lan chiêu trò ném đá giấu tay, mà phổ biến nhất là bôi nhọ nhau trên mạng? Hèn nhát thì đã rõ, toan tính thì đã rõ, nhưng câu hỏi nghiêm túc: nếu không “giấu tay” thì hệ lụy gì xảy ra cho việc “ném đá”? Một cuộc truy bức “thủ phạm” chăng? Một đợt trấn áp “tên tội đồ dại dột” chăng? Nhìn ở góc độ truyền thông, bên cạnh sự hoài nghi về tư cách đạo đức của những ai đang ném đá giấu tay, thì phải nghĩ đến biên độ an toàn cho họ và thậm chí cho cả người thân của họ.


Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Nếu có thiện chí, hãy băn khoăn, xã hội chúng ta đã thực sự hoàn thiện cơ chế bảo vệ cho tất cả mọi tinh thần đấu tranh vì lẽ phải, vì tiến bộ, vì văn minh chưa!? Không phải ngẫu nhiên mà nhiều năm nay các loại thư tố giác nặc danh vẫn được nhiều cơ quan thanh tra - kiểm tra xem như một tài liệu tham khảo bổ ích và hữu hiệu.

Ném đá giấu tay có hai sắc thái. Một, ném đá giấu tay để thỏa mãn sự đắc ý của một nhân cách tật nguyền. Hai, ném đá giấu tay để đòi hỏi một sự công bằng mà bản thân đang lực bất tòng tâm. Trường hợp thứ nhất, rất đáng bị trừng bị và rất đáng bị khinh bỉ. Còn trường hợp thứ hai, những ai đồng cảm ắt không nén được tiếng thở dài ngao ngán.

Trong không khí dân chủ ngày càng rộng mở, chúng ta phải học cách tôn trọng sự khác biệt. Thế nhưng, sự thật bao giờ cũng giống như thuốc đắng, đâu dễ được chấp nhận dễ dàng và chân thành, khi không thể cân bằng giữa lợi ích chung và lợi ích riêng!

Ném đá giấu tay không phải một hiện tượng bột phát, mà luôn có cơn cớ sâu xa. Mọi sự tức giận và mọi sự trách móc, hoàn toàn vô nghĩa, bởi họ đã ném đá vào chính lòng tự trọng của họ.

Bản lĩnh để ứng phó với những kẻ ném đá giấu tay hiện nay, có lẽ cần nguyên tắc ứng xử tử tế: Những lời nói sai, dù Nghiêu Thuấn nói ra, cũng không được cho là đúng. Những lời nói đúng, dù trộm cướp nói ra, cũng không được cho là sai!

Văn Bảy (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm