Nếu bỏ thi Trung học phổ thông, động lực học tập của học sinh sẽ giảm

31/05/2019 21:47 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 31/5, nhiều vấn đề "nóng" liên quan đến đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia; việc công bố kết luận thanh tra bán đảo Sơn Trà; dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia… đã được đại diện các bộ, ngành giải đáp cụ thể.

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5: Bộ Công an lý giải về việc truy nã Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường và vụ gian lận điểm thi

Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5: Bộ Công an lý giải về việc truy nã Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường và vụ gian lận điểm thi

Chiều 31/5, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2019, Trung tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an đã thông tin về một số vụ việc đang được dư luận quan tâm như: Truy nã đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường); thông tin liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia tại một số địa phương.

Bỏ thi sẽ giảm động lực học tập

Trả lời câu hỏi về đề xuất bỏ kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng Đề án giáo dục trong đó nhấn mạnh đến việc đổi mới thi cử. Nhìn lại những kỳ thi trước năm 2015, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nêu rõ, ngoài việc thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, học sinh phải trải qua các kỳ thi khác nhau: thi đại học, cao đẳng... Việc tổ chức thi gây khó khăn cho cha mẹ học sinh, gây bức xúc trong người dân. Vì vậy, vấn đề đặt ra khi đó là làm thế nào để khắc phục khó khăn, đảm bảo sự công bằng, giảm áp lực cho học sinh.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, đây là một trong những kỳ thi quan trọng, là dấu mốc đánh giá cả quá trình học Trung học phổ thông. “Nếu bỏ thi, động lực học tập của học sinh sẽ giảm. Vì thế, cần tổ chức thi theo đúng luật. Nếu thi đại học sẽ vất vả cho học sinh và gia đình nên Bộ quyết định tổ chức kỳ thi chung, là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, vừa là kết quả để xét tốt nghiệp, đồng thời là cơ sở để các trường đại học tuyển sinh”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ   Ảnh: TTXVN

Sẽ công bố kết luận thanh tra bán đảo Sơn Trà

Liên quan đến việc công bố kết luận thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đa Phước (Đà Nẵng), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra và trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ ban hành, công bố kết luận này.

Theo Phó Tổng Thanh tra, bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt, gắn với nhiều yếu tố: An ninh quốc phòng, môi trường sinh thái, rừng, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản... gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với thành phố Đà Nẵng để nghe các đơn vị báo cáo giải trình. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng có các cuộc họp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… để bàn giải pháp.

Liên quan đến cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Thanh tra Chính phủ đã nhận được văn bản của đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng đề nghị cho biết thông tin, tiến độ thanh tra. “Thanh tra Chính phủ đã có công văn phúc đáp đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng”, Phó Tổng Thanh tra cho biết.

Không đặt lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế

Tại cuộc họp báo chiều 31/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời về vấn đề liệu dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia đang được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, có phải là bước lùi khi đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu bia và có hay không lợi ích nhóm đứng sau. Bộ trưởng thừa nhận, đây là vấn đề xã hội rất quan tâm. Theo ông, khi dự án Luật trình Quốc hội, Thủ tướng đã có chỉ đạo rất kỹ lưỡng, yêu cầu đánh giá tác động kỹ càng.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, dự án Luật này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh nhiều hậu quả nghiêm trọng do lạm dụng rượu bia gây ra, điển hình là các vụ tai nạn giao thông.

Lý giải việc dự án Luật đưa ra ngoài nhiều quy định nhằm quản lý rượu, bia như cấm bán rượu, bia trên internet, Bộ trưởng cho rằng cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan. Trong đó, lưu ý đến xu hướng thương mại điện tử của thế giới. “Đưa ra quy định phải tính đến tính khả thi để thực hiện, nếu có thể tác động đến cuộc sống thì phải lường trước được vấn đề. Đừng vội đặt vấn đề có lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế mà phải thông tin hai chiều”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Phương - Tùng/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm