27/02/2018 07:16 GMT+7
(lienminhbng.org) - Thành phố Sầm Sơn vừa đề xuất làm chiếc bánh giầy nặng 3 tấn để dâng lên vua Hùng trong ngày Giỗ tổ sắp tới. Cho tới khi bài báo này lên khuôn, UBND tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng là có làm chiếc bánh giầy theo kích thức và khối lượng lớn như thế này hay không. Tuy nhiên, phía dư luận đã rộ lên những ý kiến trái chiều, thậm chí là có những phản đối quyết liệt.
Sáng kiến làm chiếc bánh giầy khủng kiểu này không phải là mới có ở Việt Nam. Không cần nói đâu xa, vào tháng 3/2017, ngư dân Sầm Sơn từng góp tiền làm một chiếc bánh giầy kỷ lục, lớn nhất Thanh Hóa để dâng lễ ở đền Độc Cước. Bánh có đường kính 2,17m, cao gần 1m, trọng lượng hơn 2 tấn và phải vận chuyển bằng xe tải.
Xa hơn, vài năm trở lại đây nước ta liên tục chứng kiến những kỷ lục “chẳng biết để làm gì” trong dịp Giỗ tổ. Chẳng hạn, đó chiếc bánh chưng lớn nhất Việt Nam nặng 2,5 tấn (do công viên văn hóa Đầm Sen làm) hay chai rượu lớn nhất Việt Nam cao 5,1 mét, chứa 4.000 lít rượu của một công ty tư nhân.
Nói “chẳng biết để làm gì” nghe có vẻ hơi quá, nhưng thật sự những kỷ lục trên chẳng gợi lên một chút giá trị nào cho những sản phẩm đó. Chiếc bánh giầy gắn với truyền thuyết về “bánh chưng bánh giầy”, theo đó công tử thứ 18 là Lang Liêu nhờ biết lấy gạo nếp gói bánh chưng, làm bánh giầy mà được vua cha truyền ngôi cho. Rõ ràng, chiếc bánh của Lang Liêu thuyết phục được lòng người, thuyết phục được vua cha bởi tính thực tế của nó.
Trong xã hội nông nghiệp ngày xưa, một chiếc bánh nói chung thường sẽ to vừa đủ để nấu, vừa sức ăn của một người khỏe mạnh. Nếu thời vua Hùng mà có chiếc bánh giầy nặng 2 tấn, thì sẽ nấu trong nồi nào, đãi trong bữa tiệc nào, bao nhiêu người ăn?
Và thực tế trước đây đã cho thấy: chiếc bánh chưng lớn nhất ở Đầm Sen gần như không thể ăn, chai rượu khổng lồ dâng lên Quốc tổ thì bị dư luận phản ứng gay gắt vì phản cảm. Tạo một sản phẩm dâng cúng tổ tiên như thế chỉ mang tính trình diễn, phô trương, như vậy có vẻ lãng phí tiền của một cách vô lý.
Ấy là chưa nói đến việc lập những kỷ lục kiểu này đã bất chấp tỷ lệ vàng và tính thẩm mỹ của một sản phẩm. Qua năm tháng, kích thước của bánh chưng, bánh giầy… đã đạt đến tỷ lệ vàng. Nó không chỉ là sản phẩm đại diện cho hình ảnh truyền thống, mà còn đảm bảo sự hài hòa về nguyên vật liệu, các thông số về nấu nướng. Một sản phẩm được lưu truyền qua bao đời, tự thân nó đã được công nhận về mặt thẩm mỹ hài hòa.
Một sản phẩm vừa không thực tế, vừa không đảm bảo tính thẩm mỹ cần thiết thì có nên là một sản phẩm cần được tạo ra để cung tiến cho Giỗ tổ? Đây là chưa nói nếu bày biện chiếc bánh này, không gian của bàn thờ và lễ hội cũng phải thay đổi theo.
***
Có thể, trong đời sống, những kỷ lục “đặc biệt” thế này vẫn được người ta nhớ tới trong tâm trí. Nhưng, không hẳn đã ghi nhớ theo nghĩa tích cực.
Điển hình, ông Dương Duy Lâm Viên - Giám đốc điều hành Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, chia sẻ với Thể thao &Văn hóa về câu chuyện này: “Chúng tôi không khuyến khích làm những thứ đồ ăn khổng lồ như thế và cũng sẽ không cấp kỷ lục cho những sản phẩm đó, nếu địa phương liên lạc với chúng tôi để đề xuất kỷ lục Việt Nam. Tổ chức chúng tôi chỉ công nhận kỷ lục cho những tác phẩm lưu giữ lại được và mang lại giá trị gì đó, chứ bánh giầy khổng lổ là thứ... không giá trị”.
“Mỗi kỷ lục chúng tôi công nhận mang lại những giá trị riêng cho cuôc sống, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam” - ông nói thêm - “Còn những kỷ lục không phù hợp... thì chúng tôi không khuyến khích và không công nhận”. Nghe ý kiến ấy, quay lại chuyện Lang Liêu trong truyền thuyết, nếu chàng cũng làm chiếc bánh giầy nặng 3 tấn để lên vua cha thì không biết chàng có được ghi nhận không nhỉ?
Văn Đồng - Vô Ưu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất