Công Phượng sang Nhật Bản thi đấu: Bài học từ Công Vinh

29/09/2015 18:09 GMT+7 | Bóng đá Việt

(lienminhbng.org) - Công Phượng sẽ thi đấu cho CLB Mito Hollyhock từ 10/1 đến 20/12/2016 theo một bản hợp đồng cho mượn và được nhận mức lương khoảng 3000 USD/tháng, đó là thông tin được hé lộ từ HAGL. Đây sẽ là trường hợp thứ 2 sau Công Vinh sang Nhật Bản chơi bóng, dù chỉ là tại J-League 2.

Cách đây hơn 1 năm, cụ thể là 1/8 đến 20/12/2014, Lê Công Vinh đã gia nhập Consadole Sapporo từ SLNA và khoảng thời gian kéo dài gần 6 tháng ở xứ sở mặt trời mọc đã mang đến những trải nghiệm thú vị cho cá nhân Công Vinh, góp phần quảng bá hình ảnh của cá nhân tiền đạo này nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung.

Bên cạnh ý nghĩa chuyên môn, sự xuất hiện của Công Vinh trong màu áo Consadole Sapporo như nhiều người hiểu còn mang tính chất thương mại, quảng bá cho thương hiệu Sapporo tại thị trường Việt Nam.


Công Vinh (19) có những trải nghiệm ngọt ngào trong màu áo Consadole Sapporo cuối năm 2014

Giờ thì đến lượt Công Phượng, tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam cũng được đơn vị chủ quản HAGL mở cửa cho đi du học và điểm đến vẫn là Nhật Bản, quốc gia có nền bóng đá phát triển hàng đầu châu lục và được coi là “địa chỉ đỏ” để học hỏi của bóng đá Việt Nam trong thời điểm hiện tại. Mito Hollyhock, CLB chủ quản tới đây của Công Phượng đang thi đấu tại J-League 2, cùng hạng đấu với Consadole Sapporo của Công Vinh trước kia.

Nhưng có điểm khác biệt là trong khi Consadole Sapporo là đội bóng có trình độ khá của J-League, thậm chí còn nằm trong nhóm cạnh tranh suất thăng hạng J-League 1 ở mùa giải năm ngoái thì Mito Hollyhock ở chiều ngược lại. Trên bảng xếp hạng gần nhất của J-League 2, CLB Mito Hollyhock xếp thứ 19/22 với 31 điểm sau 30 vòng đấu, chỉ hơn nhóm xuống hạng chỉ 2 điểm.

Mito Hollyhock, đội bóng theo đuổi Công Phượng suốt hơn 1 năm qua thành lập năm 1990 với tên Prima Aseno. CLB được sáp nhập với FC Mito năm 1994 và đổi tên thành Mito Hollyhock như hiện nay. Sân nhà là K's denki có sức chứa 12 nghìn người. Kể từ khi được Liên đoàn bóng đá Nhật Bản công nhận và mời đá ở hạng 2 J-League năm 2010,  HollyHock  chưa từng thăng hạng suốt 15 năm qua.

Vị trí cao nhất của họ chỉ là thứ 7 ở mùa giải 2003. Kể từ 2010 tới nay, Mito Hollyhock xếp lần lượt thứ 16, 17, 13, 15 và 15 trên tổng số 22 đội. Đây cũng chính là đội bóng mà HLV trưởng đội tuyển Việt Nam Toshiya Miura dẫn dắt năm 1998 và lối đá của đội bóng này dưới triều đại HLV  Hashira Tetsuji là phòng ngự, phản công, đặt mục tiêu không thua lên hàng đầu.


Nhưng thử thách với Công Phượng sẽ rất khắc nghiệt. Ảnh: Phạm Tuân

Với một cầu thủ có thiên hướng tấn công như Công Phượng thì đến với một đội bóng có lối đá như vậy thoạt nghe có vẻ sẽ không phù hợp và khó có đất dụng võ. Nhưng biết đâu đấy, trong cách làm và hướng đi mới của Mito Hollyhock, lãnh đạo đội bóng này sự xuất hiện của những cầu thủ tấn công có lối đá kỹ thuật như Công Phượng sẽ tạo nên sự tươi mới.

“Được sang Nhật Bản thi đấu sẽ chỉ tốt cho Công Phượng vì cậu ấy là một cầu thủ có tố chất và năng khiếu bẩm sinh và sẽ học hỏi được rất nhiều từ những đồng đội chơi xung quanh. Nhưng nếu không có Công Phượng, tôi không hiểu HAGL mùa giải tới sẽ ra sao”, HLV Lê Thụy Hải băn khoăn.

Công Vinh sau chuyến du đấu Nhật Bản trở về đã ký hợp đồng cuối cùng trong cuộc đời cầu thủ với Becamex Bình Dương và mới đây đã giành cú đúp danh hiệu vô địch V-League và Cup quốc gia mùa giải 2015. Trong khi đó, Công Phượng mới chỉ vừa qua một mùa giải đầu tiên chơi bóng tại V-League và được đánh giá không mấy thành công.

Cùng một điểm đến nhưng hướng đi của Công Vinh và Công Phượng không giống nhau là vì thế và thành công hay không thì là chuyện tương lai mới rõ.

Lâm Chi

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm