Giữa Chúa & tình yêu

08/07/2013 10:00 GMT+7

(lienminhbng.org) - Anh chị mến,

Tuần rồi, mọi người ở nhà hỏi tôi khá nhiều về chuyện hôn nhân đồng tính ở Mỹ, sau quyết định của toà án dỡ bỏ lệnh cấm trước đó. Thực tế là, hôn nhân đồng tính vẫn là điều cấm kỵ trên gần ba phần tư nước Mỹ nhưng nó vừa chứng kiến những thời khắc lịch sử. Và đó là một câu chuyện dài…

Nhà thờ của đạo Mormon nằm ngay gần con đường cao tốc 495 chạy từ bang Maryland đi New York. Giống như các nhà thờ Mormon trên toàn nước Mỹ trong đó có thánh đường lớn nhất ở Salt Lake (bang Utah), tòa nhà với mái nhọn cao vút màu trắng ấy từng là một trong những biểu tượng trong cuộc chiến chống lại hôn nhân đồng tính ở Mỹ.

25 ngàn lượt các nhà truyền giáo (đa phần là những thanh niên trẻ đẹp) mỗi tuần đổ đi khắp các nẻo đường, thay vì nói về đạo Mormon, họ nói về hình thức hôn nhân mà họ cho là sai trái : hôn nhân đồng tính.

Khoảng 20 triệu USD được các nhà thờ Mormon đổ vào chiến dịch vận động hành lang, nhằm ngăn chặn các cuộc hôn nhân giữa những người cùng giới. Đó là thời điểm của năm 2008, khi 52% người dân California đồng ý đối với hôn nhân đồng tính trong một cuộc bỏ phiếu được tổ chức cùng với cuộc tổng tuyển cử đã đưa ông Barack Obama trở thành tổng thống. Các chiến dịch chống đối lớn tới mức tòa án California phải ra một phán quyết tạm thời (được biết rộng rãi với cái tên “Propostion 8”), coi hôn nhân đồng tính là bất hợp pháp. 


Năm 2000, Martin Curtis, một người đồng tính nam và là một tín đồ trẻ của đạo Mormon đã tự vẫn rồi chết ngay trước thềm của nhà thờ ở California để phản đối sự kỳ thị dành cho những người đồng tính. Nhưng, cái chết và lá thư đẫm nước mắt của Curtis chẳng làm động lòng những người theo đạo Mormon vốn được xếp ở vị trí số 1 về mức độ bảo thủ trong số các tôn giáo lớn ở Mỹ.

Năm ngoái, Mitt Romney, ứng viên tổng thống Mỹ, một trong những tín đồ Mormon, tuyên bố rằng hôn phối chỉ có thể là chuyện giữa người đàn ông và đàn bà. Một phần nhờ tuyên bố này, Mitt Romney cho người Mỹ thấy rằng ông ít ra vẫn là một người bảo thủ, và từng có lúc đạt được sự ủng hộ từ cử tri ngang ngửa với ông Obama.

Các bang miền Nam nước Mỹ, và đặc biệt là những người thuộc về đảng Cộng hòa lâu từ bao năm qua vẫn được coi là những người đặt các giá trị truyền thống theo giáo lý của tôn giáo lên trên hết. Ở đó, bên cạnh những quan điểm cứng rắn về chính trị, tăng quyền tối đa cho kinh tế tư nhân, súng đạn phải được sở hữu tự do, thì gia đình phải là nền tảng, ngoại tình là tội lỗi, hôn nhân đồng tính là chuyện tối kỵ. Thậm chí, đó cũng là lý do giải thích vì sao một nước Mỹ dù có hẳn ngành công nghiệp phim cấp ba, nhưng mại dâm vẫn là bất hợp pháp.

Vậy thì anh chị sẽ hỏi : Điều gì đã làm người Mỹ thay đổi?

Một nước Mỹ đổi thay theo xu hướng cởi mở hơn, tự do hơn về các quyền xã hội đã không bầu cho Romney cũng có nghĩa rằng những người bảo thủ đã trở thành thiểu số. Ông Obama chiến thắng tức là các vấn đề nhạy cảm trong đó có hôn nhân đồng giới đã đứng trước một bước ngoặt lịch sử.

Dù đã có ngày 26/6 lịch sử, nhưng tới 1/7, hôn nhân đồng tính mới chỉ được hợp pháp hóa ở 13 bang cùng thủ đô Washington D.C, còn bị cấm ở 36 bang và một số bang chỉ dừng lại ở mức độ kết ước đồng tính (civil union) với các mức độ công nhận hạn chế thấp hơn.

Trên thực tế, cũng theo kết quả của cuộc thăm dò nói trên, chỉ còn Mormon là tôn giáo duy nhất trong số các tôn giáo chính ở Mỹ có số người bảo thủ cực đoan chiếm đa số. Bản thân đạo Mormon cũng phải chịu một sức ép ghê gớm trước làn sóng kêu gọi tẩy chay Mormon sau khi sự ủng hộ tài chính và những vụ phản đối cực đoan của họ ở California bị phanh phui. Không ít các trường hợp đã cải đạo, rời xa các nhà thờ Mormon. Dù thực tế đó không làm thay đổi quan niệm của những người lãnh đạo tôn giáo này về hôn nhân, nhưng họ không còn biến nó thành một cuộc chiến cũng như không chính trị hóa vấn đề hôn nhân đồng tính. Kết hôn chỉ xảy ra giữa nam và nữ là điều chỉ còn được rao giảng trong các khuôn viên nhà thờ Mormon thay vì các môn đồ và nhà truyền giáo diễu hành dưới đường phố.

Khắp nơi trên nước Mỹ, người ta thấy những chuyển biến ghê gớm, tác động mạnh mẽ tới ý thức hệ của nhiều người. Hạ nghị sĩ bang Ohio Rob Portman, một người của đảng Cộng hòa bảo thủ, từng chống hôn nhân đồng giới, đã công khai thay đổi quan điểm. Sự ủng hộ này, như ông nói, cũng là dành cho con trai của ông, Will Portman, một người đồng tính.

Theo thống kê của Viện Williams, thuộc trường luật UCLA School of Law, nước Mỹ ngày nay ước tính có 9 triệu người đồng tính, chiếm 3,8% dân số. Theo tờ Washington Times, chính số đông ấy đã khiến cho hầu như người Mỹ nào cũng có người thân hoặc bạn bè của mình là dân đồng tính, hiểu rằng họ là những người cần được đối xử công bằng trên mọi khía cạnh.   

Trong ngày 26/6/2013 lịch sử, khi thẩm phán Tòa án tối cao, Anthony Kennedy ra những phán quyết có lợi cho hôn nhân đồng tính, người ta bắt gặp hình ảnh những người Mỹ bình thường, là cha mẹ, là anh em, là bạn bè của những người đồng tính đổ ra đường ăn mừng cho cái họ gọi là công lý đã được thực thi. Hôm ấy, có hai quyết định lịch sử, một là cho rằng Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân (DOMA) ngăn cản chính phủ liên bang công nhận tính pháp lý của các bang hợp thức hóa hôn nhân đồng tính là vi hiến; hai là bãi bỏ "Quyết định tạm thời số 8" của tòa án California, để kết quả bỏ phiếu năm 2008 được thực hiện. 

Nguyên Hạ nghị sĩ, ông Barney Frank là một trong những người hạnh phúc nhất sau quyết định của Tòa án tối cao Mỹ. Người chồng của ông, Jim Ready (cưới nhau năm ngoái), nay có thể được hưởng các chính sách với tư cách là vợ (hoặc chồng) của một nghị sĩ liên bang, được mua bảo hiểm y tế theo gói của ông Frank, điều mà trước kia Ready không thể.

Tiếp theo, rồi cũng sẽ có hàng loạt những người vợ (chồng) của các quân nhân, cựu quân nhân trong những đám cưới đồng tính cũng sẽ được hưởng các chính sách trợ cấp của chính phủ, của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Những ai trước đây không được hưởng chính sách an sinh xã hội, ưu đãi thuế thu nhập theo tiêu chuẩn vợ chồng, và cả quyền lợi nhập quôc tịch (đối với người nhập cư)... cũng sẽ được hưởng lợi, mà nói đúng hơn là hưởng sự công bằng từ quyết định ấy.

Quan trọng hơn, chừng 6 triệu đứa trẻ là con của các vợ chồng đồng tính từ nay có thể được coi là có cha mẹ đầy đủ. 

Sức lan tỏa của nước Mỹ rất lớn. Có thể Hà Lan là quốc gia đầu tiên công nhận hôn nhân đồng tính trong năm 2011, nhưng phải giờ đây mới có hàng loạt nước khác đang chuẩn cấp giấy chứng nhận kết hôn cho những người cùng giới.

Còn rất nhiều những câu chuyện cảm động trong “ngày lịch sử” này của nước Mỹ. Nhưng thư đã dài, hẹn anh chị thư sau.

Phạm Tấn (Washington D.C)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần



Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm