Nga cáo buộc Ukraine có động cơ chính trị trong vụ đụng độ tại Biển Đen

28/11/2018 22:11 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 28/11 cáo buộc Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang lợi dụng tình hình căng thẳng giữa hai nước trên Biển Đen để tăng tỷ lệ ủng hộ trước thềm cuộc tổng tuyển cử Ukraine vào năm tới. 

Quốc hội Ukraine thông qua đề xuất áp đặt thiết quân luật biên giới

Quốc hội Ukraine thông qua đề xuất áp đặt thiết quân luật biên giới

Ngày 26/11, sau cuộc tranh luận căng thẳng, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Petro Poroshenko áp đặt thiết quân luật trong thời gian 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28/11, tại các khu vực biên giới của nước này dễ bị tấn công nhất sau khi Nga bắt giữ 3 tàu cùng các thủy thủ của Ukraine hôm 25/11.

Phát biểu tại một diễn đàn tài chính tại Moskva, Tổng thống Putin chỉ trích vụ đụng độ tại Biển Đen "rõ ràng là một hành động khiêu khích" do Tổng thống Poroshenko "dàn dựng trước thềm cuộc tổng tuyển cử" nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ trong nước. Theo ông Putin, vụ việc tại Biển Đen là một "sự cố biên giới" và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh là "một phản ứng thái quá".

Bên cạnh đó, Tổng thống Nga cũng khẳng định Kiev là bên sai trong vụ đụng độ. Ông nêu rõ các tàu của Ukraine đã không tuân thủ đúng luật khi đi qua Eo biển Kerch để vào Biển Azov thuộc lãnh hải Nga, và không phản ứng trước liên lạc radio từ lực lượng biên giới Nga, đồng thời khẳng định các hành động của phía Nga là trong vụ việc là chính đáng.

Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ngày 25/11. Hai nước đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua Eo biển Kerch, không để hai tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển này để vào Biển Azov.

Chú thích ảnh
Ba tàu hải quân Ukraine bị lực lượng tuần duyên thuộc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) bắt giữ do xâm phạm lãnh hải Nga ở Eo biển Kerch ngày 25/11/2018. Ảnh: THX/ TTXVN

Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga và đã ban bố tình trạng chiến tranh trong 30 ngày tại một số khu vực biên giới. Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua Eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. 

Vụ việc có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự quy mô lớn này được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là căng thẳng trên biển giữa Nga và Ukraine, mà sâu xa hơn là cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga với phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi năm 2014. Sau vụ việc trên, ngày 27/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng có khả năng ông sẽ hủy cuộc gặp với Tổng thống Nga bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Argentina.

Trong khi đó, trong bài phát biểu ngày 28/11, Tổng thống Putin cho biết ông vẫn hy vọng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ tại Argentina vẫn có thể diễn ra trong tuần này và hai bên có thể trao đổi về vấn đề rào cản thương mại. Người đứng đầu Điện Kremlin nêu rõ Moskva mong muốn hợp tác với Washington.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 28/11, Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk kêu gọi Berlin và các quốc gia phương Tây khác trừng phạt bổ sung Nga, cấm nhập khẩu năng lượng và ngừng dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2, sau khi Moskva bắt giữ 3 tàu chiến Ukraine gần bán đảo Crimea. Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi các bên hạ nhiệt căng thẳng và tiến hành đối thoại.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Karin Kneissl của Áo, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, cho rằng việc áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Nga sẽ tùy thuộc vào thông tin chi tiết về vụ đụng độ ở Eo biển Kerch cũng như cách hai bên hành xử. Cũng trong ngày 28/11, tờ Thế giới (Die Welt) của Đức dẫn lời các nhà ngoại giao Đức và Pháp cho rằng không cần thiết phải siết chặt trừng phạt Nga liên quan vụ đụng độ ở Eo biển Kerch, thay vào đó cần phải “phát triển các biện pháp củng cố lòng tin”.

Minh Ngọc - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm