Nước nào có thể mua nổi hai tàu chiến Mistral mà Pháp từ chối bán cho Nga

09/08/2015 12:14 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Phát biểu bên lề lễ khai trương kênh đào Suez mới tại Ismailia ngày 6/8 vừa qua, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố Paris không gặp khó khăn trong việc bán 2 chiến hạm lớp Mistral mà nước này vừa chính thức từ chối bàn giao cho Nga.

Ông Francois Hollande nói: "Hai con tàu này đã được một số nước đề nghị mua. Do đó, Pháp sẽ không gặp khó khăn gì trong việc tìm kiếm một khách hàng và không phải trả thêm chi phí gì thêm".

Phát biểu của Tổng thống Hollande được đưa ra chỉ một ngày sau khi Paris thông báo đã đạt được thỏa thuận bồi thường cho Moskva số tiền ứng trước để đóng tàu. Sự việc này đã gây phản ứng mạnh trong phe hữu và cực hữu Pháp. Nhiều chính trị gia đối lập cho rằng với sự kiện này, Pháp đã thể hiện là một đối tác "không biết giữ lời", trong khi một số khác lên án thái độ của Pháp trong việc "theo đuôi" Mỹ và Liên minh châu Âu, đồng thời nhấn mạnh rằng chính người dân Pháp phải chịu hậu quả từ thương vụ bị đổ vỡ này. Những tuyên bố gần đây của lãnh đạo Pháp cho thấy dường như Paris đã chuẩn bị sẵn Kế hoạch B cho hai con tàu trên. Theo bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian, "một số nước đã bày tỏ sự quan tâm tới chúng".

Thực tế, thị trường cho lớp tàu đổ bộ chỉ huy chở trực thăng không lớn và số nước muốn mua có lẽ cũng không quá con số 10. Theo một chuyên gia am hiểu về thị trường, nhu cầu về tàu chỉ huy và tàu đổ bộ chở trực thăng (BPC) toàn thế giới ước tính khoảng 26 chiếc trong vòng một thập kỷ tới. Chỉ có 5-6 nước, đứng đầu là Canada, Brazil, Ấn Độ... có thể hội đủ rất nhiều tiêu chí.

Ngoài việc phải có khả năng tài chính, quân sự và kỹ thuật đủ để mua và vận hành, điều quan trọng hơn là khách hàng phải có tham vọng mở rộng tầm can dự quân sự ra thế giới. Đó là chưa kể, các chính phủ phải vượt qua được sự vận động và sức ép từ các tập đoàn đóng tàu trong nước.

Mistral là tàu chiến đa năng có những công nghệ rất hiện đại và đi đầu hiện nay. Theo đô đốc Alain Coldefy, hiện là chuyên gia nghiên cứu của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) Pháp, lớp tàu này có thể phù hợp với một loạt hoạt động rất đa dạng. "Tàu Mistral có khả năng điều hành chiến dịch từ một cụm chỉ huy, chính điều này khiến cho Nga quan tâm, hoặc tiến hành các sứ mệnh gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, quân y, cứu hộ và di tản công dân...".

Mistral cho phép một bộ tham mưu chỉ huy thực hiện nhiều chiến dịch quân sự quy mô lớn, đồng thời có thể hoạt động giống như một bệnh viện đa khoa đủ sức đảm bảo cho một thành phố khoảng 25.000 dân. Tính chất đa năng này khiến nó có thể thu hút nhiều khách hàng tiềm năng.

Điểm yếu lớn nhất của hai con tàu "bị bán hụt" là được chế tạo theo đơn đặt hàng của Nga. Do đó, chủ sở hữu tương lai sẽ phải đầu tư nhiều cho trang thiết bị đi kèm. Nga chắc chắn sẽ thu hồi những trang thiết bị của họ, trong đó có hệ thống thông tin và chiến đấu, và nhà sản xuất sẽ phải điều chỉnh lại cho phù hợp với khách hàng mới. Chi phí bổ sung cho công đoạn này phụ thuộc vào yêu cầu và nhu cầu sử dụng, ước tính từ vài chục đến hàng trăm triệu euro.

Chẳng hạn, hệ thống điện và điện tử trên tàu hoạt động với tần số 50Hz, trong khi tất cả tàu chiến của phương Tây đều sử dụng tần số 60Hz nên cần phải thay đổi hết các thiết bị điện nếu không bán được cho một nước sử dụng chuẩn giống như Nga, như Ấn Độ. Giá thành một chiến hạm Mistral theo ấn định trong hợp đồng năm 2011 là 600 triệu euro - số tiền không phải nước nào cũng có thể bỏ ra.

Ngoài ra, cần phải có các phương tiện để vận hành với yêu cầu rất cao và đội ngũ thủy thủ được đào tạo tốt. Theo các chuyên gia, hiện chỉ có 3 nước thực sự quan tâm là Ấn Độ, Brazil và Canada. Còn Đô đốc Alain Coldefy thì nói rằng NATO và Liên minh châu Âu không nằm trong số khách hàng tiềm năng.

Tàu Mistral LHD tại xưởng đóng tàu ở Saint-Nazaire, miền Tây Pháp ngày 9/3/2014. Ảnh: AFP/TTXVN

Canada có lẽ là nước có nhu cầu cao nhất trong bối cảnh cuộc chạy đua tranh giành Bắc Cực đang ngày một nóng lên. Bên cạnh đó, nước này đã bị mất một tàu tiếp dầu năm 2014 do hỏa hoạn. Theo báo Le Parisien, ý tưởng mua lại một trong hai tàu Mistral đã được thượng nghị sỹ Canada Hugh Segal đưa ra từ tháng 5/2014.

Ngoài những tuyên bố này, nhiều yếu tố có thể thúc đẩy họ mở hầu bao như Canada đang tiến hành một chương trình hiện đại hóa hải quân và lực lượng bảo vệ bờ biển quy mô lớn với ngân sách lên tới 28 tỷ euro. Vốn là khách hàng thường xuyên của các tập đoàn vũ khí Mỹ, Canada hiện đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung. Với vỏ tàu và đường băng cất cạnh được thiết kế đặc biệt để chống chọi với thời tiết lạnh giá, 2 chiến hạm trên của Pháp có lợi thế lớn để làm vừa lòng khách hàng Canada.

Trong khi đó, Brazil là một đối tác vũ khí tương đối gắn bó với Pháp. Sau hợp đồng vũ khí kỷ lục mà hai nước đã ký năm 2009 với trị giá lên tới 10 tỷ euro, tập đoàn đóng tàu DCNS sẽ cung cấp cho nước này 4 tàu ngầm. Cách đây hai năm, DCNS đã khai trương một nhà máy lắp ráp tàu tại Itaguai, phía Đông Rio de Janeiro.

Với bờ biển dài hàng nghìn km, Brazil đang hiện đại hóa hải quân và muốn nâng cao sự tự chủ hơn so với Mỹ. Hải quân Brazil chỉ có một số tàu hộ tống và một tàu sân bay cũ duy nhất mang tên Sao Paulo, mua lại của Pháp hồi năm 2000. Chiến hạm này đang lão hóa rất nhanh và bị hỏa hoạn năm 2012 nhưng dự kiến vẫn tiếp tục được sử dụng cho tới năm 2039.

Tuy nhiên, mới đây hải quân Brazil cho biết không quan tâm đến việc mua các tàu chiến kiểu Mistral. Theo tạp chí quốc phòng Janes, Brazil sẽ mua của Pháp 1 tàu chở máy bay trực thăng nhưng là chiếc Sirroco thuộc lớp Foudre, lớp trước của Mistral.

Theo chuyên gia Vincent Groizeleau, Tổng Biên tập tạp chí Biển và Hải quân (Pháp), bán được một trong hai hoặc cả hai tàu Vladivostok và Sebastopol cho Ấn Độ sẽ là giải pháp tối ưu bởi hải quân Ấn Độ đã sở hữu rất nhiều vũ khí trang bị của Nga. Ấn Độ đang rất muốn trang bị các tàu chiến đổ bộ quy mô lớn và đã ra thông cáo mời thầu để mua từ 2 đến 4 tàu kiểu này nhưng kèm theo điều kiện là "phải được đóng hoặc lắp ráp ở trong nước".

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm