Góc nhìn: Tại sao Nga đồng ý cho Snowden tị nạn?

02/08/2013 18:42 GMT+7 | Trong nước

(lienminhbng.org) - Edward Snowden đã được quyền tị nạn ở Nga - một nơi tưởng chừng như không phù hợp với cách công bố các tài liệu mật ra công chúng mà Snowden đã tiến hành.

Ông Andrew Wood, người đã từng là Đại sứ Mỹ tại Nga cho rằng: "Việc Nga tiếp nhận Snowden là một điều khá thú vị. Snowden quá cảnh tại sân bay Moscow chính là cơ hội để Nga có một câu trả lời rõ ràng về vấn đề nhân quyền của Moscow với phương Tây".

Mỹ đã từng phàn nàn về tình trạng nhân quyền ở Nga trong thời gian gần đây nhưng Mỹ không thể lường trước được rằng Moscow lại có thể sẵn sàng tiếp nhận Snowden. Với Nga, Snowden như một biểu tượng có giá trị phổ quát để nói với phương Tây rằng Mỹ và các đồng minh không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của các quốc gia khác.

Có thể nói việc đồng ý cho Snowden tị nạn không phải là chủ đích ban đầu của Nga bởi nếu như chỉ đơn thuần là vấn đề tình báo thì ông Putin và cả Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã đón chào Edward Snowden ngay từ khi cựu nhân viên CIA đặt chân xuống sân bay Moscow. Nga cũng tỏ ra không quan tâm đến những thông tin Snowden tiết lộ với thế giới. Thậm chí Tổng thống Nga Putin còn đưa ra quan điểm nếu như Snowden chấm dứt tiết lộ những thông tin mật của nước Mỹ, Nga có thể sẽ đồng ý đơn xin tị nạn của Snowden.


Không còn chốn dung thân, Snowden buộc phải tị nạn ở Nga

Snowden đã phải ở lại khu quá cảnh ở sân bay Sheremetyevo trong suốt 5 tuần qua đơn thuần bởi Mỹ đã gây sức ép lên các nước có thể đón nhận cựu nhân viên CIA cũng như việc tước bỏ các giấy tờ thông hành khiến Edward Snowden không thể tìm được một quốc gia phù hợp nào khác để xin tị nạn.

Nga chỉ còn hai lựa chọn trao trả Snowden lại cho nước Mỹ hoặc đồng ý đơn xin tị nạn. Tuy nhiên giữa Nga và Mỹ không hề có thỏa thuận dẫn độ khiến Moscow phải đặt dấu hỏi tại sao phải giao nộp Snowden cho Washington. Có không ít trường hợp các công dân Nga đang tị nạn ở Anh, Mỹ hay các nước phương Tây mà vì nhiều lý do Moscow đã không thể dẫn độ những người này về nước.

Do vậy, vô hình trung Nga vừa không có sự lựa chọn nào khác, vừa giữ lại được Snowden ít nhất trong thời hạn một năm. Đó như một lời cảnh báo mối quan hệ Nga - Mỹ cần phải "có đi có lại" chứ không đơn thuần như Mỹ có thể vươn tầm ảnh hưởng ra các quốc gia khác.

Nguyễn Hồng Đăng
Theo CNN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm