Khủng hoảng năng lượng và 'bóng ma' lạm phát vẫn đuổi theo nền kinh tế thế giới

11/03/2022 14:39 GMT+7 | Tin tức 24h

(lienminhbng.org) - Căng thẳng địa chính trị ở châu Âu diễn ra vào thời điểm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu, với nguồn cung năng lượng thắt chặt khiến lạm phát tăng cao hơn, làm phức tạp thêm sự phục hồi sau đại dịch. Giờ đây, cuộc khủng hoảng Ukraine còn đẩy thế giới đứng trước một trong những cú sốc năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Ảnh hưởng của biến thể Omicron đến sự phục hồi của kinh tế thế giới

Ảnh hưởng của biến thể Omicron đến sự phục hồi của kinh tế thế giới

Sau gần 2 năm chao đảo với đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã phải thay đổi chiến lược chống dịch, từ phong tỏa sang thích ứng linh hoạt, từ Zero COVID sang sống chung an toàn với COVID-19, từ đó tạo tiền đề cho quá trình phục hồi kinh tế.

* Năng lượng trong vòng xoáy căng thẳng

Các biện pháp trừng phạt Nga được Mỹ và các đồng minh liên tục đưa ra. Nổi bật trong chuỗi diễn biến đó, Nhà Trắng ngày 8/3 đã thông báo ra lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Cùng ngày, Vương quốc Anh cam kết sẽ loại bỏ dần nguồn dầu nhập khẩu từ nước này vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh
Từ sau động thái trên, giá dầu thế giới đã đồng loạt tăng cao, trong khi giá xăng dầu tại Mỹ đã lên mức kỷ lục, vượt ngưỡng 4 USD/gallon (3,78 lít), mức tăng được đánh giá sẽ đe dọa sự ổn định của nền kinh tế, đẩy lạm phát lên cao và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân Mỹ. Ảnh minh họa

Những phản ứng đầu tiên của thị trường năng lượng thế giới phần nào cho thấy mối lo ngại của các chuyên gia, rằng bất kỳ sự gián đoạn nào đối với những hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga đều có thể khiến giá nhiên liệu tăng cao hơn, là có cơ sở. Trên thực tế, kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền Đông Ukraine ngày 24/2, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt-đáp trả của Mỹ và phương Tây với Nga, giá dầu thế giới đã tăng hơn 30%.

Bởi vậy việc Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt trực tiếp nhằm vào ngành năng lượng - vốn là “trái tim” của nền kinh tế Nga - được đánh giá sẽ tạo ra nhiều rủi ro, mặc dù dầu thô và sản phẩm hóa dầu từ Nga chỉ chiếm 8% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu dạng lỏng vào Mỹ.

Tác động thấy rõ nhất là lệnh cấm nhập khẩu trên có thể khiến giá dầu tại Mỹ và thế giới vốn đã cao ngất ngưởng tiếp tục đà đi lên. Mỹ ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga đồng nghĩa là tự cắt đi 8% nguồn cung hàng năm, con số không quá lớn song không dễ bù đắp ngay lập tức. Theo ước tính của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, 8% nguồn cung dầu này tương đương khoảng 700.000 thùng dầu và sản phẩm từ dầu một ngày.

Hiện các công ty trên thế giới lại đang có xu hướng tránh mua dầu Nga, một phần vì gặp khó khăn khi thanh toán do các ngân hàng Nga bị phương Tây trừng phạt, phần nữa vì e ngại vướng vào các biện pháp trừng phạt đã và có thể sắp áp đặt.

Do đó, trang tài chính của Yahoo nhận định việc Mỹ áp đặt lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga và những biện pháp trừng phạt sâu rộng hơn, nếu có trong tương lai, sẽ thắt chặt nguồn cung, gia tăng bất ổn thị trường và đẩy giá dầu đi lên. 

Chú thích ảnh
Trong khi đó, Nga là nước xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu thứ hai thế giới sau Saudi Arabia , xuất khẩu khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

Theo đánh giá của bộ phận nghiên cứu thuộc ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ), các lệnh trừng phạt đối với Nga có thể gây ra sự sụt giảm lớn nguồn cung dầu trên thế giới, và điều này sẽ vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu. Goldman Sachs nhận định rằng giá dầu Brent có thể đạt mức 175 USD/thùng trong năm nay nếu 2/3 lượng dầu xuất khẩu từ đường biển của Nga bị cắt giảm.

Công ty tư vấn Rystad Energy có trụ sở tại Oslo (Na Uy) ngày 9/3 khuyến cáo nếu các quốc gia phương Tây khác nối bước Mỹ và cấm vận dầu của Nga, giá dầu thô có thể tăng vọt lên tới 240 USD/thùng vào mùa Hè này. Một động thái như vậy sẽ tạo ra "lỗ hổng” 4,3 triệu thùng/ngày trên thị trường – con số không thể nhanh chóng thay thế bằng các nguồn cung khác.

Ngân hàng Mỹ JPMorgan thì ước tính giá dầu có thể đạt kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm nay nếu gián đoạn xuất khẩu dầu của Nga kéo dài. Ngân hàng này nhấn mạnh với vai trò quan trọng của Nga trong việc cung cấp năng lượng cho toàn cầu, nền kinh tế thế giới có thể sớm phải đối mặt với một trong những cú sốc cung cấp năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Theo ước tính của Goldman Sachs, những hệ lụy do căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày xuất khẩu qua đường biển của Nga bị mất đi. Nếu tình hình đó kéo dài, nó sẽ trở thành sự gián đoạn nguồn cung theo tháng lớn thứ năm kể từ Thế chiến thứ hai.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo kịch bản giá dầu có thể tăng lên mức 300 USD/thùng nếu phương Tây tiếp tục áp đặt các biện pháp cấm vận nhằm vào Nga. Viễn cảnh này có nguy cơ đe dọa an ninh năng lượng toàn cầu và đẩy nền kinh tế thế giới đối mặt với một trong những “cú sốc” về nguồn cung năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

* … và những hệ lụy với lạm phát 

Theo tính toán của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), tỷ trọng của dầu trong GDP toàn cầu vào khoảng 3%. Mặc dù không phải là yếu tố chính dẫn đến lạm phát, nhưng “vàng đen” là một trong những hàng hóa quan trọng nhất trên thế giới, bởi đây là nhiên liệu cho hoạt động vận tải và nguyên liệu của các loại hàng hoá thiết yếu khác như dược, may mặc, hoá chất...

Chú thích ảnh
Do đó, tác động của giá dầu tăng sẽ không chỉ được người tiêu dùng cảm nhận tại các trạm xăng, mà còn ở hầu như tất cả các hàng hóa và dịch vụ mà con người sử dụng, từ đó góp phần đẩy lạm phát tăng cao.

Theo báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) công bố gần đây, tỷ lệ lạm phát bình quân của 38 nước thành viên OECD trong năm 2021 là 4,1%, cao gấp ba lần giai đoạn năm 2020 và là mức cao nhất trong vòng gần 20 năm trở lại đây. Riêng tháng 12/2021, con số này tăng mạnh lên 6,6%, mức cao nhất trong 30 năm. Trong đó, giá năng lượng trong năm 2021 đã tăng 15,4%, cao nhất trong vòng gần 40 năm qua.

Tính đến tháng Hai, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) là 5,8%, cao gần gấp ba lần so với mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Cũng trong tháng Hai, chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát, của Mỹ tăng 7,9%, mức tăng cao nhất trong 40 năm qua. Mức tăng này không nằm ngoài dự báo nhưng là chỉ dấu cho thấy giá cả tiếp tục leo thang, đặc biệt là giá xăng, thực phẩm và nhà ở. Trước đó, CPI tháng Một của Mỹ tăng 7,5%, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng 6%.    

Hãng tin Reuters nhận định tình hình giá dầu hiện tại có thể kéo mức lạm phát tại Mỹ và châu Âu lên trên 7% và "ăn sâu" vào sức mua của các hộ gia đình. Theo quy luật, tại Mỹ, cứ mỗi thùng dầu tăng 10 USD thì lạm phát sẽ tăng 0,2 điểm phần trăm. Còn tại châu Âu, giá dầu tăng 10% sẽ kéo theo lạm phát tại Eurozone tăng thêm từ 0,1- 0,2 điểm phần trăm. Chỉ hơn hai tháng đầu năm nay, giá dầu thô Brent đã tăng khoảng 80%, đóng góp mức tăng lạm phát từ khoảng 0,8-1,6 điểm phần trăm tại Liên minh châu Âu (EU).             

Trong khi đó, tại Nga, lạm phát giá tiêu dùng, vốn đang trên đà tăng nhiều tháng qua, đã chạm mức cao nhất sáu năm qua trong tháng Hai. Với mức 9,15% trong tháng trước, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 1/2016 lạm phát tại Nga vượt ngưỡng 9%. Mức lạm phát 9,15% nói trên cao hơn gấp hai lần mức mục tiêu 4% của Ngân hàng trung ương Nga, và số liệu này còn chưa bao gồm tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với nước này.

Các lệnh trừng phạt gần đây có thể đẩy giá nhiều mặt hàng lên cao hơn nữa, đặc biệt khi đồng ruble đã mất khoảng 40% giá trị kể từ đầu năm nay, khiến các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng.

Giá dầu tăng không ngừng cũng gây sức ép lên tình hình lạm phát phi mã tại khu vực châu Á, khu vực nhập khẩu ròng năng lượng. Chuyên gia Frederic Neumann, đồng trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại HSBC Holdings PLC, cho biết hầu hết các nước ở châu Á đều là các nhà nhập khẩu năng lượng lớn, do đó chi phí dầu thô và khí đốt tăng cao sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và tác động của lạm phát cũng rất đáng kể.

Giới chuyên gia cũng bắt đầu lo ngại khả năng chống chịu của nền kinh tế toàn cầu, nhất là khu vực châu Âu, để thoát khỏi một cuộc suy thoái và khủng hoảng năng lượng mới. Tính toán sơ bộ của ECB cho thấy những tác động từ căng thẳng Nga-Ukraine có thể kéo giảm mức tăng trưởng ở Eurozone khoảng 0,3-0,4 điểm phần trăm trong năm nay theo kịch bản chính và 1 điểm phần trăm trong trường hợp xảy ra "cú sốc nghiêm trọng".

Ông Erik Nielsen, cố vấn kinh tế tại tập đoàn UniCredit, nhân định: “Tiến trình phục hồi hậu COVID-19 chắc chắn sẽ bị chậm lại, với một nguy cơ rõ ràng về thế giới đang tiến đến giai đoạn lạm phát kèm suy thoái”.

Chú thích ảnh
Giờ đây, cuộc khủng hoảng Ukraine còn đẩy thế giới đứng trước một trong những cú sốc năng lượng lớn nhất từ trước đến nay.

Trong khi đó, chiến lược gia thị trường Hussein Sayed tại công ty Exinity chuyên về thương mại và đầu tư của Anh cho rằng: “Cùng với việc nền kinh tế Nga sẽ bị tổn thương nhiều nhất, châu Âu cũng có thể sẽ rơi vào suy thoái và tăng trưởng của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, nhưng người tiêu dùng sẽ cảm thấy đau đớn nhất”.

Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty môi giới tài chính OANDA (Mỹ), cho rằng những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Ukraine và những hệ lụy đi kèm sẽ tiếp tục đẩy giá năng lượng tăng mạnh trong ngắn hạn.

Việc Mỹ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga được cho có thể khiến căng thẳng địa-chính trị ngày một dâng cao trong khi thị trường năng lượng thế giới tiếp tục “nóng” lên, dẫn tới nguy cơ một cuộc khủng hoảng năng lượng. Hệ lụy là quá trình phục hồi toàn cầu có nguy cơ bị chững lại trong bối cảnh các nước mới chỉ vừa mở cửa trở lại nền kinh tế sau hơn hai năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19.

Khánh Ly (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm