Ngạc nhiên với 'Lôi Vũ' phiên bản mới!

21/12/2020 08:52 GMT+7 | Văn hoá

(lienminhbng.org) - Lôi Vũ gần như là vở kịch cổ điển từ mấy chục năm nay đã được dàn dựng trên nhiều sân khấu ở TP.HCM, kể cả chuyển thể cải lương. Thế nhưng mới đây, nghệ sĩ Quốc Thảo đã dựng lại với một phiên bản hoàn toàn mới mẻ khiến người xem ngạc nhiên và thú vị.

Dư âm 'Tiếng sét trong mưa': Kết phim khác 'Lôi vũ', đạo diễn đã bỏ qua 'tên tội đồ' Cai Tuất

Dư âm 'Tiếng sét trong mưa': Kết phim khác 'Lôi vũ', đạo diễn đã bỏ qua 'tên tội đồ' Cai Tuất

Kết phim Tiếng sét trong mưa không bi kịch như bản gốc khi Phượng, Xuân vẫn còn sống. Sự tha thứ của Khải Văn và Thị Bình dành cho bà Hội vào phút cuối khiến kết phim có hậu và nhân văn hơn bản gốc rất nhiều. 

1. Suất đầu tiên ra mắt vào đêm 19/12/2020 tại sân khấu Quốc Thảo Q.3, TP.HCM, khán giả tò mò lẫn hồi hộp vì không biết Quốc Thảo dám “đụng” tới Lôi Vũ theo kiểu nào. Anh đã phóng tác kịch bản của Tào Ngu trở thành một vở kịch cổ trang đầy màu sắc và chính tay anh đạo diễn với một ngôn ngữ vững chãi dù trong không gian khá hẹp.

Quốc Thảo còn bạo gan ở chỗ, dám cho toàn bộ học trò của mình đảm nhận các vai mà không cần tới một nghệ sĩ chuyên nghiệp nào. Những cô cậu diễn viên trẻ măng, mới học nghề trong vòng một năm đã bị (hay được) thầy đặt vào một thử thách quá lớn, bởi kịch cổ trang đòi hỏi hình thể và vũ đạo công phu hơn so với kịch bình thường. Thế mà các bạn trẻ đã vượt qua được sau 6 tháng trời tập luyện vất vả.

Chú thích ảnh
Ngọc Phú vai hoàng hậu Khiết Châu, Huỳnh Thái vai thái tử Doãn Bá Trác (ảnh:H.K)

Tất nhiên, các bạn vẫn còn những non nớt trong diễn xuất lẫn tiếng nói sân khấu, nhưng với 1 năm học mà đạt được như thế thì quả đáng mừng. Và mọi người cũng nhìn thấy triển vọng của các bạn, từ ngoại hình cho tới diễn xuất đều hứa hẹn sự tỏa sáng. Sân khấu đang trồng những lứa cây non, quan trọng là chúng ta có nhìn thấy triển vọng hay không, để mà vun đắp cho các bạn. Tài năng có khi cần con mắt xanh phát hiện và vun bồi, thậm chí thái độ kiên nhẫn cũng là một phương pháp sư phạm. Khán giả đủ kiên nhẫn để nhìn ra khả năng các bạn sẽ lớn dần. Một đêm diễn thú vị trôi qua, khán giả không ai bỏ về, và vỗ tay liên tục, là minh chứng cho lòng tin của khán giả.

Câu chuyện đẫm nước mắt của nhà Chu Phác Viên giờ biến thành câu chuyện vương triều họ Doãn. Các nhân vật được thay đổi, từ Chu Phác Viên thành nhà vua Doãn Bá Kỳ (Tuấn Kiệt đóng), Phồn Y thành Hoàng hậu Khiết Châu (Ngọc Phú), Chu Bình thành Thái tử Doãn Bá Trác (Huỳnh Thái), Chu Xung thành hoàng tử Doãn Bá Thi (Chí Cường), Lỗ Quý thành Cố Thái y (Cao Sang), Thị Bình là Mai Trang (Phương Dung), Lỗ Tứ Phượng là cung nữ Cố Y Bình (Ma Tiên), Lỗ Đại Hải là đô đốc Cố Chấn Hùng (Nickel Thịnh). Thêm vai Sầu Ba là bà hầu cận hoàng hậu (Thanh Hưng) và thái giám Diêu Lại (Trường Phúc), cung nữ Vi Hạ (Quế Thạch Thảo) là trọn vẹn màu sắc của một hoàng cung.

Chú thích ảnh
Ma Tiên vai Cố Y Bình, Phương Dung vai bà mẹ Mai Trang (ảnh: H.K)

2. Nhưng chuyển từ kịch xã hội sang cổ trang thì không thể bê nguyên xi câu chuyện cũ, tất nhiên Quốc Thảo đã làm mới ở vài chi tiết. Chi tiết quan trọng nhất là nhân vật hoàng tử Doãn Bá Thi không giống nhân vật Chu Xung, mà có phát triển hơn về tâm lý lẫn hành động. Nếu như Chu Xung chỉ trong sáng và ngây thơ một chiều, cuối cùng chết trong thụ động, thì Bá Thi lại phức tạp hơn. Anh nhận thức được môi trường mình đang sống đầy lừa lọc, xấu xa, thần tượng cha lẫn mẹ đều sụp đổ.

Anh có ý chí để vùng lên, nhưng tiếc thay, ý chí đó bị lồng trong tâm lý kích động. Kích động vì thấy mẹ bị cho uống thuốc độc mỗi ngày. Kích động vì lời mẹ bắt mình phải giành lấy ngôi vua. Kích động vì nhận ra mình thiếu tình thương, không ai quan tâm đúng mực cho mình, người thì lo tranh giành tình yêu, người thì lo củng cố quyền lực, người lại rắp tâm trả thù để mọi thứ tan nát.

Chú thích ảnh
Chí Cường vai hoàng tử Doãn Bá Thi, Ngọc Phú vai hoàng hậu Khiết Châu (ảnh: H.K)

Kích động cuối cùng là cái chết của cung nữ Cố Y Bình mà chàng thương yêu. Mọi thứ vừa hụt hẫng, vừa sụp đổ, vừa cô đơn, vừa oán hận trong lòng chàng. Và Bá Thi đã nổi loạn, cầm gươm giết anh trai, đánh cả vua cha.

Sự nổi loạn này gợi liên tưởng tới một lớp người trẻ trong xã hội hiện đại, bị mất niềm tin, không tìm thấy tình thương, không nhìn ra tương lai phải làm điều gì cho hợp lẽ. Họ từ chỗ thụ động trở thành cuồng loạn lúc nào không hay. Họ vùng dậy theo kiểu của Bá Thi, rất gan dạ, rất mạnh mẽ, nhưng tiếc thay, sai chỗ, sai phương pháp, dẫn đến hậu quả khốc liệt hơn là thay đổi được thế giới.

Chú thích ảnh
Cao Sang vai Cố Thái y, Nickel Thịnh vai Cố Chấn Hùng (ảnh: H.K)

Bá Thi là nhân vật phong phú và hợp lý mà Quốc Thảo đã tạo nên, một điểm son so với Lôi Vũ truyền thống. Vì vậy, tuy là kịch cổ trang, nhưng lại hiện đại, đáng cho người ta suy gẫm và cảnh giác nhiều hơn.

Thiết kế sân khấu lại là một điểm son nữa. Quốc Thảo xoay sở thế nào mà trong không gian hẹp như thế vẫn hiện ra triều đình lộng lẫy, vườn thượng uyển lung linh, những góc hậu cung mờ ảo, phòng ngủ gợi cảm, và cả một khu vườn trúc tuyệt đẹp phía sau nhà Cố Thái y đầy mưa gió bão giông đúng với tinh thần của Lôi Vũ. Quốc Thảo quả là một đạo diễn rất cứng, từng trải nghiệm từ sân khấu cho tới game show, sự kiện, anh mang đến cho người xem một đêm mãn nhãn.

Hoàng Kim

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm