(lienminhbng.org) – Đây là nội dung bài viết của Eric Samuel trên trang thestar.com.my của Malaysia về sự cố trên sân Shah Alam trong trận bán kết lượt đi AFF Suzuki Cup 2014 giữa Malaysia với Việt Nam.
“Cầu thủ thứ 12” là cụm từ mà người ta nói về những CĐV bóng đá cuồng nhiệt của bất cứ CLB hay đội tuyển nào. Các CĐV được ví như “cầu thủ thứ 12” bởi họ có thể tác động rất lớn tới kết quả thi đấu của đội nhà.
Tuy nhiên, một khi họ vượt qua ranh giới, chẳng hạn như sử dụng vũ lực, họ không còn là người hâm mộ bóng đá nữa, mà là những hooligan thực thụ. Đó chính xác là những gì xảy ra trong trận đấu giữa Malaysia với Việt Nam tại sân Shah Alam khi một nhóm CĐV hung bạo tấn công CĐV đội khách.
Sự cố đáng xấu hổ xảy ra hôm chủ nhật tất nhiên đã hủy hoại hình ảnh của Malaysia. Thậm chí, đó là một ngày đen tối của bóng đá Malaysia. Vậy điều gì đã xảy ra hôm chủ nhật?
Những hooligan đang làm ảnh hưởng đến hình ảnh tốt đẹp của bóng đá Malaysia
Tất cả bắt đầu sau khi đội tuyển Việt Nam ghi bàn thứ hai để dẫn trước 2-1 sau 1 giờ thi đấu đầu tiên. Khoảng 3000 CĐV Việt Nam ăn mừng trên khán đài, và sau đó, một nhóm CĐV hung dữ của đội chủ nhà tràn sang khán đài của Việt Nam và bắt đầu tấn công các CĐV đội khách, ngay trước mặt cảnh sát. Nếu đó không phải là một sự coi thường thì tôi không biết gọi là gì.
Làm thế nào để một sự cố như vậy xảy ra bất chấp tình trạng an ninh chặt chẽ ở SVĐ? Lực lượng an ninh đã ở đâu?
Mọi thứ còn tồi tệ hơn khi họ không tha cả các CĐV nữ. Cuộc tấn công dã man khiến một số CĐV Việt Nam toàn thân đẫm máu và bất tỉnh.
Malaysia từng tự hào là một trong những chủ nhà tốt nhất của các sự kiện thể thao quốc tế. LĐBĐ Malaysia (FAM) từng được biết đến là một “liên đoàn hình mẫu”. Cách đây 20 năm, LĐBĐ châu Á (AFC) từng gửi một phái đoàn tới Malaysia để nghiên cứu cách vận hành và tổ chức của FAM. Họ rất ấn tượng với những gì mình đã chứng kiến.
Bạo lực trong bóng đá không có gì là mới. Nó đã xảy ra trên khắp thế giới, thậm chí ở giải nội địa. Làm sao chúng ta có thể quên các thảm kịch Heysel và Hillsborough?
Năm 1985, 39 người đã mất mạng và 600 người khác bị thương khi các CĐV bị dồn vào bức tường trên SVĐ Heysel (Bỉ) trước trận chung kết Cúp C1 giữa Juventus với Liverpool.
Năm 1989, 96 người đã chết và 766 người bị thương trong trận bán kết FA Cup giữa Liverpool với Nottingham Forest trên sân Hillsborough.
Chúng ta có muốn thấy những thảm kịch tương tự trên sân nhà?
Hai CĐV đã chết trong một vụ hỗn loạn trong trận chung kết SEA Games 2011 giữa Malaysia với Indonesia trên sân Gelora Bung Karno ở Jakarta. Trong thảm kịch này, những chiếc vé giả đã được bán ra tràn lan, dẫn đến việc hơn 100.000 CĐV tràn vào sân.
FAM cần thắt chặt an ninh trên mọi SVĐ cũng như cảnh giác vào mọi thời điểm. Cảnh sát cần phải mạnh tay với những kẻ phạm tội.
V.M
Theo The Star