Ngẫm ngợi cuối tuần: Tiếng rao đêm

10/01/2015 08:31 GMT+7

(lienminhbng.org) - "Bánh khúc đây… Tôi là bánh khúc đây"… cứ thế lặp lại cái giọng đàn ông mệt mỏi… (mãi sau này mới biết là giọng đã qua loa điện). Tiếng rao ấy ban ngày chìm vào tiếng ồn thành phố, nhưng đêm đêm nó đóng đinh vào tai mình, làm  đau đáu cõi lòng. Ngoài trời rét ngằn ngặt vài ba độ mình nằm trong chăn ấm, tai nghe  tiếng rao của kẻ kiếm ăn khuya khắc khoải… Tiếng rao như đang đuối hơi ngạt dần trong cái giá rét trời đông mà thấy lòng nao nao…

Tiếng rao đêm là thứ đặc sản chỉ phố phường mới có. Qúa nửa đời người khi tôi rời quê ra phố mới biết đến những tiếng rao này… Ngày đầu tiếng loa gõ vào thính giác, cả đêm tôi trằn trọc khó ngủ. Khó ngủ không phải vì tiếng ồn, mà vì ngẫm đến những thân thận con người sau tiếng rao ấy. Những con người nằm sau tiếng rao… Miếng ăn của vợ chồng, con cái họ đang trông chờ vào một tiếng rao buồn bã đơn độc trong đêm sâu cái kiếp người đơn côi đó…

Ở quê tôi trước đây cứ sau 8 giờ tối là nhà nhà tắt đèn đập chân lên giường đi ngủ. Bây giờ có điện, giấc ngủ đến có chậm hơn với một số gia đình. Nhưng làng quê không có tiếng rao đêm như ở phố phường.

Phục vụ thói quen ăn vặt của đám người phố phường quen thức khuya có sắn luộc, khoai nướng, xôi nóng, bánh khúc, bắp rang, bắp nướng, các hàng ăn thao thức cùng đêm ở góc phố quán hàng, nơi tụ tập dân tứ chiếng. Còn tiếng rao đêm là của người bán món bánh khúc nóng. Chiếc xe đạp cà tàng, thúng bánh ủ nóng rẫy  buộc sau xe. Dưới ghi đông gắn cái loa điện, bình ắc quy buộc bên cạnh Poocbaga… Tiếng rao đàn ông đùng đục mệt mỏi từ cái loa rỉ lan ra đường phố, nhưng khi ngoái đầu ra gọi thì lại là một bà gầy nhom, hoặc một thiếu niên ốm yếu. Nghe nói thì buồn cười, rằng chỗ nào có cá thì có nước, chỗ nào có người thức thì có tiếng rao, thì  ở nơi  phố phường này hoàn toàn đúng .

Mấy hôm nay rét nặng. Một người bạn tôi ở Sài gòn nghe Hà Nội rét động lòng  bèn nhắn ra: “… Nghe cái thằng cu đi xe đạp ngoài đường nó rao "Ai xôi nóng đơi", mình cứ tưởng đang ngồi ở Hà Nội, tự dưng thấy ren rét, gai gai người. Chả biết bây giờ Hà Nội thế nào, có còn tiếng rao ấm áp đằm thắm ấy không”.

Tôi muốn nói to cho vọng tới Sài Gòn với bạn tôi rằng, còn, vẫn  còn bạn ạ, và sẽ còn mãi. Khi con người còn cần miếng ăn thì còn tiếng rao. Bạn biết không, bắt cá con người có nhiều cách: Dùng lưới, đánh mìn, câu, thả thuốc độc, tát cạn nước… nhưng chim bói cá lại có một cách bay treo. Tiếng rao của người bán hàng trên chiếc xe đạp cà tàng có khác gì lối kiếm sống của loài  bói cá.

Có ai đó thống kê rằng trên đời này có hàng vạn cách kiếm sống. Riêng ông lão bán quán trước ngõ nhà tôi thì khẳng định: “Nghề bán chén trà nóng điếu thuốc và nghề bán rong này chả bao giờ mất cả, kể cả khi có chủ nghĩa cộng sản”. Ghê không!

Nhưng ngẫm kĩ thì ông ấy đúng!

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm