Ngẫm ngợi cuối tuần: Sáng tạo

11/04/2015 07:40 GMT+7

(lienminhbng.org) - Trường đại học Angulem ở Bordeaux (Pháp) là trường đào tạo những họa sĩ chuyên vẽ tranh truyện. Nếu ở ta, tranh truyện do nhà văn viết lời, còn họa sĩ vẽ phỏng theo truyện, thì đó là truyện minh họa mà ta gọi nhầm là tranh chuyện. Còn bên kia, họa sĩ vẽ truyện tranh phải tự nghĩ đề tài và vẽ theo câu chuyện mình nghĩ ra. Về hình thức cũng vậy, phải nghĩ ra hình thức cho cuốn sách phù hợp với câu chuyện mình kể và có sáng tạo sao cho không giống ai càng tốt.

Hôm đến thăm trường, tôi may mắn được gặp 3 sinh viên.

Em thứ nhất 21 tuổi, nữ sinh. Em tháo tung một chiếc đồng hồ quả lắc to rồi chụp ảnh các chi tiết ở nhiều góc độ. Sau đó em dùng phần mềm photoshop bôi đen các chi tiết. Những nhân vật trong câu chuyện của em được lắp ráp bằng các chi tiết của đồng hồ…

Em thứ hai thì cầm tập truyện tranh của mình, cúi lom khom rải xuống nền nhà. Khi trải ra, tập sách có hình chữ chi zic zắc, vừa bò vừa xem. Kiểu này trẻ con sẽ rất thích..

Em thứ ba thì sáng tạo cuốn sách như cái lịch blog. Cả tấm bìa là bức tranh, mỗi tờ blog là một tranh nhỏ gắn với bìa thành một câu chuyện. Câu chuyện đó diễn biến mỗi khi lật một tờ lịch, mà hình ảnh lật ra luôn gán với tổng thể bìa lịch.

Ba em ba cách làm. Tôi hỏi vị giáo sư: Các em làm đều hay nhưng làm sao in được như thế, thì vị giáo sư bảo: Việc các sinh viên đến đây là để sáng tạo ra sản phẩm đẹp. Còn làm thế nào in được thì đó là việc của các nhà công nghệ. Có sáng tạo hình thức mới thì nó mới thúc đẩy các nhà công nghệ suy nghĩ cách làm mới, và thiết kế máy móc cũng phải kịp thời để đáp ứng. Công nghệ vì thế mà có tiến bộ chứ không mãi mãi lệ thuộc vào cái khuôn mẫu cũ!

Đến đây tôi mới vỡ lẽ về cách sáng tạo đóng góp cho sự phát triển, chỉ một điểm khởi đầu sáng tạo, nó sẽ lay động cả hệ thống phải thay đổi.

***

Khi sang Trung Quốc, thăm Cố cung thấy kiến trúc của họ bó khuôn chặt chẽ, lớp lớp tầng tầng tựa vào nhau lớp trong lớp ngoài, bảo vệ nhau như pháo đài. Ngoài cùng có tường thành vững chắc. Đó cũng là cách tổ chức xã hội của nhà nước phong kiến Trung Hoa lấy trung tâm làm đại cục, còn xung quanh là phên dậu. Tư tưởng nó hiện hình ngay ra trong kiến trúc Cố cung.

Nhưng qua Pháp cung điện Versailles thì lại khác. Từ trung tâm nó tỏa đi bốn phương tám hướng đều được, kiến trúc rất cởi mở, đi nẻo nào cũng được, không vướng vít chỗ nào.

Phương Tây và phương Đông đều nghĩ đến sáng tạo. Nhưng phương Tây sự sáng tạo hướng về cộng đồng xã hội rộng lớn. Còn phương Đông thì có xu hướng vun về cho trung tâm vì lợi ích trung tâm chứ không vì cộng đồng xã hội.

Quan sát cách làm mới của sinh viên đại học Angulem và cấu trúc hai cung điện Versailles và Cố cung, gợi cho ta rất nhiều điều đáng suy nghĩ.

Bài và ảnh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm