Ngẫm ngợi cuối tuần: Khóc cho giấc mơ núi

04/06/2016 07:16 GMT+7

(lienminhbng.org) -  Ngày ấy cánh rừng già dưới chân Tam Đảo chạy qua xã tôi. Cái xã miền rừng có tên là Vinh Hòa ấy đồng đất ít, bốn bên màu xanh bủa vây.

1. Mùa Hè thì mát, mùa Đông thì lạnh hơn ngày nay. Thích nhất con suối Tàu Bay nước lúc nào cũng xanh nhìn thấy đáy. Đàn cá mương nhởn nhơ đánh võng. Khi đàn trâu đằm thì chúng xô vào bắt rận cho trâu.

Những cây vối già, gốc sù sì xếp hàng bên mương nước cạnh nhà. Lúc ấy chưa ai biết cây chè, chỉ uống lá vối ủ cùng nhân trần.

Nhân trần bây giờ mất giống, chứ khi ấy nó mọc đầy ven ruộng, hoa tím ngắt. Nhân trần lá vối, món quà tặng của thiên nhiên cho con người thứ nước uống lành với tất cả các lứa tuổi.

Nhớ những đầm sen, dộc nước róc rách suốt ngày. Thèm ăn cua, thì đeo giỏ ngang thắt lưng, đi móc hang bên bờ ruộng, chỉ giờ đồng hồ là đầy giỏ. Những con cua cái béo vàng, những con cua đực càng to tím ngắt. Mùa tháng năm này, nước thường bỏng rẫy, cua lủi hết vào hang tránh nóng. Nên gần như hang nào cũng có cua.

Mỗi khi moi được chị cua đầy yếm trứng vàng nhẫy hay cua cái mai thâm cộm dưới bụng đàn con nhỏ li ti như những mảnh hạt đậu xanh, người ta thả nó lại hang. Nhìn con cua lúc ấy cũng tội nghiệp. Hai mắt nhô cao khỏi mai, ngơ ngác ngạc nhiên mấy giây về sự phóng thích bất ngờ. Rồi nó nhún cặp chân nhảy lõm tõm như ngựa phi nước kiệu trên mặt nước nông, trốn nhanh ra khỏi vùng nguy hiểm mà không kịp để lại một lời cảm ơn!

Còn muốn ăn hến nấu bầu thì đấy, mang rổ ra ngay mương nước cạnh nhà đãi một lúc được cả nửa rổ to. Thời ấy thóc ở bồ, thức ăn ở mương nước, rau ở vườn  thường gắn kết chặt chẽ với nhau.

Hàng chanh bên bờ ao năm nào cũng được đắp bùn vét từ đáy ao nên lá xanh quả mọng. Lúc ấy chưa có Viện nông nghiệp nghiên cứu giống lúa, nhưng  cũng nhiều giống nếu nhắc lại tên bây giờ sẽ rất nhiều  người không biết. Này nhé: tám đỏ hạt to, cám hồng. Giã không kĩ thì khi cơm chín mở vung thấy trong hơi nước nghi ngút mơ màng màu cánh sen hồng. Giống tròn tròn thì hạt đúng như tên gọi, hạt nhỏ dày.

Nếp nâu, nếp cái, nếp con  tám thơm đủ cả, năng suất có vẻ không cao nhưng thời ấy mỗi năm ruộng chỉ có tí phân trâu, phân lợn tráng qua, lấy đâu ra chất màu nuôi gốc lúa mà đòi hạt thóc phải nhiều? Nên bảo năng suất thấp có lẽ cũng là oan cho giống lúa. Bây giờ những tên lúa đó không còn. Con người cậy khoa học, lạm dụng tạp lai tạo giống mới, đã làm mất đi cả những giống tốt thuần chủng.

2. Nhớ lại cái không gian miền quê cách đây sáu bảy chục năm mới thấy vật đổi sao dời đến chóng mặt.

Cánh rừng Tàu Bay mấy chục ngàn hecta ngày xưa có đủ cây dùng và bao nhiêu quả ngon vật lạ cùng muông thú, bây giờ chẳng còn dấu vết, mà thay vào đó là những đồi chè hút tầm mắt.

Vối giờ không còn cây nào, thì nhân trần cũng mất giống! Vối không còn thì nhân trần bạn bè với ai! Bây giờ người ta uống nước chè thay vối, Coca thay nước chanh. Tuổi thơ tôi không còn tí dấu vết nào trên vùng đất mình được sinh ra.

Bây giờ mỗi khi về quê, trong giấc ngủ cơn mơ mụ dạy lại hiện về cảnh  mình lang thang trong cánh rừng Tàu Bay, tắm trên dòng suối tuổi thơ. Nụ cười trong giấc mơ chính là tiếng khóc cho giấc mơ núi, về những thứ bị đánh mất vĩnh viễn!

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm