Ngẫm ngợi cuối tuần: Tu từ

01/03/2014 09:15 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Tối 27/2/2014, một phóng sự ngắn trên VTV1 nói về việc đội y bác sĩ tình nguyện xuống Mù Cang Chải thực hiện chương trình khám chữa bệnh cho dân, người dẫn chương trình rất đanh thép dùng hai từ mạnh là “ra quân”, nghe cứ như sắp đi đánh nhau.

Sao không nói đó là chuyến xuất hành đầu Xuân… cho nó nhẹ nhàng dễ nghe hơn.

Ra quân, xuất kích, chiến dịch, mặt trận văn hóa, xung kích, tấn công… là những cụm từ của lính trận, thì nay lại được dùng khá nhiều đến mức lạm dụng và đến bây giờ thì hóa mù ra mưa, ngành nào, nghề nào triển khai hoạt động gì cũng đều ra quân, chiến dịch, tấn công… tất cả đều như đang trên chiến trường nóng bỏng.

Có người lý luận rằng, nói thế cho nó có khí thế.

Đúng là một cách xử dụng ngôn ngữ dễ dãi quen mồm. Một bạn bảo tôi: Đó là tiếng vọng chiến tranh.

Mấy người bạn khác thì bàn thêm: Anh không thấy bây giờ bất kể việc gì, hoàn cảnh nào cũng dùng từ “ra quân”, nghe kinh hết cả người… Lại còn lạm dụng những từ gợi dục nữa ạ. Nhất là trong tin thể thao: lên đỉnh, điểm G, cực khoái... nghe khó chịu vô cùng!

Bạn khác thì cho rằng: Việc lạm dụng những từ mang tính chất cường điệu hóa chính trị lâu dần đã làm biến đổi nghĩa một số từ, cũng như tạo một thói quen mới của từ vựng thôi bác ạ. Xu thế người Việt mình là gắn mọi hành vi dân sự với hình ảnh quân sự (thể hiện tâm lý quân sự hóa), ví dụ ra quân, xuất kích, thanh niên xung kích, mặt trận văn hóa...

Tôi nghĩ bạn ấy có lý một phần.

2 Có lần báo Thể thao & Văn hóa có cả loạt bài chuyên đề về dùng tiếng Việt sao cho trong sáng, có nhiều ý kiến rất xác đáng. Nhưng cứ như đó là chuyện riêng của báo vậy. Ai nói cứ nói, chẳng thấy có chuyện sửa, mọi sự lại rơi tõm như ném đá ao bèo, không ai để ý. Mà việc này những người làm truyền thông là cần lưu ý nhất.

Quen miệng nói, quen tay viết nhưng nếu như những từ đó dùng mãi thành quen, nó tác động xấu lắm đến tâm lý: ra quân thì dễ dùng vũ lực, chiến dịch thì cũng vậy, tháng hành động thì dễ manh động, là chiến sĩ thì phải cứng rắn như đi đánh nhau… Những ngôn từ chứa bạo lực dùng không chỉ trong các hoạt động của công an, quân đội mà lan sang cả văn hóa, y tế, giáo dục, giao thông… mà truyền thông đài đóm, các bài phát biểu tổng kết hoặc phát động một việc gì là hay dùng nhất những từ mạnh kiểu đó. Quả tình đó là sự lạm dụng kéo dài đã quá mà ít ai để ý.

Ngôn ngữ giao tiếp hay thông tin bây giờ dễ dãi thật, chả cần tu từ cho chuẩn, chả nhẽ tu từ bây giờ chỉ là việc của mấy nhà văn nhà thơ, còn ngôn ngữ hành chính thì cứ tùy tiện!

Tôi nhớ là trong giao tiếp công sở chưa thấy có tài liệu nào hướng dẫn về nguyên tắc tiếp xúc ăn nói khi giao dịch mà toàn là tùy cơ ứng biến.

Hồi bao cấp ở cơ quan thì hai từ đồng chí luôn là thường trực, bây giờ thì lại phổ biến chú cháu, bác cháu, rồi anh anh em em hoặc ỡm ờ sếp sếp em em… ỡm ờ và tùy tiện.

Bài và minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm