31/05/2014 08:15 GMT+7
(lienminhbng.org) - 1. Trong ngôn ngữ hành chính, ta thường gặp một câu cửa miệng: “Được sự quan tâm của cấp trên…” nên mới có thành quả này kia nọ… Không biết ai hình thành câu nói đó, mà sau đó nó được dùng quen và dần dần nó ngự trị trên rất nhiều văn bản loại báo cáo của nhiều cấp, từ cao đến thấp, nói như quen mồm, viết như quen tay, như cái dòng kẻ ô ly trên tờ giấy trắng không biết có từ bao giờ.
Câu nói hay lời văn quen thuộc nhẵn ra như vây, đến mức không ai để ý, thực chất đang là vấn đề rất đáng lưu ý. Nó hiện hình ra trong nội hàm “xin - cho”, một câu nịnh bề trên để lấy lòng, và bề trên nhiều khi coi đó là chuyện thật mười mươi, và bên dưới phải nói thế để tỏ lòng biết ơn…
Và lâu rầy, bên trên coi quan tâm như là cái mình có quyền ban phát là tất yếu. Được quan tâm của mình mới được thế chứ! Bên dưới thấy trên gật gù là mừng thon thót… thế là mọi việc hanh thông…
Đó là nền tảng đi đến sự quan liêu, mệnh lệnh, ban phát xin - cho. Rất nhanh làm hỏng bộ máy quản lý trong hệ thống và tạo tâm lý đối phó từ bên dưới. Nghĩa là dối trá được đẻ ra.
Những chuyên gia về cải cách hành chính liệu có ai nghĩ rằng chỉ mấy chữ này đã cần có một cuộc cải tổ lớn không nhỉ?
Trước đây một ai được vào bổ nhiệm vào một chức vụ, được giao nhiệm vụ thì kèm theo đó mức lương bổng và một số tiêu chuẩn đãi ngộ để người cán bộ đó có đủ điều kiện thực thi trách nhiệm mình được giao.
Bây giờ cái ghế công chấp pháp đó đã được nhiều người biến nó thành tài sản riêng tư để khai thác cho riêng mình. Rõ ràng đó là điều bất chính! Tuy không nói ra nhưng ai cũng biết điều đó là có thực.
Nếu việc này là đơn lẻ như một hiện tượng thì chỉ cần một chữ ký và con dấu lệnh là “cái ghế” đó có thể bị hạ bệ tức thời. Nhưng khi nó thành hệ thống rồi thì nó là tệ nạn, và nó sống miên man trong bền vững.
Tham nhũng cũng từ đây mà ra. Điều đó thì không cần bàn cãi nữa. Có thể nhìn thấy rất rõ lỗ hổng cơ chế này rồi.
2. Hai ví dụ: vế thứ nhất là ý thức về quyền lực là cái rất ảo, từ câu chữ đã manh nha dấu hiệu chuyển từ trách nhiệm thành quyền ban phát. Vậy là có sự hiểu không đúng về nó hay cố tình biến thái để tăng cường vai trò quyền lực của mình. Dù là gì thì đó cũng là mầm mống hình thành vị trí cai trị và người bị cai trị, hình thành một nếp sống không bình thường trong một xã hội có phân công lao động.
Vế thứ hai là sự lạm dụng tuyệt đối vị trí cho cá thể khi được xung vào vị trí quyền lực. Sự liên kết của họ thành thứ nền tảng để phân công hưởng lợi. Mỗi cái ghế như là một cái mỏ có giá trị, mà chủ ngồi trên ghế dựa vào trách nhiệm của mình tìm mọi cách khai thác nhiều chiều, tạo nên lợi ích cao nhất cho mình. Cái ghế quyền lực bây giờ không còn là ảo, mà hẳn là một giá trị được xác lập, nhất là khi có hiện tượng mua quan bán chức.
Hai ví dụ nhỏ trong câu chuyện lớn xã hội kéo dài, gây nhức nhối, thành căn bệnh mãn tính không dễ gì sửa trong ngày một ngày hai.
Bài và minh họa: Đỗ Đức (họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất