26/09/2015 07:25 GMT+7
(lienminhbng.org) - 1. Trên chục năm trước đây, trong chuyến du khảo miền Tây Bắc, ngồi trên xe trò chuyện, GS Tô Ngọc Thanh có nói với tôi về một loại gạo mà nấu cơm lên, mở vung ra, chó ngửi thấy hơi là đứng dậy hếch mũi lên. Nên nó có thêm biệt danh “Khẩu ma tứn” (cơm chó đứng dậy). Đó là loại gạo ngon đặc biệt!
Ngày 23/9/2015 vào Mường Chiến 2, tôi gặp nông dân Cầm Văn Thu người Thái trắng. Tôi thấy ông giới thiệu loại nếp đặc sản của vùng có tên nếp Tan. Rồi ông bảo nó chính là “khẩu ma tứn” bác hỏi đấy.
Trên 10 năm giờ mới xác định được một loại gạo đặc sản của người Thái, kể cũng là quá dài.
Ông Thu cho biết nếp Tan năng suất thấp, người Thái nay trồng để dùng trong gia đình thôi, ít bán lắm vì năng suất không cao.
2. Tôi ra ruộng nếpTan để tận mắt nhìn thấy giống lúa quí này, thì đây vỏ hạt nếp hơi vằn tím, hạt tròn, trong khi nếp hoa vàng thì lại hơi dài vỏ vàng, còn nếp nâu vỏ trấu sẫm. Lại còn loại nếp nâu đầu hạt có râu dài nhọn cứng...
Nếp Tan, đúng là nguồn gene quý mà người Thái Mường Chiến còn cất giữ được. Ông Thu bảo bán một cân nếp Tan, mua được hai cân nếp thường vì nó dẻo thơm mà giờ có ít!
Người dân ở đây còn giữ được những thứ giống cũ này có nhiều nguyên nhân lắm, nhưng sâu xa chắc chắn đó là loại nếp ngon thực sự. Giống như cơm gạo tám thơm giống đặc sản miền xuôi trước đây, không chỉ riêng đất Thái Bình mà nhiều nơi cũng trồng được, dẻo thơm ngon hơn hẳn các giống khác.
Trong cơn lũ giống mới nhập vào cuốn đi nhiều giống lúa thì một số giống bản địa Tây Bắc chưa mất hết. Theo tôi chí ít người Tây Bắc còn giữ được giống nếp Tan này. Đó là chưa kể ở Bắc Yên tôi thấy vẫn còn những mảng núi vàng ươm vồng lên như mâm xôi lớn nếp nương và lúa mố. Những loại lúa trỉa lỗ bỏ hạt vẫn chưa mất hết! Những giống này chịu hạn giống như ngô. Đó là nguồn gene quí bản địa mà cuộc sống nó bảo phải giữ lấy, và người dân đã giữ được.
3. Ít ra hôm nay giống bản địa ở một số vùng núi sâu xa vẫn chưa mất hết. Người dân chưa đến mức điên rồ với lợn lai, lợn siêu nạc của phương Tây nên qua Bát Xát vẫn còn thấy bóng dáng “mu lình” (lợn khỉ) với màu lông hoe vàng, nhanh nhẹn. Giống này không cho trọng lượng lớn nhưng thịt chắc và thơm ngon…
Chúng ta từng hay bị thái quá trong nhiều vấn đề, có cái ham và có cái tham, có cái vội vàng hoặc quá bảo thủ trên cơ sở thiếu hiểu biết. Có cái mạnh tay làm liều nên rồi có lúc phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Mấy năm qua ngành nông nghiệp loay hoay với giống cây trồng, đã có những chủ trương nhập ồ ạt giống lúa hay cây thực phẩm, trong khi ngó lơ không nghĩ đến giá trị nguồn gene trong nước.
Đó là những chủ trương nông cạn và quá thực dụng mà nếu không kịp tỉnh ra thì nền kinh tế nông nghiệp cũng rất dễ nhanh chóng trở tành con tin cho giống ngoại về hạt giống và vật nuôi! Cũng vậy, lâu nay ngành sắt thép hay một số ngành khác, chỉ biết cắm đầu nhập khẩu vì giá rẻ!
Làm kinh tế chỉ tối mắt vì tiền và hám lợi, thì có ngày tiền nó vùi chết anh! Làm nông nghiệp chỉ háo hức tính đến năng suất, thì sẽ có ngày năng suất nó sẽ nghiền nát vụn giống quý bản địa và biến mình thành kẻ phụ thuộc!
4. Đứng trên bản Ngọc Chiến trong chiều se nắng, thấy mấy chị đứng tuổi đang cầm những bông nếp Tan già lùi gio cắn chắt làm tôi nhớ lại nửa thế kỉ trước, những ngày này tôi cũng theo chị gái ra đồng nẩy những bông lúa mẩy nhất về làm cốm... Rồi những lần đi núi bắt gặp hội cốm người Tày bên bờ suối của nam thanh nữ tú.... làm cốm để mời nàng Trăng cho mùa tình yêu trai gái...
Một giống lúa quý, một lễ hội đẹp, một vùng đất yên bình luôn là một ước mơ vĩnh hằng...
Bài và tranh: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất