Ngẫm ngợi cuối tuần: Suỵt soạt khen nhau

04/05/2024 07:06 GMT+7 | Văn hoá

Ai cũng biết câu ca dao cổ: "Mỗi người đều có một nghề/ Con phượng thì múa, con nghê thì chầu". Chỉ có thế thôi, nhưng để hiểu chân tơ kẽ tóc câu ca dao đó lại không dễ chút nào.

Đầu tiên là câu chuyện nghề. Đó là công việc mỗi người theo đuổi để kiếm sống. Hành nghề thì phải hiểu chân tơ kẽ tóc của nghề. Bởi thế mới có chuyện, nhìn đống rác ai cũng ghê, nhưng kẻ bới rác thì nhìn thấy miếng cơm manh áo trong đó.

Ông thợ cày cho rằng mình là người làm ra hạt lúa, cứ yên tâm đi sau con trâu là sống thì dễ hiểu, nhưng không thể hiểu "anh thợ dìu", một vũ công vui vẻ xoay tít trên sàn như con bướm nhởn nhơ kia, lấy gì mà ăn nhỉ? Vậy mà anh ta (anh thợ dìu) mới chính là người giàu.

  ***

Bây giờ quan niệm của xã hội về nghệ thuật đã cởi mở rất nhiều, nên nghề vẽ xưa là "tháp ngà", thì nay thấy cũng không khó lắm. Đôi khi chỉ cần vài miếng giẻ rách, vài cái bát vỡ, ít rác vun vào một đống lộn xộn cũng gọi là… nghệ thuật sắp đặt, được giải thích với những ý tưởng nhân văn cao quý, khiến mọi người chẳng biết thế nào mà lần. Chê thì không dám, vì có biết ý tưởng của người bày đặt đó là gì đâu? Và khen cũng không hề dễ nên đành im lặng gật gù. Người có vai vế trong làng nghệ thuật đôi khi trước bí bách chỉ còn cách trả lời buông xuôi: thế giới nó thế thì chả nhẽ ta lại đứng ngoài. Đứng ngoài thì lấy gì mà hội nhập?! Người ta sợ tụt hậu nhưng tiến lên như thế nào thì lại chưa rõ đường.

Ngẫm ngợi cuối tuần: Suỵt soạt khen nhau - Ảnh 1.

Tranh minh hoạ. Nguồn: Internet

Có không ít công chúng nghệ thuật kiểu ấy. Thói a dua xuất hiện ở nhiều ngõ ngách trong nghệ thuật thuật chính là do sự hiểu đại khái, nhưng lại sợ bị chê là dốt. Nó không chỉ dừng ở các thuyết gia ăn theo nói leo, mà lan sang khá nhiều ở những người hành nghề. Mà thói a dua cũng dễ đồng thuận (!), để bộc lộ chính kiến với nó, chỉ cần gật gù là xong.

         ***

Thực ra ở đời, có phải cái gì ai cũng biết cả đâu! Nên có không biết cũng chẳng sao. Không biết cũng là cơ hội học hỏi để biết. Tôi đã từng nghe một nhà văn hóa đáng kính giải thích về nghệ thuật thổ dân Úc, nhưng tôi là họa sĩ, có quan tâm đến nghệ thuật thổ dân, nên khi nghe nhận ra ngay thuyết trình của ngài  nọ chỉ là cảm nhận võ đoán, rất xa cái đích thực của thứ nghệ thuật đó. Cũng bởi, người ta nói, nghệ thuật có nhiều cách hiểu, và đó cũng là một cách hiểu.

Thời cổ đại Trung hoa, Mạnh tử nói: "Cẩn tín thư bất đắc như vô thư" là nhắc cho người đời, nếu đọc sách, tin cả vào sách thì thà không có sách còn hơn! Thì ra từ thời ấy, người ta đã nhận ra, viết sách chỉ là góc nhìn của một người. Đọc, nghĩ và tìm để mở  những góc nhìn khác để hiểu sâu thêm  thế giới thì hẵng nên đọc. Không thì phí công! Nên đọc và ngẫm là hai việc luôn song hành. Nếu đọc chỉ hớt váng, cốt nắm tí thông tin thì mất thời gian mà chẳng đem lại lợi ích gì. Đọc mà tin ngay thì chỉ là theo đuôi học vẹt chỉ thành mù quáng. Đọc sách thôi cũng gian nan lắm!

"Biết thì bảo là biết, không biết thì nói không biết, thế mới là biết vậy". Đó là lời họ Khổng khi xưa. Ông ấy nói đúng! Ngày nay cũng nên như thế thì sẽ tốt cho xã hội biết mấy. Chỉ như thế thì người ta mới dần nhận ra chân giá trị văn học nghệ thuật. Bớt đi vẽ nhảm, viết nhảm, tán nhảm rồi khen nhau "sáng tạo" mà cuộc sống nghệ thụật thì vẫn tối mù là chuyện đáng lo ngại!

Họa sĩ Đỗ Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm