Ngẫm ngợi cuối tuần: Thói quen

12/07/2015 18:58 GMT+7

(lienminhbng.org) - 1. Tôi có một anh bạn nhà ở phố Lý thường Kiệt. Bắt đầu từ một gia đình. Sau con cháu phương trưởng dựng vợ gả chồng, chia nhỏ ra thành ba bốn hộ chui chung, nát vụn căn biệt thự. Mấy năm trước ông bà lần lượt ra đi... Rồi cũng đến lúc anh em chụm đầu bàn nhau: không ở thế được, bán đi, chia nhau tiền để mỗi người tìm khoảnh đất mới, mở đầu một chu kỳ mới cho một đơn vị gia đình mới...

Anh tìm được căn nhà ở Liễu Giai. Nhưng hàng tuần vẫn đánh ô tô về Lý thường Kiệt ngồi quán cà phê đối diện để nhìn lại căn biệt thự nát, cho đến lúc nó bị chủ đầu tư đập đi xây mới anh mới thôi không quay lại nữa.

Một hôm tôi qua nhà thăm anh ở Liễu Giai. Chị bảo: nhà em đi cắt tóc. Tôi hỏi sắp về chưa, sao qua tiệm cắt tóc ở cổng không trông thấy. Chị cười, anh ấy đánh xe về Lò Đúc, tháng nào cũng vậy. Anh ấy cắt chỗ ông thợ quen từ mấy chục năm nay... Dạo đầu như thế để gợi cho mọi người biết về thói quen của con người và thói quen người Hà Nội...

2. Hà nội có đầy hàng cà phê, cơm, phở... khách bao giờ cũng đông, nhưng chủ yếu là khách quen. Khách vãng lai chỉ chiếm một, hai chục phần trăm.

Người Hà Nội đi ăn phở sáng ít khi kéo năm kéo ba, không thích om sòm. Thường là lững thững một mình ở một quán quen thuộc. Gọi bát phở, ăn xong lại lần sang quán cà phê, tìm đúng chỗ của mình ngồi nhâm nhi với ly cà phê đen, điếu thuốc lá và lặng lẽ với tờ nhật trình...

Các cửa hàng sửa chữa đồ điện, dân dụng hay các thứ tạp nham khác cũng vậy, khách quen nuôi cửa hàng. Cho nên Hà Nội có những quán sâu trong ngõ, ngách, quầy chè nước, rượu đóng ngay trong gian chính của nhà mà khách vẫn tìm vào... miễn là trà ngon, rượu đậm, chỗ ngồi thích hợp. Cái tình ấy nuôi nhau và đó là cái ruột của cuộc sống phố cổ.

Thành thử cái phố cổ Hà Nội giờ vẫn có phần giống một cái làng quê nhỏ, mọi người đến với nhau bằng thói quen, bằng cái tình làng xóm.

Tôi không chắc khu phố mới như Mỹ Đình sẽ có phong thái ấy, dù có người phố cổ tản ra. Thói quen nào cũng cần thời gian mới thành nếp định hình. Nhưng tôi chắc thói quen của những chung cư mới sẽ khác hẳn, sẽ chẳng có dây dướng gì gần với phố cổ, vì cách cấu trúc căn hộ, cách ăn ở đi lại và bảo vệ nó sẽ dẫn chung cư theo con lộ mới... chưa rõ thế nào.

3. Cạnh nhà tôi có quán phở 68 mới mở dăm năm nay. Phở ngon, giá mềm, người nọ ghé tai người kia, nên chẳng mấy chốc trở nên đông khách. Người trong phố còn đánh xe ra đây ăn sáng.

Có một anh chàng cũng làm nghề bán hàng ăn sáng mới phất, thấy vậy đến ghé luôn bên cạnh với quầy bánh đa cua to oạch. Khai trương rầm rộ, rồi cũng có vài chục khách ăn mỗi sáng. Nhưng rồi sau thưa dần. Được ba tháng anh ấy đành dẹp tiệm vì cuối cùng không có người ăn.

Thì ra cái địa chỉ phở thành thương hiệu rồi thì khi nhớ đến 68 là người ta nhớ đến phở chứ không ai biết đến bánh đa cua cả! Buôn bán mà không hiểu thói quen thì dù hàng tốt, nhiều khi cũng thất bát là chuyện thường. Người Hà Nội làm ăn ít bị rơi vào bi kịch ấy vì có sự điềm đạm nhìn xa chứ không ăn xổi, cướp giật.

Hãy nhìn sâu xa hơn để thấy, do thói quen ấy người Hà Nội ít tham gia vào giới chức, họ thích lặng lẽ làm nghề sinh sống thôi…

Bài và tranh: Họa sĩ Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm